Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2023
Chiều ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 5 giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Báo Vietnamnet
Theo Bộ trưởng, hội nghị giao ban lần này là một hội nghị “brain storming". Theo đó, đối với người đứng đầu các đơn vị cần suy nghĩ về những việc cốt lõi nhất mà đơn vị, lĩnh vực do đơn vị quản lý cần làm cho ngành, đơn vị và nhiều khi là cho chính mình trên cương vị là người lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị từ nay đến năm 2025. “Tôi mong các trưởng đơn vị cần tìm, xác định công việc cốt lõi để đóng góp cho sự phát triển của Ngành và việc tự xác định đó sẽ là công việc yêu thích để từ đó tìm ra năng lực thực thi công việc tốt nhất”.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (ICT) tự đặt ra mục tiêu làm sao trong 3 năm tới, tham gia thúc đẩy để mỗi năm cho ra lò thêm khoảng 500.000 kỹ sư, cử nhân CNTT, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa. Ảnh Báo Vietnamnet
Với Cục Thông tin đối ngoại, Cục trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ mong muốn tạo ra được một nền tảng phục vụ hơn 100 triệu người dân Việt Nam quảng bá hình ảnh Việt Nam tới 8 tỷ người trên thế giới. Hệ thống này sẽ là nơi tập hợp về truyền thông của hệ thống chính trị, của địa phương, của báo chí, của doanh nghiệp và người dân, trong đó trước hết là người dân Việt Nam và sau đó là người dân thế giới, để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Theo ông Phạm Anh Tuấn, nếu truyền thông được sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, vị thế của Cục Thông tin đối ngoại cũng sẽ nâng lên.
Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Phạm Anh Tuấn. Ảnh Báo Vietnamnet
Qua nghe ý kiến bày tỏ của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở về một số việc lớn, có ý nghĩa mà đơn vị, lĩnh vực có thể chọn làm. Đơn cử như, Cục Chuyển đổi số quốc gia nếu làm được việc mỗi công chức, viên chức có một trợ lý ảo thì sẽ giúp thay đổi Việt Nam. Cục An toàn thông tin có thể tập trung để làm tốt việc giám sát an toàn của hệ thống phần cứng cũng như các nội dung thông tin, hoặc đặt mục tiêu mỗi smartphone của người dân Việt Nam đều có một cái khóa bảo vệ.
Tương tự, với Cục Báo chí, Bộ trưởng gợi ý cân nhắc việc thúc đẩy hình thành các tập đoàn báo chí Nhà nước, có sức ảnh hưởng lớn và đưa hoạt động của các cơ quan báo chí lên nền tảng số. Hay với Cục Công nghiệp ICT, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành TT&TT đề xuất có thể đặt ra một con số cụ thể về mục tiêu tổng doanh thu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thu được từ thị trường nước ngoài vào năm 2025.
Trước các chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo đơn vị và các Thứ trưởng đã tiếp thu chỉ đạo. Phụ trách các đơn vị khối báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết các đơn vị trong khối luôn trao đổi công việc với nhau và chủ đề của Bộ trưởng giao hôm nay sẽ được khối trao đổi cụ thể hơn. Hiện nay, các đơn vị trong khối thực hiện nhiều công việc và có phần phân tán, nên cần phải tối ưu hoá hơn.
Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, phụ trách các đơn vị khối công nghệ số cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thuộc khối rà soát việc thực hiện các chiến lược đến năm 2025, trong đó có những mục tiêu phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị trưởng các đơn vị chủ trì thực hiện các chiến lược cần thực hiện hai công việc: xây dựng văn bản cho các bộ ngành chủ quản về các công việc được giao chủ trì và huy động sự vào cuộc của nhiều bên để quyết tâm vụ hoàn thành các nhiệm vụ vào 2024. Mỗi tháng cũng cần họp với đầu mối Bộ ngành, DN cung cấp giải pháp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng.
Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các đơn vị xem xét các công việc mang tính dấu ấn để thực hiện thiết thực.
Trong khi đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết sẽ triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng đối với các đơn vị khối Viễn thông để triển khai các công việc đến năm 2025 theo thời gian, tiến độ thực hiện.
Kết luận Hội nghị, người đứng đầu ngành TT&TT đã nhắc đến tinh thần đổi mới, quyết định đi vào những chỗ hiện đại nhất, học hỏi và dám dấn thân, mạo hiểm chọn đi thẳng vào công nghệ hiện đại của “chú Ba Thân” thời đổi mới ngành viễn thông Việt Nam.
Lúc đó, công nghệ analog chiếm 98% thị phần trên thế giới còn công nghệ số mới chỉ chiếm 2%. Thế nhưng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục đã có quyết định táo bạo, dũng cảm là bỏ tổng đài analog, chọn công nghệ digital, đi thẳng vào hiện đại hóa. Chính quyết định này đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành Bưu điện.
Khẳng định không đi vào vùng 2% thì Việt Nam không phát triển được, người đứng đầu ngành TT&TT đề xuất các trưởng đơn vị “Quay lại đúng thời chú Ba Thân, thời đó làm như thế nào thì làm đúng thế”. “Ngành này, lĩnh vực này có được ngày hôm nay là nhờ cách đây gần 40 năm chúng ta đã đi vào vùng 2%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Khôi Nguyên (T/h)