Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cùng doanh nghiệp bàn cách mở cửa trở lại
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các địa phương nên tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để cùng đưa ra những biện pháp hợp lý, giúp mở cửa sản xuất trở lại.
Bộ Công Thương là một trong những cơ quan được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ nghiên cứu và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện một mô hình sản xuất phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.
Hiện tại nhiều địa phương đã từng bước kiểm soát được dịch Covid-19, một số khác thì đang hướng đến mốc 15/9 để có thể nới lỏng hoạt động kinh tế, tiếp tục cho phép doanh nghiệp sản xuất trở lại. Bài toán mở cửa lại thế nào được nhiều người đặt câu hỏi.
Zing đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về chủ đề mở lại sản xuất một cách an toàn và phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong đó, Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đưa ra quyết định hợp lý.
Tham vấn cộng đồng doanh nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng mỗi địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và nguồn lực khác nhau, tình hình dịch bệnh tại mỗi nơi cũng khác nhau về mức độ và phạm vi lây nhiễm. Do đó, một quy định “cứng” về sản xuất áp dụng cho mọi tỉnh thành trên cả nước là không phù hợp.
Ông nhấn mạnh đây chính là thời điểm cần phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong việc đưa ra một phương án sản xuất hợp lý cho địa phương mình.
Tuy nhiên, để các địa phương có cơ sở ra quyết định thì Chính phủ cần xây dựng một bộ khung tiêu chí về an toàn, trong đó đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí xác mức độ an toàn, điều kiện để doanh nghiệp được duy trì sản xuất. Cùng với đó là các quy định chi tiết về chính sách trợ giúp, hỗ trợ doanh nghiệp...
Người đứng đầu ngành công thương cũng nhấn mạnh mọi quyết định gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cần có sự tham vấn với chính cộng đồng doanh nghiệp.
Mọi quyết định gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cần có sự tham vấn với chính cộng đồng doanh nghiệp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
“Cùng doanh nghiệp bàn cách mở cửa trở lại, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội của địa phương”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh việc duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh cần được xem như là giải pháp duy trì huyết mạch của nền kinh tế, giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Ngoài ra, duy trì sản xuất cũng giúp đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, qua đó cũng giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương.
TP.HCM nên lập tổ công tác về phục hồi kinh tế
Khi được hỏi về việc mở cửa lại sản xuất một cách tối ưu cho TP.HCM, đặc biệt khi địa phương này đang hướng tới mốc 15/9 có thể nới lỏng một số hoạt động kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng TP nên thành lập một tổ công tác phục hồi kinh tế.
Hiện tại, TP.HCM có hơn 250.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 3 triệu lao động, thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc khác nhau.
“Việc quy định riêng một phương án sản xuất để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp là điều khó khả thi”, ông nhấn mạnh.
Do đó, để có một kế hoạch tái khởi động sản xuất hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng không chỉ riêng TP.HCM mà các địa phương khác nên thành lập tổ công tác phục hồi kinh tế, trong đó bao gồm thành viên là đại diện một số doanh nghiệp chủ chốt, duy trì hoạt động tham vấn thường xuyên với doanh nghiệp.
Thay vì nghĩ thay cho doanh nghiệp, chính quyền chỉ nên đưa ra các điều kiện và các kịch bản khác nhau trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên |
“Thay vì nghĩ thay cho doanh nghiệp, chính quyền chỉ nên đưa ra các điều kiện và các kịch bản khác nhau trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và để doanh nghiệp tự đăng ký và chịu trách nhiệm về phương án sản xuất mà họ đề xuất”, ông nói.
Người đứng đầu ngành công thương lưu ý các địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp hoặc các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn trên địa bàn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian dừng càng lâu thì thời gian phục hồi cũng sẽ càng lâu.
Do đó, các địa phương cần sớm cho phép doanh nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại, với điều kiện đáp ứng các quy định chi tiết về điều kiện làm việc, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch, quy định về kiểm tra định kỳ, và quản lý cung đường của người lao động, những nguy cơ có thể lây nhiễm... Các quy định phải giúp cả doanh nghiệp và người lao động biết mình cần phải làm gì và chủ động phòng tránh gì.
Ảnh hưởng vị thế trên chuỗi cung ứng toàn cầu
“Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng về việc đứt gãy chuỗi sản xuất, nguy cơ mất đơn hàng vào tay các nước khác. Trong khi nhiều địa phương khá chậm trễ trong việc hướng dẫn doanh nghiệp phương án tổ chức sản xuất mới, trong điều kiện có dịch. Bộ Công Thương có giải pháp gì tháo gỡ điều này?”, Zing đặt câu hỏi tới Bộ trưởng.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp khiến các địa phương không kịp trở tay, kinh nghiệm ứng phó với những cú sốc bất ngờ như lần này cũng chưa có tiền lệ.
Ông cũng nhấn mạnh phương án sản xuất “3 tại chỗ” chỉ hiệu quả trong ngắn hạn với điều kiện khu vực sản xuất phải an toàn tuyệt đối và được cách ly hoàn toàn với cộng đồng.
Một lần nữa ông nhấn mạnh giải pháp hữu hiệu là tham vấn doanh nghiệp, tăng tính trách nhiệm và chủ động của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tham gia vào các tổ công tác phòng chống dịch, vào quá trình ra quyết định liên quan đến tổ chức sản xuất, duy trì hoạt động sản xuất, giao thương.
Việc đóng cửa kéo dài đang gây ra những hệ lụy kinh tế, có thể làm ảnh hưởng lâu dài đến vị thế của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên |
Bộ trưởng nhắc lại kinh nghiệm từ đợt dịch tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho thấy sau thời gian dài đóng cửa hoàn toàn, các doanh nghiệp khi quay trở lại sản xuất đã gặp nhiều khó khăn để kết nối lại với khách hàng, lấy lại các đơn hàng đã bị chuyển sang nơi khác.
Do đó, việc đóng cửa kéo dài đang gây ra những hệ lụy kinh tế, có thể làm ảnh hưởng lâu dài đến vị thế của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng về dệt may, da giày mà Việt Nam đã mất hàng chục năm mới đạt được.
Để phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt phía Nam trực tại TP.HCM. Tổ này thường xuyên họp và tham vấn doanh nghiệp để cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp với địa phương và các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp, tháo gỡ khó khăn.
Những đề xuất cụ thể đã được Bộ trình báo cáo Thủ tướng vào ngày 21/8 nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp sớm bắt đầu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo/zingnews.vn