Chặng đường 30 Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam, 15 năm Việt Nam hội nhập Kỳ thi lập trình sinh viên Quốc tế ICPC
Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 30 (OLP) đã thành công từ nơi bắt đầu - Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên do Hội Tin học Việt Nam chủ trì tổ chức kết hợp cùng Bộ Giáo dục Đào tạo, Hội Sinh viên Việt Nam, là kỳ thi lập trình hoành tráng, hoàn thiện với quy mô quốc tế trong phong trào Olympic sinh viên các ngành khoa học công nghệ các trường đại học và cao đẳng.
1. Hội nhập quốc tế, luôn đổi mới OLP là sân chơi Trí tuệ và Công nghệ cho giới trẻ Công nghệ thông tin Việt Nam, định hướng tính hoàn thiện, phong cách làm việc tập thể và hội nhập toàn cầu.
Tháng 5 năm 1992: từ sáng kiến của Hội Tin học Việt nam bắt đầu hình thành phong trào Olympic Tin học Sinh viên đồng hành cùng sự ra đời của các Khoa CNTT: với nhiệt tình của các trường đại học hàng đầu tại Hà Nội như Đại Học Bách Khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Thăng Long đã tụ họp thành giải Olympic thi lập trình cơ bản với ngôn ngữ Basic, Pascal dùng trên những PC AT, XT còn là hiếm và ít lúc bấy giờ cho sinh viên đang chuyển từ Toán Tin học sang các khoa Tin học hình thành bắt đầu chỉ từ các bộ môn liên quan. Các trưởng đoàn năm 1992, nay đã thành danh như GS.TSKH Phạm Thế Long nguyên Trung tướng Giám đốc HVKTQS, GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành CNTT.
Ban Tổ chức và HĐGK OLP 1995 tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Tháng 4 năm 1998 tại Trường Đại học Sư phạm Vinh, Olympic Tin học Sinh viên - OLP’98 được sự tham gia phối hợp trực tiếp của Bộ Giáo dục Đào tạo và Hội Sinh viên Việt Nam nâng quy mô tổ chức lên tầm Quốc gia, số lượng tham gia đã là 22 trường từ mọi miền đất nước.
Trong suốt gần 10 năm đầu, nội dung chính vẫn là giải thuật và kỹ năng lập trình máy tính cho sinh viên trên cơ sở ngôn ngữ lập trình cơ bản như Basic, Pascal. Thu bài bằng đĩa mềm và chấm bằng cả chương trình biên soạn lẫn chương trình dịch trên các bài toán cụ thể. Khởi đầu Olympic gồm 2 khối: Khối Chuyên Tin dành cho các sinh viên theo học chuyên ngành liên quan đến Tin học và Khối không chuyên cho sinh viên các ngành khác sử dụng tin học và kỹ thuật lập trình cho chuyên ngành của mình.
5 năm tiếp theo là sự thay đổi công nghệ và các thức tổ chức: tháng 4 năm 2001, Olympic 2001 tại Khoa Công nghệ ĐHQG Hà Nội đã có 46 trường tham dự với chủ đề “CHÀO THIÊN NIÊN KỶ MỚI” và tại đây lần đầu tổ chức thi Tập thể “lều chõng” mô phỏng theo hình thức và tiêu chuẩn của kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC kết hợp với hình ảnh thi Hội - “lều chõng” Văn miếu - Quốc tử giám xưa kia. Olympic mở rộng thành 2 khối cá nhân và 2 khối tập thể thi “lều chõng” chỉ với 1 PC. Các sinh viên Việt nam lần đầu được quen phong cách làm việc theo nhóm, chấm bài và hiển thị kết quả trực tiếp còn sơ khai: copy bài vào đĩa mềm/USB nộp qua giám thị chuyển cho Hội đồng giám khảo chấm và công bố kết quả “trực tuyến” ngay tại khu thi với hình ảnh người “phát ngôn” kết quả thi “lều chõng” gợi nhớ lại cảnh thi đình, thi hội xưa kia.
Thi tập thể “lều chõng” tại OLP 2003 - Đại học Cần Thơ.
Số lượng và quy mô tăng mạnh: Tháng 4 năm 2003, Olympic lần đầu tiên đến với đồng bằng sông Cửu Long - Đại học Cần Thơ với 54 trường tham dự với 35 đội đăng ký thi Tập thể khối Chuyên Tin và 31 đội tham gia khối tập thể không chuyên tin với tổng số 66 lều thi tập thể. Từ đây Olympic Tin học thực sự cất cánh!
Năm 2004, OLYMPIC mở rộng khối thi nội dung mới, tại Đại học Hàng Hải, Olympic lần thứ 13 đã mở rộng khối Cao đẳng với 21 trường, lần đầu tiên mở Khối Siêu CUP OLP dành cho mọi sinh viên so tài bao gồm các giải Tin học Quốc tế, quốc gia và đạt giải OLP các năm trước tranh ngôi vị vô địch. Sinh viên Lâm Xuân Nhật ĐHKHTN-ĐHQG Tp. HCM, nguyên giải 3 Tin học Quốc tế đã xuất sắc đoạt Cúp vàng SIÊU CUP OLP đầu tiên. Tại OLP’04 lần đầu đưa vào nội dung thi lập trình tìm đường Robot trong mê cung (Micromouse) là nội dung thi lập trình nhúng thực địa khởi nguồn cho các cuộc thi Robot - tự lái sau này.
Lâm Xuân Nhật Đại học KHTN Tp Hồ Chí Minh - Cúp vàng Siêu CUP OLP đầu tiên năm 2004.
Đỉnh cao với Olympic lần thứ 14 tại Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM vào 4/2005, với 72 trường dự thi 8 khối thi khác nhau thêm khối Phần mềm nguồn mở. Đổi mới công nghệ là điểm nhấn, lần đầu Olympic cải tiến công nghệ và quy trình thi: khối Cá nhân chấm test tự động và dùng công nghệ thẻ nhớ thu bài, khối thi Tập thể “lều chõng”: nộp - chấm bài qua mạng không dây và lần đầu tiên đưa Hệ thống chấm online AMM Ver 1 chấm trực tuyến. Kết quả 3 đội tuyển Chuyên Tin xuất sắc nhất từ ĐH Bách khoa Tp.HCM, ĐH Công nghệ Hà nội và ĐH KHTN-ĐHQG TP. HCM đã lần đầu đại diện Việt Nam tham dự vòng loại Châu Á kỳ thi Lập trình Quốc tế ACM/ICPC tại Iran, Ấn Độ và Philippin. Từ vòng loại ACM/ICPC Asia Tehran - đội tuyển BK-Eagle - ĐHBK TP. HCM đã xuất sắc là đội tuyển Việt Nam đầu tiên lọt vào Chung kết toàn cầu Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC tại San Antonio Hoa kỳ vào 12/4/2006.
Thi nội dung mới Micro Mouse - lập trình nhứng tìm đường trong mê cung.
Năm 2006 OLP lần thứ 15 quay về Hà Nội tại Đại học Bách Khoa là Olympic “hội nhập và trí tuệ & công nghệ tiên tiến”, lần đầu tiên đưa vào vận hành hệ thống chấm PC^2 chuẩn ACM/ICPC, tại OLP’06 đã kiên quyết đưa vào sử dụng môi trường, chuẩn quốc tế như: ngôn ngữ lập trình C/C++ và Java và chấm theo chuẩn quốc tế ACM, IOI. Từ năm 2009, OLP kết hợp với Giải thưởng Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm nguồn mở được bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và cộng đồng nguồn mở Việt Nam. Ban Tổ chức hỗ trợ cho 10-12 dự án PMNM và bảo về Chung khảo và trao giải tại Olympic. Đến năm 2019 phối hợp cùng tổ chức Narock Nhận Bản đưa thêm kỳ thi lập trình đối kháng PROCON vào nội dung thi đấu trong Olympic Tin học và chuẩn bị cho bước tiếp theo hội nhập với kỳ thi PROCON Châu Á.
15 năm Việt nam có mặt tại Kỳ thi lập trình sinh viên Quốc tế ICPC
Kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) được tổ chức lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1970, đến nay đã thu hút được hàng chục ngàn sinh viên xuất sắc nhất của các khoa trong lĩnh vực máy tính từ hệ thống Đại học toàn cầu. Kỳ thi có mục đích nhằm phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm và sự đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm mới và cho phép sinh viên kiểm tra năng lực thực hiện của họ dưới một áp lực thời gian rất cao. Đây là kì thi lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất trên thế giới. Đội tuyển gồm 3 sinh viên và huấn luyện viên từ các trường đại học trên toàn thế giới đăng ký dự thi theo 6 Châu lục trên: https://icpc.global. Các đội thi đấu trong 5 tiếng sẽ phải giải từ 8-15 bài giải thuật chấm trực tuyến chỉ đúng được 1 điểm, nộp lại bị phạt thời gian 20 phút, các đội có cùng tổng điểm sẽ được xếp hạng căn cứ thời gian. Từ các điểm thi vòng loại Châu lục, các đội đứng đầu sẽ được vào vòng Chung kết (World Finals) tổ chức hàng năm tại một quốc gia đăng cai. Mỗi trường đại học chỉ có một đội đại diện duy nhất có thể lọt vào Chung kết toàn cầu. Chung kết ICPC toàn cầu sẽ là trận đọ sức giữa các đội tuyển đến từ 140 trường đại học khác nhau đại diện cho 6 Châu lục. Mỗi vòng thi đấu ICPC sẽ chỉ trao 01 giải Vô địch, 3 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và xếp hạng top 100 trường theo kết quả thi đấu.
Đoàn Việt Nam lần đầu dự Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại San Antonio Hoa kỳ - 2006.
Năm 2006 Việt Nam chính thức tham gia Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC toàn cầu, lần đầu tiên Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội đăng cai tổ chức vào 11/2006. Trên mười đội quốc tế từ Châu Á đã đến Hà Nội thi đấu cùng 60 đội tuyển Việt Nam. Tuy đội Vô địch ACM/ICPC Hà Nội đến từ Đại học Thanh Hoa Trung Quốc, nhưng Đội tuyển Chicken Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội qua các vòng loại đã giành vị trí trong Top 100 trường đại học tham dự Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tổ chức 4/2007 tại Tokyo Nhật Bản với thứ hạng 44/88.
Việt Nam lần đầu tổ chức vòng loại ACM/ICPC Asia 2006 - Thứ trưởng Vũ Đức Đam phát biểu.
Từ 2007 là năm hội nhập quốc tế, từ đây Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam kết hợp với Kỳ thi ACM/ICPC trở thành kỳ thi Quốc tế tại Việt Nam, là điểm vòng loại Châu Á của Kỳ thi ACM/ICPC. Quy mô của Olympic ngày càng lớn và là kỳ thi Quốc tế về CNTT lớn nhất Việt Nam. Từ kỳ thi ACM/ICPC quốc gia, mỗi năm có trên 10 đội tuyển VN thi đấu vòng loại ACM/ICPC Asia tại Thailand, Singapore, Malaisia và Philippin. Từ đây, sinh viên Việt Nam đã liên lục có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu từ khi hội nhập vào 2006 cho đến nay.
Từ năm 2018, ACM/ICPC đổi tên thành Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC, Năm 2021 toàn thế giới có trên 300.000 sinh viên đăng ký, 58.963 sinh viên từ 3.406 trường đại học từ 104 quốc gia qua vòng loại 6 Châu lục lựa chọn 140 đội tuyển xuất sắc nhất dự ICPC World Finals 2020 tại Moscow, Liên Bang Nga từ 1-6/10/2021. Tại đây Đội tuyển đến từ ĐH Quốc gia Nizhny Novgorod (Nga) lên ngôi Vô Địch, tiếp theo Huy chương vàng đến từ Châu Á ĐH Quốc gia Seoul. Việt Nam có ba đội tuyển tham dự Chung kết ICPC toàn cầu 2020 đến từ: ĐH Công nghệ Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH KHTN Tp .Hồ Chí Minh.
Đoàn Việt nam tại Chung kết ICPC toàn cầu 2018 tại Bắc Kinh.
Việt Nam nhanh chóng hội nhập và là thành viên tích cực của ICPC toàn cầu, năm 2006 PGS.TS Bùi Thế Duy, PGS.TS Dương Anh Đức đã dự Hội nghị các giám đốc kỳ thi ACM/ICPC toàn cầu tại Mỹ để chính thức đưa Việt Nam hội nhập toàn cầu, năm 2018 Việt Nam được bầu làm đồng Giám đốc ICPC Asia. Hàng năm Việt Nam tổ chức 3 vòng loại ICPC Khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam tiếp đó là Vòng ICPC Quốc gia để tuyển chọn 120 đội tuyển suất xắc nhất thi đấu Vòng ICPC Asia tại Việt Nam (chưa kể các đội đăng ký thi đấu tại Asean). Trung bình hàng năm có trên 5.000 sinh viên CNTT ưu tú nhất từ gấn 1.200 đội tuyển tham dự các vòng thi ICPC. Từ Năm 2018, các trường Chuyên PTTH được khuyến khích tham gia các vòng ICPC Khu vực và Quốc gia, năm 2021 thu hút 180 đội học sinh từ 53 trường PTTH chuyên tham gia. Kỳ thi ICPC Asia tại Việt Nam thu hút các đội tuyển xuất sắc nhất đến từ Châu Á tham dự như ĐH Thanh Hoa, ĐH Pekin, ĐHQG Tokyo, ĐH QG Seoul, ĐHQG Đài Loan, ĐH Quốc Gia Singapore…. Tạo điều kiện cho các đội tuyển sinh viên Việt Nam cọ sát, thi đấu ngang bằng với các đội tuyển ICPC hàng đầu Châu Á. Phong trào này đã khuyến khích nhiều đội tuyển trong đó thành phần là sinh viên Việt Nam tham gia các Đội tuyển đến từ các Trường Đại học đến từ Mỹ, Châu Âu, Châu Á và đặc biệt các đội tuyển sinh viên Việt Nam đang theo học tại Singapore. Từ 2006 đến nay đã có 6 trường đã tham gia Chung kết toàn cầu đó là: Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Đại học KHTN - ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học FPT và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 2018, Chung kết ICPC toàn cầu tại Bắc Kinh Trung Quốc, đội tuyển Unsigned - Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội đã lần đầu đưa Việt Nam đạt rank 14 toàn cầu rất gần ngưỡng đoạt giải chính thức.
Toàn cảnh ngày thi ICPC Asia tại Đà Nẵng năm 2013.
Đó là hình ảnh 30 năm phong trào Olympic lớn mạnh không ngừng về số lượng và chất lượng, điều quan trọng hơn cả là Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam đã thực hội nhập quốc tế luôn đổi mới về tiêu chuẩn, về công nghệ phù hợp với xu thế phát triển CNTT-TT. 15 năm hội nhập Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC lừng danh, Việt Nam có mặt trong Top 100 trường đại học thế giới về lập trình, Việt Nam là điểm thi uy tín vòng loại khu vực Châu Á kỳ thi ICPC, mở đường cho các đội tuyển sinh viên CNTT Việt Nam có mặt trong vòng chung kết toàn cầu.
2. Ghi nhận công lao của các thày, cô những người dẫn dắt các đội tuyển làm nên thành tích 30 năm OLP:
Đó là các thày cô đã từng dẫn dắt đội tuyển học sinh Việt nam tham dự Olympic Tin học Quốc tế (IOI) nhiều năm như GS.TS Hồ Sĩ Đàm, các thày như cố PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, Ths. Nguyễn Thanh Tùng, PGS.TS. Dương Anh Đức, TS. Nguyễn Thanh Hùng, TS. Hồ Cẩm Hà... và nhiều nhà giáo trẻ đã từng thành công từ các Olympic Tin học cũng hết lòng vì cuộc thi trí tuệ về CNTT quan trọng này như: PGS.TS Nguyễn Việt Hà (HC Đồng Tin học Quốc tế), PGS. TS Bùi Thế Duy (2 lần HC Đồng Tin học Quốc tế), PGS.TS Phạm Bảo Sơn (2 lần HC Bạc Tin học Quốc tế), PGS.TS Trần Minh Triết, PGS.TS Lê Sỹ Vinh (HC Vàng Tin học Quốc tế).... tất cả các thầy cô, các anh, chị đã cống hết mình mang lại thành công cho Olympic. Trong 30 năm liên tục các thầy cô đã liên tục hết mình vì thế hệ tương lai CNTT-TT Việt Nam, để ghi nhận công lao với thế hệ trẻ, Nhà nước đã trao tặng GS.TS Hồ Sĩ Đàm Huân chương lao động hạng 3, nhiều thầy cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ TT&TT, Bộ KH&CN Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam trao tặng bằng khen vì sự nghiệp KH-KT và vì thành tích và đóng góp cho thành công của Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam.
Các Thầy, cô Hội đồng giám khảo gắn bó với 30 năm phong trào OLP-ICPC Việt Nam.
Đến nay, nhiều Thầy cô đã có vị trí quan trọng như: GS.TS. Phạm Thế Long nguyên Trung tướng Giám đốc Học viện KTQS, TS. Quách Tuấn Ngọc nguyên Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT, GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành CNTT, PGS. TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh, PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ Trưởng Bộ KH&CN, PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hà - Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Hà Nội, PGS.TS Trần Minh Triết - Hiệu phó Đại học KHTN Tp HCM,...
Tương lai thuộc về thế hệ trẻ tham gia ra đề, hội đồng giám khảo OLP-ICPC – VNOI Đà Nẵng 2019.
3. Ghi nhận các thành công bước đầu của các bạn OLP-ICPC Việt Nam sau chặng đường 30 năm
Các Sinh viên tham dự Olympic-ICPC đều tiếp tục con đường sự nghiệp phát triển CNTT-TT, khởi đầu từ những kiến thức cơ bản như giải thuật lập trình, cung cách và kỹ năng làm việc theo nhóm, sản phẩm hoàn thiện... nhiều bạn đã trưởng thành, nhiều bạn nay đã hoàn thành PGS, Tiến sĩ tiếp tục giảng dạy tại các trường Đại học trong nước và Quốc tế. Nổi bật trong số này là PGS.TS Phạm Bảo Sơn Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (OLP’97), PGS. TS Trần Minh Triết Hiệu phó Đại học KHTN ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, cùng nhiều thầy, cô hiện giảng dạy trong các Khoa CNTT tại các trường Đại học trong nước và Quốc tế, các thầy cô đã từng tham dự OLP-ICPC lại là người tiếp lửa, truyền cảm hứng và khát vọng cho các thế hệ học trò.
Lâm Xuân Nhật, Cúp vàng Siêu CUP OLP’04 thành công khởi nghiệp tại Sillicon Valeu.
Khác với các lĩnh vực khác, đa số các bạn đã mang thành công từ kỳ thi OLP-ICPC để nối tiếp thành công trong khối Doanh nghiệp với các vị trí cao về công nghệ và điều hành, tất cả vẫn còn giữ nguyên tinh thần thi đấu OLP-ICPC. Đây còn là xu thế và tổng kết từ Ban Tổ chức ICPC toàn cầu “Từ ICPC toàn cầu có tới 1.500 là lãnh đạo các công ty công nghệ, 20% làm cho Google, Amazon, Microsoft, FaceBook, IBM… Kỹ sư công nghệ Google đầu tiên là đội Vô địch, CTO đầu tiên Facebook giải bạc Chung kết ICPC... Từ ICPC toàn cầu sinh viên được tuyển chọn với mức lương trung bình từ 30 ngàn đến 320 ngàn USD/năm” ông Bill Poucher Chủ tịch ICPC cho biết.
Phạm Hữu Ngôn, CEO-CTO Ahamove, Chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2006, Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2008.
Từ OLP-ICPC Việt Nam nhiều bạn trẻ đã lập nghiệp tại Silicon Valey trở thành các nhà lập trình có tiếng tại Google, Face Book, Microsoft, Amazon… như Khúc Anh Tuấn, Vương Linh, Phạm Quang Vũ, Ngô Minh Đức, Hy Trường Sơn,… Lâm Xuân Nhật sinh viên đầu tiên đoạt Cúp vàng Siêu CUP OLP’04 thành công ở Sillicon Valey với thương vụ bán Doanh nghiệp trị giá 500 triệu đô la, các bạn OLP-ICPC đang là chuyên gia CNTT hàng đầu tại Châu Âu, Nhận Bản, Singapore…
Nguyễn Thành Trung, sáng lập Axie Infinity tại Chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2014.
Các sinh viên trưởng thành từ OLP-ICPC đều có công việc yêu thích phát huy tài năng tại Việt Nam và thế giới, nhiều bạn gặt hái thành công trong trào lưu khởi nghiệp điển hình: Phạm Hữu Ngôn (OLP-World Final ICPC 2006) hiện là CEO & CTO AHAMOVE gọi vốn thành công 100 triệu đô la từ Quỹ Temasek Singapore, Nguyễn Thành Trung (World Final ICPC 2014) từng làm CEO Lozi-Loship gọi vốn hàng triệu đô la nay tiếp tục khởi nghiệp sáng lập Axie Infinity - NFT Games đang thu hút vốn đầu từ trên 150 triệu đô la và có định giá tới trên 8 tỷ Đôla, Lưu Thế Lợi (OLP-ICPC 2010) thành công khởi nghiệp với Kyber Network gọi vốn đầu tư trên 100 triệu đô la, mới đây Lê Yên Thanh (OLP- Word Final ICPC 2014, 2016) CEO PhenikaaMASS với sản phẩm Busmap cũng được Tập đoàn Phenikaa đầu tư hàng triệu đô la. Năm 2022 cả hai 9X Nguyễn Thành Trung và Lê Yên Thanh đều có mặt trong danh sách Forbes Vietnam under 30.
Lê Yên Thanh, CEO BusMap, Cúp vàng Siêu cup OLP’12, 2 lần dự Chung kết ICPC 2014, 2016.
Kết quả xếp hạng và giải thưởng cũng như Chứng nhận tham dự của cuộc thi đặc biệt chứng nhận ICPC đã được các Cơ quan, Doanh nghiệp CNTT chấp thuận trong công tác tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt nhu cầu về kỹ sư giỏi, xuất sắc về thuật toán và lập trình đẳng cấp thế giới. Nhiều doanh nghiệp công nghệ có tên tuổi tại Việt Nam quan tâm thu hút các bạn OLP-ICPC làm việc với mức lương cao như: Sea, Shopee, FPT, VNG, Samsung, VIN AI,… và nhiều bạn đã và đang khẳng định trên con đường khởi nghiệp! Các bạn OLP-ICPC đã luôn tiên phong và là nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao nhất trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia và định hướng công nghệ trong kinh tế số, vũ trụ ảo trong tương lai.
4. Thành công của cuộc thi Trí tuệ và Công nghệ cho giới trẻ CNTT-TT Việt Nam là sự quann tâm của Nhà nước và các Bộ ngành và Tỉnh thành đăng cai:
Trước hết là Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những khen thưởng và động viên khen thưởng cho các cá nhân đoạt giải cao nhất trong kỳ thi Olympic Tin học sinh viên và trao Bằng khen cho trường Đăng cai OLP.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao Bằng khen tại OLP’15.
Bộ Thông tin và Truyền thông luôn quan tâm trực tiếp động viên và trao bằng khen cho các Đội tuyển đoạt giải Nhất Khối tập thể “lều chõng” từ năm 2003 và ICPC Việt Nam từ năm 2006 đến nay.
Thứ trưởng Bộ TTTT Pham Tâm trao Bằng khen các đội Nhất ICPC Việt Nam năm 2018.
Bộ Khoa học Công nghệ trao bằng khen cho các Đội tuyển đoạt giải Nhất Khối Phần mềm và các Giải Đồng đội cho cả 3 khối cá nhân Chuyên Tin, Không chuyên tin và Cao đẳng. Ngoài ra Bộ đã chỉ đạo và hỗ trợ cho giải thưởng Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm nguồn mở.
Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam hỗ trợ tổ chức và trao bằng khen cho các thày cô trong Hội đồng giám khảo, các trưởng đoàn dự thi và Các Trường Đại học và Cao đẳng đã liên tục có thành tích xuất sắc.
Hội Sinh viên Việt nam phối hợp tổ chức và luôn chủ trì các hoạt động giao lưu sinh viên và đều có Bằng khen cho Sinh viên và các Đội đoạt giải cao nhất.
Lãnh đạo các Tỉnh thành phố đăng cai Olympic Tin học bao giờ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho Olympic nơi tìm kiếm và động viên các “nhân tài” CNTT cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Các Tỉnh thành đăng cai đã hỗ trợ các Trường đăng cai về vật chất, kỹ thuật và lãnh đạo cùng các Sở, Ban ngành đều nỗ lực hỗ trợ cuộc thi. Năm 2005 tại Tp. HCM tại Hội trường Thành uỷ, Chủ Tịch UBND Nguyễn Thanh Hải và Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thiện Nhân đều tới căn dặn và trao thưởng cho các sinh viên xuất sắc đoạt giải OLP. Năm 2006, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng dù thời tiết không thuận lợi đã đến Văn Miếu Hà Nội chúc mừng 20 năm Olympic và trao giải thưởng cho sinh viên.
5. 30 năm Olympic Tin học Sinh viên cùng 15 năm kỳ thi ICPC Việt Nam đã:
.Không ngừng phát triển và lớn mạnh theo xu thế “trí tuệ và công nghệ” phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hội nhập quốc tế với gần 100 trường Đại học, Cao đẳng dự thi trong 8 Khối với công nghệ và hình thức thi khác nhau. Mục tiêu của OLP là thu hút nhân tài CNTT và định hướng sinh viên Việt Nam đuổi kịp và vượt trình độ các nước công nghiệp phát triển, đưa nguồn lực trẻ CNTT-TT Việt Nam có vị trí cao trên bản đồ CNTT thế giới.
.Được sự ủng hộ và nhiệt tình tham gia của các thày cô, các tài năng CNTT lứa đàn anh đi trước cũng như sự tham gia tích cực của sinh viên các trường đại học và cao đẳng cả nước.
.Được sự quan tâm ủng hộ, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan đoàn thể nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Các Doanh nghiệp đơn vị luôn nhiệt tình ủng hộ và tài trợ cho OLP, cho các tài năng CNTT-TT Việt Nam. Các cơ quan báo chí, tuyền thông, truyền hình luôn quan tâm đưa tin, bài ủng hộ.
Trao cờ Đăng cai OLP-ICPC.
6. Đến nay từ OLP-ICPC đã:
.Là sân chơi học thuật, cuộc thi Lập trình cho sinh viên có tầm cỡ Quốc tế với nhiều nội dung thi đa dạng, công nghệ tiên tiến phù hợp, có uy tín hàng đầu tại Châu Á và thế giới.
.Đưa Việt Nam liên tục 15 năm vào danh sách các quốc gia có Đội tuyển có mặt trong Top 100 trường Đại học uy tín hàng đầu tham gia Chung kết lập trình sinh viên Quốc tế ICPC góp phần đưa thương hiệu sinh viên Việt Nam lên vị trí cao trong bản đồ CNTT thế giới. Việt Nam là điểm đến của sinh viên Châu Á tham dự vòng loại ICPC Châu Á hàng năm.
.Hầu hết các gương mặt tiêu biểu từ Olympic - ICPC đã luôn phát huy được tài năng và chính họ sẽ là đại diện cho nguồn lực CNTT Việt Nam trẻ đầy tiềm năng và được quốc tế đánh giá cao.
.Về tương lai Olympic-ICPC (trích phát biểu của sinh viên Phạm Hữu Ngôn - đội tuyển BK-Eagle ĐH Bách Khoa TP.HCM): ”Việt Nam chúng ta sẽ đoạt chức quán quân tại chung kết ICPC thế giới’: Olympic sinh viên VN vẫn sẽ tiếp tục phát triển với quy mô ngày càng lớn. Không chỉ dừng lại ở mục đích phát hiện tài năng như ở những cuộc thi lần đầu cách đây 30 năm mà nó sẽ còn là một trong những hoạt động ý nghĩa góp phần cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu thị trường CNTT ngày càng lớn của Việt Nam hiện nay.
Đoạt chức quán quân ICPC thế giới có thể là một cái đích còn rất xa với Việt Nam nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện. Chúng ta đã có những đoàn học sinh PTTH giành được nhiều Huy chương Vàng tại các kì thi tin học quốc tế IOI, APIO, có kì thi Olympic Tin học truyền thống đã được tổ chức đã 30 năm, các đội tuyển Việt Nam luôn có mặt tạivòng chung kết ICPC thế giới… thì không có lý do gì để ngăn cản chúng ta suy nghĩ đến một ngày nào đó có thể là 5, 10 năm nữa, Việt nam chúng ta sẽ có những sinh viên xuất sắc giành được danh hiệu quán quân ICPC toàn cầu, góp phần đưa thương hiệu tuổi trẻ Việt Nam lên vị trí cao trong bản đồ CNTT thế giới”.
Nguyễn Long