VRDF 2020: Việt Nam cần có 'tư duy vượt lên trước' chứ không thể 'đi theo, đi sau'

14:37, 30/09/2020

Sáng nay, 29-9, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên Covid-19”. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay, lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức kết hợp cả hai hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc tế và trực tuyến. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Việt Nam cần có 'tư duy vượt lên trước' chứ không thể 'đi theo, đi sau'.

Tham dự và đồng chủ tọa diễn đàn là ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới đều xác định rằng, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Vì thế, muốn hành động để phục hồi kinh tế, muốn xây dựng chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm tới, hay trước nhất là kế hoạch năm 2021, đều phải đặt trong bối cảnh Covid-19 đang hiện hữu.

Đó là sự chủ động cần thiết. Cần đặt ra tất cả các yếu tố sẽ tác động tới kinh tế thế giới và Việt Nam, bao gồm cả Covid-19, cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu… Cần lường trước các thách thức và có kế hoạch hành động để chủ động vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội, trước mắt là phục hồi, sau đó là tăng tốc, phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt” của VRDF 2020. Đó là, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn của người dân cả nước vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn đối với những người làm chính sách. Hai là, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.

Thông tin đến các đối tác phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, song vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Để ứng phó, để vượt qua, để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có; đặc biệt là cần có được “tư duy vượt lên trước” chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị sâu sắc của các chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Liên bang Đức. Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ diễn ra hai phiên thảo luận với chủ đề “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” và “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk phát biểu tại diễn đàn.

Đại diện Ngân hàng thế giới, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định diễn đàn là dịp để đánh giá những bước tiến của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi, Việt Nam cũng đang thay đổi. 

 Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Bà Carolyn cũng bày tỏ sự quan ngại về những ảnh hưởng và tác động tiêu cực của biến khí hậu hậu, điều kiện thời tiết bất thường, thiên tai địch họa… đang là những yếu tố bất lợi đối với nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. 

Trên cơ sở những thành công đã đạt được trong quá trình khống chế dịch COVID-19, Việt Nam cần tận dụng cơ hội, thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ; dành sự quan tâm thỏa đáng tới y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần xác định rõ những mục tiêu ưu tiên; thay đổi cách làm việc để tìm ra những giá trị mới trên tinh thần đổi mới sáng tạo nhằm định hình và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng khả năng chống chịu, thích nghi của nền kinh tế trong bối cảnh mới. 

Phiên thảo luận đầu tiên của diễn đàn sẽ tập trung làm rõ 1 số nội dung như tổng quan về các xu hướng lớn trên toàn cầu trong thương mại và mạng sản xuất toàn cầu; tái cơ cấu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; Nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu: Hành động của Việt Nam nhằm tăng trưởng bao trùm, thu hút FDI có chất lượng vào Việt Nam và phát triển khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân; Vượt qua thách thức: Hành động của doanh nghiệp nhằm phục hồi kiên cường và bền vững…

Phiên thảo luận thứ hai sẽ bàn tới nội dung: Chuyển đổi số mang tính bao trùm: Cơ hội và thách thức; Hành động của Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với vai trò động lực cho phát triển bao trùm và bền vững; Hành động của khu vực doanh nghiệp: Mang số hóa đến cho tất cả mọi người; Bảo đảm tính bao trùm của chuyển đổi số…

Viện trưởng VinAI Research: Việt Nam đang sánh ngang về AI với Hongkong, Phần Lan - Ảnh 1.

Chia sẻ tại diễn đàn, Bùi Hải Hưng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo ( VinAI Research ) - cho biết một trong những sứ mệnh của viện này là đưa Việt Nam lên bản đồ AI (trí tuệ nhân tạo) toàn cầu.

1,5 năm trước, trước khi TS. Hưng rời bỏ Google DeepMind về Việt Nam theo lời mời của ông Phạm Nhật Vượng để lập ra VinAI Research, Việt Nam vẫn là số 0 trên bản đồ AI thế giới. Ông Hưng kể lại: "Trong cuộc gặp với ông Vượng, tôi nói: ‘Nếu anh muốn làm cái gì đó ở mức độ Việt Nam thì em sẽ không về, nếu anh muốn làm tương đương mức độ thế giới thì em sẽ về’".

Tại Hội nghị Quốc tế về Máy học (ICML) 2020 - sự kiện mà Viện trưởng VinAI Research ví như "sân chơi World Cup" của giới AI, thông qua VinAI Research, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 21 trên bản đồ AI thế giới, sánh ngang với các nền kinh tế tương đối phát triển như Hongkong, Brasil, Phần Lan...

Viện trưởng VinAI Research: Việt Nam đang sánh ngang về AI với Hongkong, Phần Lan - Ảnh 2.

VinAI Research cũng lọt vào top 30 doanh nghiệp có các nghiên cứu AI.

"Tất nhiên Top 4 vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh. Nhưng việc chúng ta bắt đầu công cuộc nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu và bài bản là việc quan trọng để khẳng định năng lực về AI của chúng ta trên trường quốc tế", TS. Hưng chia sẻ.

VinAI Research đã hình thành được 1,5 năm và phát triển với tốc độ rất nhanh - tốc độ thường thấy ở Vingroup. Hiện đơn vị nghiên cứu này có hơn 100 nhân sự, trong đó gần 20 tiến sỹ đã có kinh nghiệm làm việc ở các nước Mỹ, Châu Âu, Úc...

"Hiện chúng tôi có văn phòng ở cả Hà Nội và TPHCM, có tham vọng trở thành viện nghiên cứu với năng lực nghiên cứu AI ở mức độ hàng đầu thế giới", TS. Hưng bày tỏ.

Về tầm quan trọng của AI, TS. Hưng cho rằng công nghệ này có tiềm năng giải quyết các thách thức toàn cầu và mang đến sự phát triển bền vững cho Việt Nam.

Bên cạnh việc giải quyết các "bài toán" của Việt Nam như ứng dụng chữ viết và tiếng nói của Tiếng Việt, ứng dụng trong giao thông đô thị, y tế, giáo dục, sản xuất..., giải quyết các vấn đề về an ninh quốc gia như bảo mật thông tin, AI có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế khi làm chủ công nghệ mới.

Nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam Vingroup, VinAI Research một mặt giúp tăng giá trị cho các sản phẩm của họ nhà Vin như Vinfast, Vsmart..., đồng thời đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước.

Một trong những sản phẩm tiêu biểu của VinAI Research là công nghệ VFace Pass, hiện ứng dụng vào tính năng mở khóa bằng nhận diện gương mặt (Face Unlock) cho hơn 1 triệu điện thoại Vsmart. Công nghệ này cũng có thể ứng dụng tại các tòa nhà, khu văn phòng hay doanh nghiệp để kiểm soát ra vào, nhận diện khách hàng. Ông Hưng cho biết công nghệ này là một trong những công nghệ đầu tiên trên thế giới nhận diện được mặt người đeo khẩu trang.

Một ứng dụng khác được ông Hưng đề cập là camera ẩn (Camera Under Display - CUD) tạo nên màn hình "vô khuyết" cho dòng điện thoại Aris của VinSmart, dự kiến ra mắt tháng 10 tới, hay công nghệ lọc tiếng ồn ứng dụng khi gọi/nghe điện tại nơi công cộng...

Thùy Chi (T/h)