Ra mắt Nền tảng Quản lý trường học MISA QLTH
Ngày 9/10, Bộ TT&TT đã tổ chức “Lễ ra mắt Nền tảng Quản lý trường học Misa QLTH” do Công ty Cổ phần Misa phát triển. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam nhằm hiện thực “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giáo dục được xác định là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số với 4 mục tiêu chính bao gồm: Dạy và học trực tuyến; Đưa công nghệ vào công tác thanh tra, kiểm tra; Xây dựng học liệu số và cơ sở dữ liệu quốc gia toàn ngành. Ứng dụng đáp ứng kịp thời yêu cầu chuyển đổi ngành giáo dục, Misa QLTH đã ứng dụng các công nghệ số mới nhất để hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý giáo dục trên hệ thống. Nền tảng được phát triển từ năm 2013, hiện đang ứng dụng tại 18.000 trường học, 248 Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng 48 Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA
Misa QLTH tập trung vào 4 mảng chính gồm: quản lý giáo dục, quản lý trường học, cổng thông tin nhà trường – phụ huynh và phân tích dữ liệu giáo dục với đầy đủ nghiệp vụ: Tuyển sinh trực tuyến, Quản lý Cán bộ công chức viên chức, Dinh dưỡng, Thiết bị, Thư viện, Khoản thu, Tài liệu,...
Việc tích hợp tất cả nghiệp vụ trên một nền tảng của MISA QLTH giúp các đơn vị quản lý cấp Bộ, ngành và nhà trường dễ dàng tổng hợp và xem tất cả các báo cáo chi tiết theo realtime (thời gian thực), hỗ trợ công tác quản lý hiệu quả, minh bạch. Nền tảng cũng đã kết nối cổng dữ liệu quốc gia của ngành Giáo dục và Đào tạo, mọi số liệu đều báo cáo liên cấp nhanh chóng và cập nhật trên cổng dữ liệu chung theo đúng tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Hướng đến xây dựng nền tảng mở, MISA QLTH sẵn sàng kết nối đối tác thứ 3 vào như: Cổng thanh toán trực tuyến, hóa đơn điện tử, chữ ký số, phần mềm kết toán, chia sẻ thông tin nhà trường - phụ huynh, công cụ dạy và học trực tuyến, kho học liệu số... đây cũng là điểm nổi bật của MISA QLTH trên thị trường, nền tảng mở giúp các bên cùng tương tác trao đổi thông tin và tăng tính liên thông dữ liệu giữa các phần mềm, giảm bước ghi nhận số liệu thủ công, chồng chéo như trước.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT)
Tại buổi ra mắt, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) nêu rõ, trong Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030, ngành giáo dục là trọng điểm cần phải ưu tiên chuyển đổi số trước. Để từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng quản lý ngành giáo dục.
“Việc ra mắt các nền tảng công nghệ Make in Vietnam liên quan đến ngành giáo dục có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần gìn giữ chủ quyền số quốc gia, khi dữ liệu cơ bản nguồn nhân lực của Việt Nam nằm trong nền tảng số Make in Vietnam. Từ nguồn dữ liệu nhân lực này sẽ góp phần rất lớn phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực bền bỉ của MISA trong gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT và đặc biệt là sự bền bỉ chiến lược sáng tạo và làm ra sản phẩm thương mại đóng gói.
"Đây là một trong những thành tựu không có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có được, chúng tôi tin tưởng và hi vọng rằng nền tảng QLTH giáo dục của MISA ra mắt sẽ tiếp tục được cập nhật điều chỉnh tiếp thu và phục vụ tốt hơn cho yêu cầu thực tế và được nhiều cơ sở giáo dục sử dụng và đồng thời chúng tôi rất là mong muốn MISA tiếp tục ra mắt thêm một số nền tảng công tác phục vụ công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Cục tin học hóa của Bộ TT-TT cũng cam kết đồng hành cùng MISA, cam kết đồng hành cùng ngành GDDT, cam kết đồng hành cùng với tất cả các cơ quan tổ chức Việt Nam trong tiến trình công cuộc chuyển đổi số rất là lớn, chúng ta tin tưởng rằng với sự ra mắt và chung tay của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thì sẽ thành công" ông Dũng chia sẻ.
Theo chủ trương thanh toán học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt của Chính phủ, MISA QLTH đã kết nối hệ thống nhiều ngân hàng lớn, trung gian thanh toasnn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VNPAY, hay ví điện tử ViettelPay, để phụ huynh có thể nộp học phí trực tuyến, không cần mất thời gian chờ đợi tại trường. Điều này còn hỗ trợ nhà trường tự động ghi nhận biến khoản thu và làm báo cáo nhanh chóng, chính xác hơn.
Bên cạnh đó, thông qua Dịch vụ chia sẻ thông tin Nhà trường – Phụ huynh SISAP được tích hợp trên nền tảng, phụ huynh nhận được thông tin chi tiết khoản thu và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng. Giáo viên cũng có thể trao đổi và gửi thông báo quan trọng khác tới phụ huynh kịp thời về kết quả học tập, rèn luyện, thời khóa biểu, sự kiện… của từng học sinh qua ứng dụng này.
Được nghiên cứu và phát triển dựa trên các công nghệ mũi nhọn 4.0 như chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (Al), Điện toán đám mây (Cloud) và Dữ liệu lớn (Big Data), MISA QLTH không chỉ là trợ thủ đắc lực cho các đơn vị quản lý giáo dục, nhà trường mà còn góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia toàn nghành, hướng tới chuyển đổi số ngành và một nền giáo dục thông minh.
Toàn cảnh hội thảo
MISA QLTH là một trong những nền tảng số Make in Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo vệ về truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu của Chuyển đổi số quốc gia.
Vừa qua, tại Lễ trao giải Sao Khuê 2020 Phần mềm QLTH tiếp tục được vinh danh ở hạng mục sản phẩm công nghệ 4.0 tiêu biểu.
Trong khuôn khổ chương tình chuyển đổi số, MISA tài trợ và triển khai nền tảng MISA QLTH tại các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ngoài cung cấp nền tảng, đội ngũ MISA sẽ đồng hành tư vấn, triển khai đến từng đơn vị để ứng dụng thành công công nghệ vào toàn bộ hoạt động của nhà trường, hướng tới mục tiêu trở thành mô hình tiên phong về trường học số.
Thanh Tùng - Nguyệt Hằng