Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, “Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam”. Thị trường Việt Nam là một thị trường đủ lớn với 100 triệu dân, đứng thứ 12 về dân số trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số. Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về ĐTĐM… không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực"
Mỗi tuần Bộ TT&TT sẽ tổ chức ra mắt các hạ tầng, nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong lúc đại dịch này phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định.
Bộ trưởng cho hay, hôm nay chúng ta ra mắt nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) được phát triển bởi các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên mã nguồn mở của bốn công ty. Các doanh nghiệp này đều đã đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật của Bộ TT&TT về ĐTĐM.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và bốn doanh nghiệp ĐTĐM nòng cốt thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, “Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng ĐTĐM”. Bộ trưởng hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác phát triển hạ tầng ĐTĐM. ĐTĐM sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Sự ra mắt của hạ tầng ĐTĐM ngày hôm nay là bước chuẩn bị để đón nhận Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký trong những ngày tới.
Thị trường ĐTĐM trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, 80% vẫn dùng đám mây đặt tại nước ngoài, còn rất khiêm tốn.
Bộ TT&TT công bố bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử. Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam
Các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã làm chủ được hạ tầng viễn thông. Phải cố gắng làm chủ hạ tầng số. Hạ tầng số cũng chính là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng ĐTĐM. Do đó, làm chủ nền tảng ĐTĐM là rất quan trọng đối với đất nước của chúng ta, Bộ trưởng khẳng định.
Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Dịch vụ ĐTĐM đã sẵn sàng đạt chuẩn, các doanh nghiệp có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT tin tưởng, “cách tốt nhất để phát triển các hạ tầng trong nước là các doanh nghiệp và người dân Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Việc phát triển các công nghệ mới về viễn thông, ĐTĐM, hội nghị truyền hình dựa trên các chuẩn mở, dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng và phù hợp nhất đối với chúng ta.
Cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam đang lớn mạnh cùng với cộng đồng mã nguồn mở trên thế giới. Quý III năm 2020, Bộ TT&TT sẽ lần đầu tiên tổ chức Đại hội mã nguồn mở Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ theo hướng này vừa phát triển đất nước, vừa đóng góp cho thế giới cũng như tận dụng tinh hoa của thế giới vào Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính công bố ra mắt Liên minh Điện toán đám mây. Liên minh được sự bảo trợ của Bộ TT&TT
Chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho chúng ta một bài học quý giá, đó là nếu chúng ta làm chủ các hạ tầng, nền tảng thì sẽ rất chủ động và hiệu quả trong truyền thông như nhắn tin qua mạng di động, thông báo phòng chống dịch vang lên mỗi khi nhận cuộc gọi đến. Mạng xã hội Việt Nam đưa thông tin phòng chống dịch đầy đủ, trực tiếp đến 75 triệu người dân. Làm chủ các hạ tầng, nền tảng công nghệ cũng cho phép chúng ta phát triển các ứng dụng, các phần mềm phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong các nước có nhiều phần mềm hỗ trợ chống dịch nhất và phát huy rất hiệu quả.
Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng, các doanh nghiệp ĐTĐM Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ, chú trọng đảm bảo ATTT mạng, giá cả phải cạnh tranh trong nước và quốc tế và đặc biệt phải có niềm tự hào về sản phẩm Make in Vietnam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa cho bốn DN ĐTĐM nòng cốt (Cty TNHH Viettel CHT; Cty CP Dịch vụ Dữ liệu công nghệ thông tin Vi Na (VNG Cloud); Cty CP Hạ tầng Viễn thông CMC; Cty CP VCCorp)và 7 doanh nghiệp ĐTĐM khác: Cty TNHH Phần mềm Nhân Hòa, Cty CP Viễn thông quốc tế FPT, Công ty CP GMO-Z.com, Tập đoàn VNPT, Cty CP NetNam, Cty CP Viễn thông Hà Nội, Cty TNHH Phần mềm iNET
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện nghi thức phát động Chiến dịch cùng 4 doanh nghiệp điện toán đám mây nòng cốt, đang dẫn đầu về làm chủ công nghệ, sẵn sàng hạ tầng và cung cấp sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam, bao gồm: Công ty TNHH Viettel CHT; Công ty Cổ phần Dịch vụ Dữ liệu công nghệ thông tin Vi Na (VNG Cloud); Công ty Cổ phần Hạ tầng Viễn thông CMC; Công ty Cổ phần VCCorp.
Cũng tại buổi lễ, 4 doanh nghiệp điện toán đám mây nòng cốt và 7 doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam đã cam kết tham gia chiến dịch, giảm giá 20% cho tất cả khách hàng đăng ký mới dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam trong thời gian 2 tháng (từ 22/5-22/7) để kích cầu thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động lên môi trường mạng. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng cam kết liên tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ điện toán đám mây của Việt Nam, đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế; phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, sẵn sàng cung cấp rộng rãi trên thị trường.