Lĩnh vực “số” của Việt Nam phát triển mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lĩnh vực “số” của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trong đó, đại diện là các doanh nghiệp số đang triển khai chuyển đổi số tại nhiều quốc gia.
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã làm việc với Trưởng các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024 - 2027. Trong đợt này, có 26 cán bộ được bổ nhiệm làm Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trên khắp các châu lục.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền - Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - New York (Mỹ) - Trưởng đoàn công tác chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Việt Nam phát triển mạnh mẽ lĩnh vực “số”
Tại buổi làm việc, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT đã thông tin với các đại biểu về các mục tiêu, định hướng phát triển các lĩnh vực thuộc ngành TT&TT, trong đó có các chỉ tiêu về phổ cập truy cập cáp quang đến tận hộ gia đình, phủ sóng mạng di động 5G rộng khắp, tiên phong phát triển công nghệ 6G, triển khai các tuyến cáp quang biển đảm bảo cơ sở hạ tầng trọng yếu, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm hỗ trợ AI đáp ứng hạ tầng dữ liệu, hạ tầng đám mây…
Đây là những hạ tầng cốt yếu để phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cũng giới thiệu Chiến lược công nghiệp bán dẫn vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó điểm nhấn của chiến lược là công thức C=Set+1 - mô hình sẽ phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam để thu hút nguồn đầu tư và Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu đối với các tập đoàn công nghiệp bán dẫn. Theo Chiến lược, Việt Nam cũng thực hiện thu hút FDI có chọn lọc.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại đã giới thiệu nền tảng vietnam.vn với nhiều thông tin về Việt Nam để các tân Trưởng các cơ quan Đại diện Việt Nam có thể nắm bắt được nhiều thông tin từ Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp (DN) công nghệ số của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC, FPT… cho biết Việt Nam có nhiều chính sách phát triển lĩnh vực “số” như chuyển đổi số (CĐS), tắt sóng công nghệ di động cũ 2G, 3G, phổ cập 5G, cáp quang… với các mục tiêu cao có thể truyền thông ra thế giới.
Các DN cũng có đội ngũ nhân lực số đang làm việc ở nước ngoài rất lớn, theo đó, các DN mong muốn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực hỗ trợ các DN trong các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Nhiều DN công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài
Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền - Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - New York (Mỹ) - Trưởng đoàn công tác đã bày tỏ vui mừng được Bộ TT&TT đón tiếp và làm việc với đoàn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc trong trong thời đại số cần thích ứng với không gian số, không gian mạng. Báo chí quay trở lại những giá trị cốt lõi, “chung sống” trong môi trường số.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, thế giới hiện nay rất quan tâm đến xây dựng nhiều thể chế, trong đó có thể chế đạo đức AI. Bộ TT&TT tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực số có thể đại diện Việt Nam tham gia tích cực về xây dựng thể chế, quy định về AI.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, kiêm nhiệm Liên bang Micronesia đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là cần đưa thế giới vào Việt Nam và cũng cần đưa Việt Nam ra thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình.
Theo Thứ trưởng Phạm Thanh Bình, năm 2025 là năm Việt Nam có nhiều sự kiện của đất nước, theo đó, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam rất mong nhận được sự hỗ trợ, định hướng, thông tin hợp tác và các sản phẩm truyền thông do Bộ TT&TT thực hiện để quảng bá đất nước, con người Việt Nam.
Cùng với đó, các Trưởng các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài mong muốn Bộ TT&TT, các DN công nghệ số liên hệ chặt chẽ với các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.
Lắng nghe các ý kiến của Trưởng các cơ quan Đại diện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Bộ TT&TT có từ đại diện là từ “số” như hạ tầng số, công nghiệp số, công nghệ số, an toàn số, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, truyền thông số…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nhiều DN công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài là làm chuyển đổi số và làm rất tốt.
Bộ trưởng cho biết trước đây Việt Nam mời nước ngoài vào Việt Nam, nay Việt Nam đi ra nước ngoài. Bộ TT&TT hiện nay đã hỗ trợ học bổng cho nhiều sinh viên đến học tập về lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam.
Một số lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý đang xếp các thứ hạng cao như an toàn an ninh mạng thứ 17, bưu chính thứ 46, chất lượng mạng di động, cố định đứng thứ 55, kinh tế số trong khoảng vị trí 50… Năm 2045, các lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý phấn đấu trong top 30 thế giới.
Hiện nay, Bộ TT&TT đã nâng cấp từ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) thành hợp tác đối tác số (digital partnership) đối với một số nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hiện toàn cầu đang có nhiều bài toán như già hoá dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, chất lượng cán bộ… đều có thể giải bằng công nghệ.
Bộ trưởng cũng thông tin trong 3 năm qua, Bộ TT&TT hàng tháng đều tổ chức đưa các đoàn DN công nghệ đi ra nước ngoài. Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện có khoảng 5000 DN công nghệ có doanh thu từ nước ngoài, có DN có tổng giám đốc có tuổi đời rất trẻ với đội ngũ nhân viên lên đến 500 người đang làm việc ở châu Âu. Doanh thu của một số DN lên đến hàng tỷ USD, tăng trưởng khoảng 30%.
Hiện nay, nhiều DN công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài là làm CĐS và làm rất tốt bởi người Việt Nam chăm chỉ làm việc, chịu khó học hỏi, có khả năng về công nghệ thông tin, ứng dụng. Viettel đã đầu tư ở 10 quốc gia và có khả năng phủ sóng ở vùng xa của các nước kém phát triển rất cần công nghệ. Hiện nay, còn có làn sóng DN Việt Nam mua công ty nước ngoài như Vin Group, FPT...
Trong tiến trình CĐS toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam phải làm chủ công nghệ số. Trong đó, tự cường là quan trọng. DN Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia giải quyết các bài toán toàn cầu và Việt Nam phải ra nước ngoài bằng sức lực của mình./.