Bộ TT&TT quyết liệt xử lý sim rác
Nhằm quyết liệt việc xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thời gian qua Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu đăng ký thông tin thuê bao với Cục Viễn thông. Cục Viễn thông cũng đã xây dựng và áp dụng các tiêu chí ngăn chặn hoạt động nghi ngờ trên kênh phân phối như không cho kích hoạt vào ban đêm, kích hoạt tần suất lớn quá 1 thuê bao/phút, 100 thuê bao/ngày, đăng ký quá 3 thuê bao/1 số giấy tờ.
Các nhà mạng cũng triển khai công cụ nhận dạng trùng khớp ảnh chụp chân dung và ảnh giấy tờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn bộ kênh phân phối nhằm ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ không hợp lệ, dùng ảnh thay cho việc chụp người thật…
Qua đó, hạn chế SIM kích hoạt mới hàng ngày, giảm 67% so với giai đoạn trước tháng 6/2019. Từ tháng 6/2019 đến nay, Bộ TT-TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát, xử lý những SIM có dấu hiệu nghi ngờ là SIM kích hoạt sẵn còn tồn tại trên kênh phân phối. Đến nay, các nhà mạng đã xử lý như cập nhật lại thông tin, khóa 2 chiều, thu hồi về kho số hơn 21 triệu SIM.
Theo báo cáo mới đây, có tới 22 triệu SIM rác được thu hồi từ đầu năm tới nay.
Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tập trung bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của mình. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng chống SIM rác và đẩy mạnh biện pháp kỹ thuật trong quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn SIM kích hoạt sẵn.
Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm nếu để SIM rác tồn tại. Bộ TT-TT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý, xem xét và không cấp phép triển khai các dịch vụ mới cho nhà mạng vi phạm.
Bộ TT-TT tiếp tục giám sát, kiểm tra việc phát triển thuê bao từ các kênh chuỗi, đại lý lớn của doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy việc chuẩn hóa thông tin thuê bao từ các nguồn dữ liệu có độ chính xác cao như bảo hiểm, y tế, ngân hàng.
Quy định rõ trách nhiệm người cung cấp dịch vụ
Nghị định 91 quy định rõ các nội dung về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Nghị định đưa ra 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, gồm: Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại; ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác; tăng cường phối hợp trong nước và quốc tế về chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Theo Nghị định 91, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử và người quảng cáo phải tuân thủ các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác của Bộ TT-TT.
Các đơn vị trên có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác; hướng dẫn, cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác; thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo; ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Người thực hiện quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi được người sử dụng đồng ý nhận quảng cáo.
Minh Thùy (T/h)