Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2022 năng suất khối viễn thông phải tăng 30%

21:36, 15/01/2022

Đấy là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của khối Viễn thông ngày 14/01.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. ảnh Mic

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Khối Viễn thông của Bộ TT&TT gồm 5 đơn vị: Vụ Công nghệ Thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương, Trung tâm Internet Việt Nam. Đây là 5 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghiệp công nghệ thông tin. Trong năm 2021, khối Viễn thông, công nghiệp CNTT đã đi qua một năm rất khó khăn trong đại dịch COVID-19 nhưng đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021, lĩnh vực Viễn thông đã xử lý gần 1,1 triệu SIM có dấu hiệu thông tin thuê bao không đúng quy định; chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; xử lý 227 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác; 100% máy điện thoại nhập khẩu đã tích hợp 4G, có VoLTE. Số máy điện thoại có VoLTE tăng 117%; số người sử dụng VoLTE tăng 3 lần.

Cục Tần số Vô tuyến điện đã kiểm soát, phát hiện 274 vi phạm, xử lý 92 vụ nhiễu/28 tỉnh, thành phố, cụ thể là 258 trạm gốc/ 04 mạng; tại Hà Nội 2-5% trạm gốc được xử lý nhiễu; cải thiện 2-10 lần chất lượng dịch vụ của mỗi trạm gốc; kiểm soát, thu được 407 phát xạ trong băng tần 700 MHz quy hoạch cho IMT… Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã chuyển đổi internet sang IPV6 là 47,5% gấp 1,7 lần trung bình thế giới; 2,3 lần ASEAN, thứ 8 toàn cầu (tăng 2 bậc 2020).

Trung tâm Internet Việt Nam đã rà soát, xử lý thu hồi được trên 1 triệu tên miền .vn và tên miền quốc tế vi phạm liên quan tới ngân hàng, tài chính, cờ bạc. Bên cạnh đó, VNNIC còn tổ chức chương trình học trực tuyến về Internet với 12 chương trình webinar, 13 khóa học Internet với 1149 học viên góp phần phát triển, hỗ trợ cộng đồng người dùng Internet.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng biểu dương những thành tích nổi bật của khối trong năm qua, đồng thờinhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của Khối Viễn thông, công nghiệp CNTT cần thực hiện trong năm 2022, Bộ trưởng chỉ đạo, việc tăng năng suất lao động chỉ có thể thực hiện bằng công nghệ, hiện nay công nghệ đã sẵn sàng. Do đó, năm 2022 năng suất lao động của Khối Viễn thông phải tăng 30%.

Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định: “Để đạt được hiệu suất đó, Viễn thông cũng cần không gian mới để phát triển. Hai không gian mới quan trọng nhất cho viễn thông là Cloud Computing và Digital Platform. Hai không gian này đều đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20% trong khi Viễn thông chỉ tăng trưởng từ 1-2%. Đến năm 2025, quy mô của mỗi thị trường này sẽ tương đương với viễn thông”.

Bộ trưởng yêu cầu năm 2022 khối Viễn thông phải giải quyết dứt điểm tất cả những tồn tại kéo dài. Đó là các loại rác viễn thông, SIM rác, tin nhắn, cuộc gọi rác, thư rác. Giải quyết được các loại rác này thì Viễn thông mới trở thành hạ tầng cho thanh toán điện tử, cho kinh tế số, tức là chuyển sang một trạng thái mới, không gian mới. Viễn thông đã trở thành hạ tầng nền tảng của mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Số người sử dụng viễn thông là hàng trăm triệu, doanh thu hàng trăm ngàn tỷ, lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ.

“Để đảm bảo an toàn mạng viễn thông, các thiết bị viễn thông phải có tiêu chuẩn về an toàn an ninh mạng. Nhà mạng phải đầu tư các công nghệ, thiết bị để đảm bảo mạng viễn thông an toàn, để người dân không bị gây phiền nhiễu, để không gian Internet lành mạnh cũng như đảm bảo để các cơ quan an ninh có thể truy vết hoạt động vi phạm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Khối Viễn thông phải thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, kết nối trực tuyến với các nhà mạng để thay thế các báo cáo; phân tích, đánh giá thông tin bằng dữ liệu, AI để quản lý và phát triển ngành; sử dụng công nghệ số để tăng năng suất lao động.

Trong năm 2022, Bộ trưởng đạt kỳ vọng Viễn thông phải tăng trưởng 2 con số để đến năm 2025 tăng gấp đôi. Muốn thực hiện được điều đó, Bộ trưởng cho rằng “Quản lý phải đi liền với dẫn dắt và phát triển. Quản lý nhà nước phải mở không gian mới cho lĩnh vực, định hướng công nghệ và mạng lưới, có kế hoạch phát triển hạ tầng cho từng địa phương, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, học tập và phổ biến kinh nghiệm quốc tế”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong năm 2022, song song với việc phải khởi động nghiên cứu 6G, Viễn thông phải hoàn thành xong việc phân bổ tần số 4G, 5G và hoàn thành phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc. Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước, nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối. Ban hành tiêu chuẩn thiết bị viễn thông Việt Nam. Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm bắt buộc phải mời các doanh nghiệp thiết bị trong nước.

Theo/viettimes.vn