Bộ TT&TT sắp công bố doanh nghiệp tham gia đấu giá tần số 4G, 5G
Bộ TT&TT sắp công bố danh sách những doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đấu giá tần số 4G và 5G. Với 3 khối băng tần được đem ra đấu giá lần này sẽ chỉ có 3 nhà mạng được cấp phép băng tần 2300-2400 MHz để sử dụng cho 4G và 5G.
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho hay, lần đấu giá tần số này không chỉ có các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ di động, mà có thể có thêm nhiều doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia. Như vậy, rất có thể thị trường di động sẽ xuất hiện thêm người chơi mới tham gia, sử dụng công nghệ 4G và 5G.
Trước đây, việc cấp phép tần số do các cơ quan nhà nước phê duyệt cho doanh nghiệp, tiếp theo đó là hình thức thi tuyển để lấy tần số. Nói một cách nôm na là băng tần được cấp phép miễn phí cho các doanh nghiệp. Hàng năm các nhà mạng chỉ phải trả phí băng tần theo quy định của Bộ Tài chính. Thậm chí cơ quan quản lý lúc đó đã bàn nhiều đến việc phải thu thêm phí thương quyền viễn thông với các nhà mạng.
Thế nhưng, cuộc chơi giờ đã khác, khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực và các nhà mạng muốn có băng tần tốt để cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ phải tham gia đấu giá công khai, minh bạch. Điều này có ưu điểm là sẽ chọn được doanh nghiệp có thực lực kinh tế và thực chiến trên thị trường, chứ không phải xin băng tần theo kiểu “giữ giá làm nộm”, mà không triển khai cung cấp dịch vụ.
Bộ TT&TT sắp công bố doanh nghiệp tham gia đấu giá tần số 4G, 5G.
Theo công bố của Cục Tần số vô tuyến điện, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm.
Với giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỷ đồng/năm. Đây là con số không hề nhỏ với tất cả các mạng di động.
Giới phân tích cho rằng, 3 mạng di động lớn là Viettel, VNPT và MobiFone sẽ không bỏ cuộc đua này bởi dù muốn dù không họ cũng phải có được băng tần này để phục vụ khách hàng trong tương lai cho dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ.
Đối với Vietnamobile, nếu không có băng tần này cũng có thể là dấu chấm hết cho cuộc đua trên thị trường di động, khi mà thế giới đang dần tắt sóng 2G và 3G. Vì vậy, có lẽ Tập đoàn Hutchison cũng phải “bấm bụng” để theo tiếp cuộc chơi.
Với Gtel, có lẽ đây là nhà mạng bình tĩnh nhất khi mà họ vừa ký kết đối tác với VNPT để sử dụng hạ tầng và cả băng tần 5G của nhà mạng này trong tương lai. Có lẽ Gtel sẽ không bỏ ra 5.798 tỷ đồng khởi điểm để đấu giá tần số và sẽ chọn cách đi nhẹ nhàng hơn để chờ thời cơ mới.
Giới phân tích cho rằng, để xây dựng một mạng di động phủ sóng toàn quốc, nhà đầu tư cũng phải bỏ ra vài tỷ USD đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS đang suy giảm, doanh thu đến từ 5G đang chia ở thì tương lai và lợi thế vẫn nằm trong tay các nhà mạng có nhiều thuê bao.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động và thị trường bắt đầu đến ngưỡng bão hòa. Một thống kê khác cho thấy, mỗi năm các nhà mạng đang giành nhau khoảng 800.000 thuê bao mới gia nhập thị trường. Như vậy, về cơ bản, các nhà mạng sẽ không thể thay đổi được thị phần bằng cách giành giật thuê bao mới.
Nhiều người tin rằng ở thời điểm này, sẽ không có thêm doanh nghiệp khác ngoài những nhà mạng đang cung cấp dịch vụ di động tham gia đấu giá băng tần 4G, 5G lần này bởi đây là cuộc chơi mạo hiểm và việc giành được thị phần là chuyện vô cùng khó khăn.
Minh Thùy (T/h)