Bộ trưởng Bộ Tài chính: Ngân hàng cho vay không được kèm bán bảo hiểm

13:48, 18/03/2024

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng có sự lệch lạc, thiếu thanh tra, kiểm tra, định hướng, quản lý, dẫn đến nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng tới người mua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Ngân hàng cho vay không được kèm bán bảo hiểm. Ảnh: P. Thắng

Thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Đáng chú ý, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) xuất hiện nhiều mặt trái.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18/3, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) bày tỏ quan ngại về sai phạm tại các công ty bảo hiểm nước ngoài khi bán sản phẩm liên kết ngân hàng.

Việc này, theo bà Hà, gây thiệt hại lớn cho khách mua. “Bộ Tài chính có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng sai phạm này?”, bà Hà chất vấn.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi các quy định sửa đổi gần đây có điểm nào giải quyết vướng mắc trong kinh doanh bảo hiểm liên kết đầu tư hay không?

Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng việc liên kết bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thực tế có phát sinh tư vấn sai, ảnh hưởng tới người mua. Nhưng hành vi này “có thể từ phía nhân viên, chứ chưa chắc chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng”.

Vì thế, Bộ Tài chính cùng Cơ quan Thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước, quản lý, giám sát việc nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm liên kết đầu tư khi giải ngân khoản vay.

Theo ông Phớc, nhiều quy định ngăn tình trạng ép mua bảo hiểm qua ngân hàng, hoặc tư vấn không đúng sản phẩm này được Bộ Tài chính đưa ra để tăng minh bạch, bảo vệ người mua bảo hiểm.

Chẳng hạn, các ngân hàng khi làm đại lý bảo hiểm phải giải thích rõ cho người mua về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng.

“Cho vay không được kèm bán bảo hiểm này, bảo hiểm kia”, ông Hồ Đức Phớc nói rõ, các ngân hàng không được tư vấn, chào bán sản phẩm liên kết đầu tư trong thời hạn trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: P.Thắng

Cục Quản lý Bảo hiểm, Bộ Tài chính, phối hợp cùng cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý tình trạng các công ty bảo hiểm, ngân hàng lợi dụng bán sản phẩm liên kết đầu tư.

Ngoài xử phạt hành chính, các công ty bảo hiểm, ngân hàng lợi dụng bán sản phẩm liên kết sẽ phải chịu hình phạt bổ sung, như rút giấy phép, đình chỉ giấp phép.

Hiện, thị trường bảo hiểm có 19 doanh nghiệp, trong đó hai công ty bảo hiểm trong nước (Bảo Việt, Bảo Minh), còn lại là công ty nước ngoài, liên doanh.

Hai năm qua, 10 đơn vị bảo hiểm nhân thọ có gần 97% doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã bị thanh tra; phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị xử lý 21.000 tỷ đồng.

Năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra tiếp 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có hai công ty bán sản phẩm liên kết đầu tư.

Chuyển điều tra các vụ việc công ty bảo hiểm có sai phạm

Cũng tại phiên chất vấn, ông Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) lo ngại tình trạng nhân viên bảo hiểm chèo kéo khách hàng, hợp đồng quá dài gây khó cho người mua, làm méo mó thị trường.

Ông Gia còn cho rằng, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi.

“Đề nghị Bộ trưởng Tài Chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 quy định cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo và dùng các thủ đoạn để bán sản phẩm.

“Bộ đã kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm”, ông nói.

Về hợp đồng bảo hiểm, ông Phớc thừa nhận trước đây có những hợp đồng dài chục trang, gây sơ sở trong nắm bắt thông tin, thiệt hại cho người mua. Vì vậy, khi sửa luật các quy định về hợp đồng đã được siết chặt, gọn và rõ ràng hơn.

Luật đã bổ sung quy định, trong 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia có quyền đòi lại tiền và công ty bảo hiểm phải hoàn trả lại cho họ, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo thanhtra.com.vn

https://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/bo-truong-bo-tai-chinh-ngan-hang-cho-vay-khong-duoc-kem-ban-bao-hiem-221814.html