Bộ TT&TT tổng kết việc triển khai Luật Giao dịch điện tử
Hữu Ích
22:35, 23/06/2020
Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/3/2006, trong 15 năm qua đã tạo nền tảng pháp lý đẩy mạng ứng dụng CNTT, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, cải cách hành chính. Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tại Hội thảo Tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử với chuyên đề “Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử, diễn ra sáng nay 23-6 tại Hà Nội.
- Lãnh đạo Bộ TT&TT gặp mặt các đơn vị báo chí, quản lý báo chí thuộc Bộ nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
- Bộ TT&TT và UBND tỉnh Bình Phước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực TT&TT
- Bộ TT&TT lên kế hoạch chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0
- Bộ TT&TT triển khai các quyết định về công tác cán bộ
- Bộ TT&TT ban hành Thông tư hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo phương pháp tính chi phí
- Bộ TT-TT tiến hành thu thập số liệu Báo cáo Vietnam ICT Index 2020
- Bộ TT&TT cập nhật và tái bản "Tài liệu những điều cần biết về nghề CNTT"
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, Luật Giao dịch điện tử đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ 1/3/2006. Để triển khai đạo luật này, Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định quy định, sửa đổi và văn bản hướng dẫn trong các hoạt động tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử, ngân hàng và chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Luật và các văn bản dưới luật đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, cải cách hành chính.
Riêng đối với việc triển khai hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử, Thứ trưởng nhận định, trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả khả quan. Hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220 nghìn chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động. Các giao dịch kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử đều được ký số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện giao dịch. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 đạt khoảng 7,8 tỷ USD, bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD, theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tuy nhiên, sau gần 15 năm triển khai thi hành, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng Luật đã bộc lộ những bất cập, có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển. Cụ thể, thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi,.. dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống; Thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử..
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó giao Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ “Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử”.
Việc tổ chức Hội thảo hôm nay nhắm tới mục đích đánh giá cụ thể hơn tình hình triển khai Luật Giao dịch điện tử, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị và doanh nghiệp cũng như những đề xuất, kiến nghị sửa đổi cho Luật Giao dịch điện tử trong triển khai giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử, xác thực điện tử và thanh toán điện tử.
Thứ trưởng mong muốn các đại biểu và diễn giả trong Hội thảo hôm nay tập trung tổng kết, đánh giá, làm rõ các nội dung của Luật cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và Cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới.
Chữ ký số công cộng cần được liên thông, xác thực chéo với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương nhận định, hành lang pháp lý về hợp đồng nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng hiện nay ở Việt Nam là tương đối đồng bộ, mang tính kế thừa các quy định về hợp đồng thương mại trên môi trường điện tử. Đặc biệt trong 5-7 năm qua, chữ ký số công cộng đã được triển khai thành công với 60% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và 28% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương nêu ra một số tồn tại liên quan đến chữ ký số công cộng, điển hình là việc chữ ký số của Tổ chức Chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam và các Tổ chức Chứng thực chữ ký số nước ngoài chưa xác thực chéo được với nhau; Các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến để xác thực như Chứng thực SSL của CA trong nước còn hạn chế do không được các nền tảng phổ biến công nhận; Chữ ký số trong nước chưa hỗ trợ ký hợp đồng điện tử được với doanh nghiệp không có giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt nam.
Đứng từ góc độ của ngành ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu ra một số bất cập trong thực tiễn tình hình sử dụng chữ ký điện tử trong ngành ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, chi phí cho các giải pháp chữ ký số hiện nay trên thị trường khá cao đối với nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân, đồng thời là khoản đầu tư lớn đối với ngân hàng. Chứng thư số cá nhân chưa phổ biến, do đó áp dụng Hợp đồng điện tử chưa hiệu quả, khách hàng vẫn phải ký tươi lên các thỏa thuận, hợp đồng, khế ước... Việc trao đổi văn bản điện tử được ký điện tử bằng chữ ký số còn nhiều bất cập do các đơn vị áp dụng, ứng xử khác nhau với hình thức văn bản này; cụ thể là từ chối, không chấp nhận do điều kiện hạ tầng và quy định nội bộ. Nhiều ngân hàng đề xuất việc sử dụng mã OTP (One-Time Password) kết hợp đa thành tố (Username & password), yếu tố sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, võng mạc,...) để xác thực thỏa thuận, khế ước nhưng không đáp ứng quy định của pháp luật về tính pháp lý của chữ ký điện tử.
Cần có chiến lược quy hoạch phát triển đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng
Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam khẳng định, hiện nay có tới 98% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng, đây chính là thành công của nền tảng cung cấp dịch vụ chữ ký số, chữ ký số cũng là nền móng giúp thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, mảng chữ ký số dành cho thị trường doanh nghiệp cơ bản đã ở tình trạng bão hòa (hiện nay có 14 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng - CA), do đó trong thời gian tới cần đẩy mạnh khai thác mảng thị trường cá nhân.
Đồng thời, cần có chiến lược quy hoạch phát triển đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng; Cần có những quy định bảo hiểm và đền bù thiệt hại khi có tranh chấp, có sự cố gây mất an toàn, hoặc sự cố nguy cơ gây mất an toàn làm thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch điện tử, vị đại diện này đề xuất./.
PV (t/h)