Bộ Y tế phê duyệt 24 bệnh viện cho mạng lưới Khám, chữa bệnh từ xa
Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng là việc làm rất cần thiết và cấp bách. Theo đó, mạng lưới bệnh viện tuyến trên do Bộ Y tế chỉ định tham gia đề án lần này bao gồm 24 bệnh viện.
Sáng 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Trong đó, mục tiêu thứ nhất được đề cập là “Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa”.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án.
Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu: “Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân”.
Thông tin trước đó với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, khám, chữa bệnh từ xa mang tính hội chẩn liên viện, hội chẩn toàn tuyến, không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị quy định rõ trách nhiệm của các bệnh viện từ trung ương tới địa phương khi triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”. Từ đó, tiến tới xây dựng hệ thống khám bệnh online, khám bệnh qua thẻ BHYT, tin nhắn điện thoại.
“Chúng ta không thể thay đổi hệ thống nhưng chúng ta đẩy công nghệ vào để phát huy hiệu quả một cách cao nhất và phát huy chất lượng khám, chữa bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Dẫn chứng thực tiễn từ công tác phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng việc hội chẩn liên viện, hội chẩn trực tuyến đã góp phần đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt với bệnh nhân mắc bệnh nặng, trong tình trạng nguy kịch như nam phi công ngời Anh (BN 91): “Các giáo sư, chuyên gia đầu ngành đã liên tục, thường xuyên hội chẩn trực tuyến về tình hình sức khỏe của bệnh nhân này để kịp thời đưa ra các phương án điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khỏe của bệnh nhân”.
Bộ Y tế cũng khuyến khích người dân lựa chọn bệnh viện tuyến dưới với những tiêu chí sau:
1. Có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
2. Có năng lực thực hiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu.
3. Có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, năng lực chuyên môn; có tiềm năng phát triển các chuyên khoa được lựa chọn.
4. Có tỷ lệ chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên cao.
5. Có sự cam kết và quyết tâm tham gia thực hiện đề án của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế và các bệnh viện dự kiến tham gia đề án.
6. Bệnh viện tư nhân: có sự cam kết tham gia của lãnh đạo bệnh viện và nhà đầu tư.
7. Các điều kiện khác theo yêu cầu đặc thù của chuyên khoa tuyến dưới.
Các bệnh viện tuyến trên khác tham gia bổ sung mạng lưới theo từng giai đoạn và nhu cầu thực tế. Khuyến khích các bệnh viện công lập và ngoài công lập tự nguyện tham gia theo nội dung Đề án này.
Cụ thể triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”
Các hoạt động chính của khám, chữa bệnh từ xa gồm, tư vấn y tế từ xa (tele - health), theo đó, thành lập và duy trì bộ phận khám, chữa bệnh từ xa tại bệnh viện; tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sĩ đến người dân bao gồm bác sĩ trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, từ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới tới trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám tuyến huyện, xã. Bên cạnh đó là hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh.
Giải pháp hội chẩn xét nghiệm, giải phẫu bệnh từ xa cho phép các bác sĩ và chuyên gia trao đổi, chia sẻ kết quả, tình trạng bệnh lý... để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa với giải pháp phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như robot và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị trên thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật.
Toàn cảnh cuộc họp phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, các bệnh cũng thực hiện hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế. Ví dụ, giải pháp tim mạch từ xa cung cấp hệ thống lưu trữ , chẩn đoán từ xa các vấn đề về tim mạch; đặc biệt bao gồm hệ thống giải pháp lưu trữ và truyền tải tín hiệu điện tim đồ (ECG), đồng thời cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu cho phép chuyên gia xem từ xa.
Phát triển ứng dụng cho phép trao đổi, lưu trữ, chia sẻ các tệp tin chuyên môn giữa các bác sĩ trong khi hội họp. Ứng dụng cũng cho phép người dùng có thể đọc tin tức, đặt lịch hẹn khám, xét nghiệm, hỏi đáp, tìm hiểu lịch sử khám chữa bệnh, thực hiện đàm thoại bằng giọng nói, hình ảnh (video/audio) với bác sĩ; chụp gửi các tài liệu liên quan, nhận tư vấn về phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng, tập luyện… hàng ngày. Nghiên cứu phát triển và sử dụng các thiết bị y tế thông minh
Phát triển và áp dụng các thiết bị y tế dành cho người bệnh, được kết nối với các thiết bị điện tử thông minh để phục vụ cho việc khám, chẩn đoán bệnh từ xa. Người dân hoặc bác sĩ gia đình, nhân viên y tế thôn bản có thể sử dụng các thiết bị y tế để đo, kiểm tra, theo dõi… tình trạng sức khỏe người dân ngay tại nhà. Các thông số y tế được truyền tới bác sĩ khám bệnh ở bệnh viện.
Truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng hướng dẫn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm hướng dẫn chuyên môn, chuẩn về phòng khám tư vấn và các chuẩn công nghệ liên quan, bảo đảm việc kết nối phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin mang đặc thù sản phẩm người Việt Nam để phục vụ, hỗ trợ các hoạt động tư vấn, hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa; cũng như các ứng dụng dùng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh nhằm phục vụ, hỗ trợ nhân viên y tế, người dân trong hoạt động hỏi đáp, tư vấn, hội chẩn… khám, chữa bệnh từ xa.
Tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có người bệnh sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Giai đoạn 2020-2021: Ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.
Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.
Giai đoạn sau năm 2025: Đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2020-2025, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở rộng Đề án
Theo đó, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm 5 mục tiêu cụ thể:
1. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.
2. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới (bệnh viện tuyến dưới) gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.
3. Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt người dân vùng sâu, xa, khó khăn.
5. Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phó tiền túi của người dân.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” được xây dựng với quan điểm chính là “chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa” - giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, vươn lên “chất lượng cao hơn”, đồng thời, để kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn".
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã lựa chọn 24 bệnh viện để thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa gồm: Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện K; Bệnh viện E; Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; Bệnh viện Nội tiết Trung ương; Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương; Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Xanh Pôn; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Nhi đồng I TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Thanh Tùng