Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 9/2023
Ngày 03/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 9/2023. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị giao ban QLNN tháng 9/2023
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng uỷ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long và lãnh đạo Bộ đã trực tiếp lắng nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trình bày các nhiệm vụ đã hoàn thành trong tháng 9 và rà soát tiến độ các nhiệm vụ đang triển khai trong tháng 10 và quý IV nói chung. Theo thống kê của Văn phòng Bộ, quý IV/2023, có 315 nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị trong Bộ cần hoàn thành, trong đó riêng tháng 10 là 31 nhiệm vụ.
Trên cơ sở nghe ý kiến của các trưởng đơn vị, Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo Văn phòng Bộ gửi lại các đơn vị danh sách nhiệm vụ trong quý IV/2023, các trưởng đơn vị rà soát lại, phân công việc cụ thể và trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong triển khai phải báo cáo ngay. Trường hợp được giao nhiệm vụ mới, các đơn vị nên xin ý kiến lãnh đạo Bộ về định hướng và cách làm trước khi triển khai.
Thứ trưởng nhấn mạnh những nhiệm vụ Chính phủ, cấp trên giao, các đơn vị phải tập trung hoàn thành. Những nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao, các đơn vị cũng cần có kế hoạch thực hiện. Trường hợp có thể chậm, cần có báo cáo sớm. Thứ trưởng cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan trong Bộ chú ý theo sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề nghị Văn phòng chủ trì xem xét xây dựng văn bản hướng dẫn xử lý công việc để tránh xảy ra chậm, muộn.
Thứ trưởng cũng cho biết, khối lượng công việc từ nay đến cuối năm rất lớn, do đó Văn phòng Bộ cần thống kê rõ ràng và đưa ra mức độ thứ tự ưu tiên để lãnh đạo Bộ và đơn vị nắm bắt, dành sự bố trí nguồn lực, thời gian ưu tiên để xử lý, từ đó có sự thông cảm, chia sẻ trên dưới với nhau. Đồng thời, nhiều nhiệm vụ giao gần như bất khả thi ngay từ đầu thì bản thân lãnh đạo các đơn vị phải có phản hồi lại để điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời.
Toàn cảnh Hội nghị
Liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 và quý IV/2023, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục Chuyển đổi số quốc gia và các đơn vị cần phối hợp chuẩn bị tốt nội dung liên quan đến triển khai các hoạt động cho Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10 để tạo cú hích trong triển khai chuyển đổi số.
Trước tình trạng lừa đảo, mạo danh các cơ quan nhà nước trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh Bộ TT&TT sẽ tập trung cho việc định danh số điện thoại của Bộ khi liên lạc với người dân, doanh nghiệp (DN).
Theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT cần tiên phong triển khai định danh số điện thoại hay còn gọi là voice brandname các cuộc gọi của Bộ khi tiếp xúc, tương tác với người dân, DN. Bộ TT&TT sẽ cùng các nhà mạng công bố việc định danh số điện thoại hiện chữ Bộ TT&TT.
“Việc này để chống tình trạng các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo đang diễn ra nhiều như hiện nay. Bộ TT&TT tiên phong triển khai thí điểm sau đó sẽ làm việc với các Bộ, ngành khác triển khai như Công an, Viện Kiểm sát, toà án rồi đến ngân hàng”, Thứ trưởng cho biết.
Thời gian qua, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi tuần, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tiếp nhận khoảng 400 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo, trong đó, nhiều hơn cả là các trường hợp giả mạo ngân hàng, trang thương mại điện tử, các cơ quan có thẩm quyền..
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục An toàn thông tin, khối báo chí của Bộ tổng hợp, dành không gian để đăng tải các thủ đoạn lừa đảo và cách phòng tránh bởi có hiện tượng một người bị lừa đảo hình thức này người khác vẫn bị lừa như thế. “Cần phải phổ biến các kiến thức, kỹ năng để người dân nắm bắt các loại hình thức lừa đảo. Các đơn vị cần có nghiên cứu triển khai hướng dẫn cho người dân khi xảy ra vụ việc thì xử lý thế nào”.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo lĩnh vực viễn thông rà soát việc ngừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán. Báo chí vào cuộc truyền thông. “Các đơn vị làm quyết liệt để xử lý rốt ráo việc này, không dung túng, lấp lửng và Bộ sẽ xử lý. Đừng để người dân sợ sử dụng điện thoại”.
Trước đó, từ ngày 10/9, nhằm hạn chế tình trạng SIM rác tràn lan, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng chính thức ngừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán trên toàn quốc với nỗ lực hạn chế tình trạng SIM không chính chủ (hay SIM rác) tràn lan trên thị trường.
Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam vì đây là lĩnh vực “nóng” sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Lĩnh vực này phát triển sẽ kéo theo nhiều sự dịch chuyển sắp tới.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng lưu ý hai lĩnh vực kinh tế số và báo chí là hai lĩnh vực trọng tâm cần tập trung trong quý IV/2023.
Lĩnh vực Kinh tế số cần xem xét lại các báo cáo cũng như phải có đánh giá, xem xét kỹ tình hình phát triển. Các hoạt động, chương trình thúc đẩy kinh tế số phải được cụ thể hoá và triển khai sớm ngay trong tháng 10, đặc biệt đẩy mạnh trong 3 tháng cuối năm 2023.
Lĩnh vực thứ hai cần được tập trung là báo chí, phát thanh truyền hình - truyền thông. Lĩnh vực này cần tập trung đôn đốc các đơn vị chú ý lan tỏa truyền thông chính sách, đồng thời tiếp tục phát huy chặn lọc thông tin xấu độc đã làm tốt trong thời gian qua./.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông
(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/160365/Bo-TT-TT-giao-ban-quan-ly-nha-nuoc-thang-9-2023.html)