Bộ Y tế: Yêu cầu xác minh thông tin tiêm chủng Covid-19

10:37, 22/10/2021

Theo văn bản mới ban hành, quy trình này gồm 4 bước với sự phối hợp chặt chẽ từ trạm y tế, điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 và công an địa phương.

Ngày 21/10, Bộ Y tế có văn bản khẩn về việc hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Văn bản của Bộ cho biết hiện nay, nhiều người đã được tiêm vaccine Covid-19 nhưng thông tin còn thiếu, không có hoặc sai. Điều này ảnh hưởng quá trình xác định thông tin tiêm chủng cho người dân.

Vì vậy, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp thống nhất về việc chia sẻ, xác thực thông tin tiêm vaccine Covid-19 trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Quy trình 4 bước

Bước 1: Điều tra cơ bản trước khi lập kế hoạch tiêm chủng

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) có trách nhiệm chỉ đạo trạm y tế phối hợp công an, tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng để lập danh sách có nhu cầu tiêm mũi 1, mũi 2. Danh sách này có thể được lập trên cơ sở địa phương tiếp nhận thông tin đăng ký tiêm trực tiếp, thông qua dữ liệu trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 do người dân tự đăng ký hoặc đăng ký theo tổ chức. Danh sách này được gửi lên công an cấp xã để kiểm tra, xác minh.

Ở bước này, với cơ sở tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn người đứng đầu đơn vị triển khai lập danh sách người tiêm theo quy định, gửi chính quyền xã, phường, thị trấn/xã trên địa bàn để kiểm tra, xác minh thông tin của người dân.

Bộ Y tế cho hay nhiều người dân đang bị sai, thiếu sót thông tin về tiêm chủng vaccine Covid-19 nên đặt ra quy trình thực hiện giữa các cơ quan chức năng để nhanh chóng xác minh, hoàn thiện dữ liệu.

Bước 2: Đối chiếu thông tin

Công an cấp xã đối chiếu thông tin của công dân trong dữ liệu dân cư để yêu cầu người dân bổ sung, hoàn chỉnh thông tin sau đó xác nhận và gửi lại trạm y tế xã, phường để quản lý. Bộ Y tế yêu cầu không xác minh thông tin đối với trường hợp không phải là công dân Việt nam.

Trường hợp người trong danh sách chưa có thông tin hoặc không chính xác với dữ liệu dân cư, công an có trách nhiệm bổ sung và gửi lại danh sách cho trạm y tế. Thời gian gửi lại không quá hai ngày kể từ thời điểm trạm y tế lập danh sách.

Bước 3: Thực hiện tiêm

Trạm y tế, cơ sở tiêm chủng dựa trên dữ liệu được xác minh từ công an để lập kế hoạch, tổ chức tiêm cho người dân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; ưu tiên lập kế hoạch chung, kết hợp việc cấp CCCD và tiêm chủng để tạo thuận lợi cho người dân.

Người đến tiêm phải mang CCCD hoặc thông báo số định danh cá nhân có mã QR do công an cấp và giấy xác nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 trước đó (nếu có).

Điểm tiêm chủng kiểm tra, đối chiếu các thông tin và cập nhật, bổ sung các thông tin (nếu có), thực hiện tiêm, nhập thông tin về mũi tiêm mới trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Bước 4: Ký chứng thư số

Sau khi hoàn thiện việc nhập dữ liệu cho người đã tiêm chủng, Chủ tịch UBND cấp xã ký chứng thư số đối dữ liệu kết quả tiêm trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Trong thời gian chưa có chứng thư số, Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì lập biên bản giữa các bên liên quan xác nhận tính chính xác của dữ liệu kết quả tiêm.

Để triển khai đồng bộ xác minh đầy đủ, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo cơ quan liên quan thực hiện theo quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nói trên.

Bộ Y tế đã phân bổ 69 đợt vaccine Covid-19

Tính đến đầu giờ chiều ngày 21/10, Việt Nam đã tiêm được gần 70 triệu liều vaccine Covid-19. Riêng ngày 19-20/10, cả nước đã tiêm được gần 3,8 triệu liều. Đây là số mũi tiêm đạt cao nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tiêm chủng vào tháng 3.

Báo cáo công tác phòng chống dịch Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế cho biết, đến ngày 18/10, Bộ Y tế đã phân bổ 69 đợt vaccine với tổng số 95.254.726 liều vaccine (trong đó, 13,5 triệu liều vaccine mới phân bổ từ ngày 9/10).

Vaccine đã được phân bổ theo địa bàn trọng điểm, nguy cơ bùng phát dịch cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch; tiêm cho các người nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em.

Việt Nam đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, trong đó có những tỉnh, thành đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 cao như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Minh Triết (T/h)