Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Học sinh tiêm hay chưa tiêm vaccine cũng bình đẳng trong quyền được đến trường

16:25, 15/02/2022

Sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng có ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. 

100% trường học trong tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp

Thông tin về tình hình giáo dục-đào tạo của địa phương, ông Trần Văn Thức, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cho biết: Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Giáo dục Thanh Hóa đã cố gắng, nỗ lực, tiếp tục duy trì ổn định các hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng.

Quy mô hệ thống mạng lưới trường lớp phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ cán bộ, giáo viên được phát triển toàn diện; phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập - là điểm sáng của giáo dục cả nước.

Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện tại Thanh Hóa được nâng lên; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì trong top đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi Olympic quốc tế và khu vực…

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, chất lượng; Thanh Hóa là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chủ trì buổi làm việc.

Tỉnh Thanh Hoá vẫn duy trì việc dạy học trực tiếp từ sau khai giảng năm học đến nay; chỉ chuyển trạng thái dạy học trực tuyến đối với một số đơn vị có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện toàn tỉnh có 259 lớp tổ chức học trực tuyến với 9.583 học sinh.

Thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020”, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của địa phương được duy trì vững chắc; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%; 100% học sinh sau lớp 1 biết đọc thông, viết thạo tiếng Việt; tỷ lệ học sinh các huyện vùng cao bỏ học giảm mạnh. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất) được củng cố vững chắc…

Bên cạnh thuận lợi, ngành giáo dục-đào tạo Thanh Hóa còn gặp không ít khó khăn. Là tỉnh đất rộng, người đông, địa hình phức tạp, nhiều xã vùng cao miền núi, khu vực biên giới, bãi ngang; điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, bình quân thu nhập của nhân dân còn ở mức trung bình cả nước; đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu; cơ sở vật chất thiết bị trường học tuy được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Trần Văn Thức phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ riêng về hoạt động dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, theo ông Trần Văn Thức, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Thanh Hóa thực hiện linh hoạt các giải pháp để tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục. 

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cơ sở giáo dục đang kiểm soát được dịch bệnh đã tranh thủ, tận dụng tối đa thời gian vàng học sinh được đến trường để tổ chức dạy học trực tiếp. Các trường tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục; mục tiêu bảo đảm dạy học trực tiếp được nhiều nhất và ưu tiên dạy những nội dung chủ yếu, cơ bản, cốt lõi, quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông. Từ đó, hoàn thành mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, lớp học, cấp học trong thời gian sớm nhất.

Từ khi khai giảng năm học mới, cơ bản các trường học trong tỉnh triển khai hoạt động dạy học trực tiếp, chỉ chuyển trạng thái dạy học trực tuyến đối với một số đơn vị có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các đơn vị đã chủ động tổ chức dạy học trực tiếp ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Hiện tại, 100% các trường học của Thanh Hóa tổ chức dạy học trực tiếp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Trần Văn Thức cũng cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kĩ năng cần thiết để dạy học trực tuyến; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến khi cần thiết. Tăng cường thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến của giáo viên, học sinh; làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động, linh hoạt bằng nhiều hình thức huy động hợp pháp để tất cả học sinh và giáo viên có đủ phương tiện, thiết bị dạy học trực tuyến. 

Tại buổi làm việc, các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cũng như đại diện các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh tập trung vào vấn đề biên chế giáo viên; chính sách với đội ngũ nhà giáo nói chung, giáo viên mầm non nói riêng; sửa đổi định mức học sinh/lớp; lựa chọn sách giáo khoa; sớm triển khai tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi để bảo đảm an toàn cho trẻ khi đến trường,...

Đại diện Trường Đại học Hồng Đức có kiến nghị liên quan đến rà soát, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trong đó có cơ sở đào tạo giáo viên; tổ chức sơ kết, đánh giá ưu nhược điểm của mô hình trường đại học trực thuộc đại phương tại Việt Nam; có hướng dẫn rõ về kinh phí kiểm định, tự đánh giá chất lượng giáo dục trường và chương trình đào tạo với các trường đại học công lập; có cơ chế để giảng viên các trường đại học trực thuộc địa phương được tham gia tuyển chọn và nhận nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ... 

Đại diện cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc.

Những vấn đề này được đại diện các vụ cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi tại buổi làm việc. Đại diện các vụ, cục cũng đưa ra những gợi ý, kiến nghị với địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, đặc biệt là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Thanh Hóa.

Học sinh đi học an toàn không chỉ là vấn đề của ngành Giáo dục

Ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo linh hoạt, sát thực tế, của lãnh đạo địa phương trong triển khai hoạt động dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc ứng phó với dịch bệnh trong trường học bởi vậy không phải chuyện một sớm, một chiều. Do đó, rất cần sự nhất quán trong chỉ đạo, sự chuẩn bị chu đáo, hiểu biết, thái độ và nhận thức đúng về dịch bệnh. Cần trang bị cho học sinh hiểu biết về dịch bệnh nhưng không phải sợ hãi trước dịch bệnh. Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình cũng rất quan trọng.

Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh: Trẻ dù đã tiêm, hay chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng được quyền đến trường một cách bình đẳng; không được tạo ra sự kì thị nếu có học sinh là F0, F1…

“Với Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, mong rằng tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa dành cho giáo dục-đào tạo” – Bộ trưởng chia sẻ.

Liên quan đến phòng chống dịch, vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng lưu ý là cần tăng cường điều kiện về y tế trường học, đặc biệt vấn đề nhân lực. Cùng với đó, thực hiện kế hoạch thời gian năm học một cách linh hoạt; với cơ sở kết thúc chương trình sớm cần tranh thủ để củng cố, mở mang kiến thức cho học sinh, trong đó có việc bổ sung, trang bị kĩ năng sống, kĩ năng phòng dịch...

Liên quan đến công tác giáo dục-đào tạo nói chung trên địa bàn tỉnh, theo Bộ trưởng, một trong những công việc lớn nhất thời điểm này là thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là thay đổi đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực lớn, đầu tư nhiều; lại được triển khai bằng phương thức phi truyền thống là xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa, tiến hành cùng lúc với mục tiêu rất cao của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiến hành trong bối cảnh nguồn lực đầu tư, như con người, cơ sở vật chất chưa có nhiều thay đổi lớn… Bởi vậy, nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm đủ, đúng, phù hợp thì nơi đó sự chuyển đổi sẽ đạt được chiều sâu chất lượng.

Một số vấn đề tỉnh Thanh Hóa cần tập trung quan tâm cũng được Bộ trưởng đưa ra; trong đó liên quan đến rà soát cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ưu tiên các lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; tiếp tục quan tâm đến giáo dục dân tộc, thực hiện bình đẳng trong giáo dục, quan tâm việc dạy học tiếng dân tộc và dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc.

Với kiên cố hóa trường học, dù Thanh Hóa đã đạt trên mức bình quân của cả nước, nhưng 20% còn lại cũng là vấn đề không nhỏ; 20% này lại ở nơi khó khăn. Bộ trưởng mong lãnh đạo tỉnh có chương trình để có thể thực hiện kiên cố hóa nốt được 20% này, có thể là trong 5-6 năm, không nên dài hơn.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cũng được Bộ trưởng lưu ý, liên quan đến thừa thiếu giáo viên, quy hoạch mạng lưới trường học, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục chú ý, phát huy những việc đã làm tốt, trong đó có giáo dục mũi nhọn…

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ đặc thù của địa phương với cả thuận lợi và khó khăn, phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo ngành Giáo dục, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố, các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường trung học phổ thông nghiêm túc tiếp thu ý kiến các thành viên đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham mưu tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh triển khai tốt vấn đề giáo dục-đào tạo của địa phương.

Ngành Giáo dục chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và ủy ban nhân dân tỉnh, ngay sau cuộc làm này sẽ bắt tay xây dựng và có lộ trình để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Đỗ Trọng Hưng thể hiện mong muốn, cùng với sự quan tâm trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị Bộ có ý kiến với các cơ quan, bộ ngành chức năng, với Chính phủ, Quốc hội để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, con người, về chuyên môn nghiệp vụ… của ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến phòng chống dịch, ông Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh quan điểm “chống dịch phải đúng cách”; theo đó không quá căng thẳng, cũng không quá chủ quan. Nhờ vậy, Thanh Hóa đã phòng chống dịch đúng hướng, hiệu quả; cơ bản học sinh được đến trường an toàn. “Học sinh đi học an toàn không chỉ là vấn đề của ngành Giáo dục mà của cả cấp ủy, chính quyền địa phương” - ông Đỗ Trọng Hưng cho hay.

Theo/giaoducthoidai.vn