Bộ Y tế “xóa tên” 5 đơn vị trực thuộc

08:47, 17/11/2022

Ngày 15/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Nghị định 95/2022/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Tổng cục Dân số, Vụ Truyền thông - Thi đua và Khen thưởng, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Công nghệ thông tin và Tạp chí Y Dược học là những đơn vị bị Bộ Y tế “xóa tên”.

Theo đó, 5 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế sẽ không còn trong cơ cấu tổ chức của Bộ, là Tổng cục Dân số, Vụ Truyền thông - Thi đua và Khen thưởng, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Công nghệ thông tin và Tạp chí Y Dược học.

Theo Nghị định 95/2022/NĐ-CP, hiện Bộ Y tế gồm 21 đơn vị, trong đó, chỉ có một đơn vị báo chí là Báo Sức khỏe đời sống:

1. Vụ Bảo hiểm y tế.

2. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em.

3. Vụ Tổ chức cán bộ.

4. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

5. Vụ Pháp chế.

6. Vụ Hợp tác quốc tế.

7. Văn phòng Bộ.

8. Thanh tra Bộ.

9. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo.

10. Cục Y tế dự phòng.

11. Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

12. Cục Quản lý Môi trường y tế.

13. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

14. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền.

15. Cục Quản lý Dược.

16. Cục An toàn thực phẩm.

17. Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế.

18. Cục Dân số.

19. Viện Chiến lược và Chính sách y tế.

20. Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia.

21.Báo Sức khỏe và Đời sống.

Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày ký. Theo Nghị định, Tổng cục Dân số, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Y Dược học tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dân số, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia thuộc Bộ Y tế.

Với cơ cấu tổ chức này, Bộ Y tế đã có những quyết định riêng, không hoàn toàn theo đề nghị của Bộ Nội vụ.

Trước đó, Bộ Nội Vụ thống nhất giữ nguyên 12 tổ chức của Bộ Y tế, gồm: Vụ Sức khỏe - bà mẹ - trẻ em; Vụ Bảo hiểm y tế; Vụ Kế hoạch - tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục An toàn thực phẩm; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Quản lý dược; Cục Quản lý môi trường y tế.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức, sắp xếp lại 8 tổ chức thuộc Bộ Y tế:

Đề nghị Bộ Y tế xây dựng phương án tổ chức lại Tổng cục Dân số thành Cục Dân số.

Đề nghị không duy trì Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng và chuyển chức năng, nhiệm vụ thi đua, khen thưởng về Vụ Tổ chức cán bộ; chuyển chức năng, nhiệm vụ về truyền thông về Văn phòng Bộ để thu gọn đầu mối tổ chức.

Đề xuất chuyển đổi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thành Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế.

Cục Công nghệ thông tin: Nếu Bộ Y tế không duy trì Cục Công nghệ thông tin thì chuyển đổi sang áp dụng mô hình Trung tâm Thông tin, không tổ chức thành vụ.

Cục Quản lý y, dược cổ truyền: Đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ số biên chế công chức, đáp ứng tiêu chí về biên chế tối thiểu để thành lập Cục.

Cục phòng, chống HIV/AIDS được Bộ Nội vụ đề nghị hợp nhất với Cục Y tế dự phòng để thống nhất đầu mối quản lý về y tế dự phòng.

Đề nghị Bộ Y tế rà soát, sắp xếp lại Vụ Kế hoạch - tài chính theo hướng giảm tối đa số lượng phòng.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ Y tế không duy trì Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, mà chuyển nhiệm vụ khoa học công nghệ về Cục Quản lý môi trường y tế, đổi tên thành Cục Khoa học công nghệ và môi trường y tế); chuyển nhiệm vụ đào tạo về Vụ Tổ chức cán bộ để thống nhất đầu mối quản lý.

Về phòng thuộc Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ và các cục: Rà soát, sắp xếp lại theo hướng giảm tối đa số lượng phòng.

Bộ Nội vụ thống nhất duy trì 3 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: Viện Chiến lược và Chính sách y tế; Báo Sức khỏe và Đời sống; Tạp chí Y Dược học.

PV