Bức tranh tổng thể tuyển sinh ĐH: Chuyển đổi số là việc không thể không làm

16:31, 24/10/2022

Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Bức tranh tổng thể tuyển sinh ĐH: Chuyển đổi số là việc không thể không làm - Ảnh 1.

Áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay - Ảnh minh họa.

Hướng tới hiệu quả và minh bạch

Việc xác nhận nhập học tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 năm 2022 đã kết thúc vào ngày 30/9. Điểm mới đột phá năm nay là hệ thống công nghệ, thực hiện tất cả quy trình tuyển sinh trên môi trường số (có kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia). Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 06/QĐ-TTg (phần tổ chức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã được triển khai trước đó trong tháng 4 và 5/2022).

Kỳ tuyển sinh năm 2022 cho thấy áp dụng công nghệ trong các khâu tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Đến thời điểm này, có thể khẳng định những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại sự công bằng, hiệu quả và minh bạch.

‎Một điều rất quan trọng là từ năm nay, Bộ GD&ĐT có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống để có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.

Một thông tin phân tích ban đầu đáng chú ý là tính trên toàn quốc, số thí sinh nữ trúng tuyển chiếm 55%, trong khi số thí sinh nam chỉ là 45%; thậm chí có tỉnh tỉ lệ này là 63-37%. Trong tổng số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học, số thí sinh nữ còn chiếm tỉ lệ cao hơn, 56%, tương ứng với số thí sinh nam là 44%.

‎Điểm mới của xét tuyển năm nay là Bộ GD&ĐT lọc ảo đối với tất cả các phương thức xét tuyển (trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế) với mục đích giảm ảo cho các trường và tạo sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lọc ảo chung tất cả các phương thức không chỉ làm khó các trường khi thực hiện xét tuyển, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch tuyển sinh khi vẫn còn nhiều "thí sinh ảo".

Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH không lường trước được lượng "thí sinh ảo" ở nhiều phương thức, dẫn đến đưa ra mức điểm cao để rồi không tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo quy trình tổ chức, xử lý nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2022, từ ngày 1/10, cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Tuy nhiên, ngay từ giữa tháng 9 khi công bố điểm chuẩn đợt 1, hàng loạt trường ĐH đã công bố xét tuyển bổ sung. Tính đến nay, đã có hơn 100 trường phải công bố xét tuyển bổ sung. Hiện tình trạng thiếu thí sinh nhập học diễn ra khắp cả nước, đặc biệt nhiều trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe lần đầu tuyển bổ sung với số lượng lớn, từ vài chục đến vài trăm chỉ tiêu. 

Từ góc độ quản lý

‎Về quyền tự chủ tuyển sinh, Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 99/2019/NĐ-CP đã quy định rõ các cơ sở đào tạo được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh phù hợp quy định của pháp luật; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo Bộ GD&ĐT, quy chế tuyển sinh mới sẽ khiến các cơ sở đào tạo bớt tự do hơn, bớt chủ động hơn trong một số trường hợp, nhưng quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo hoàn toàn được tôn trọng. Khi xây dựng quy chế tuyển sinh và nâng cấp hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến góp ý của các cơ sở đào tạo, trong đó thống nhất đề cao nguyên tắc công bằng và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của thí sinh. Điều này cũng tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ sở đào tạo, bởi nếu thí sinh có quyền lựa chọn nhiều hơn và cơ hội trúng tuyển cao hơn, công bằng hơn thì các cơ sở đào tạo cũng có cơ hội tuyển sinh tốt hơn về số lượng và chất lượng.

‎Dưới góc độ quản lý, mặc dù các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ trong việc đưa ra và chủ động thực hiện các phương thức tuyển sinh, nhưng Bộ GD&ĐT phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tình trạng đăng ký xét tuyển, kết quả trúng tuyển và nhập học (theo Luật Giáo dục ĐH giao Bộ GD&ĐT xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH).

Trên cơ sở dữ liệu này, Bộ GD&ĐT sẽ có những phân tích, nhận định để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước và hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc xác định phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng và đảm bảo chất lượng. Nếu như các cơ sở đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các thí sinh hoặc xét tuyển vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu thì Bộ GD&ĐT có căn cứ và công cụ để điều chỉnh. Đây cũng là cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia xử lý các thủ tục hành chính công theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (thí sinh đăng kí dự thi THPT, xét tuyển ĐH, CĐ, nộp lệ phí, xác nhận nhập học...).

‎Bộ GD&ĐT cho biết, hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh đã được Tập đoàn Viettel hỗ trợ nâng cấp và cùng vận hành theo các quy trình bài bản, chặt chẽ, đã kiểm thử và chạy thử ở nhiều mức độ, phạm vi khác nhau. Nhìn tổng thể hệ thống đã chạy tốt, tuy một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ nhưng đã được khắc phục kịp thời, không ảnh hưởng tới quy trình, kết quả xét tuyển. Ví dụ như việc kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ban đầu có trục trặc do số lượng thí sinh đồng thời truy cập quá lớn phải xếp lịch phân luồng, phân tải.

‎Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên đổi mới mạnh mẽ nên một số thí sinh cũng còn bỡ ngỡ và thiếu cẩn trọng khi thao tác trên hệ thống, dẫn tới sai sót, nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để tổ kỹ thuật và các cơ sở đào tạo phối hợp giải quyết hầu hết các trường hợp sai sót, nhầm lẫn của thí sinh; đến thời điểm hiện tại đã xử lý hết các trường hợp.

Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện thanh toán số, với số lượng thí sinh đông (trên 400.000) và phần lớn chưa được làm quen với phương thức thanh toán trực tuyến, vì vậy các cơ sở đào tạo, Sở GD&ĐT, trường phổ thông, Bộ GD&ĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để tạo thuận lợi tốt nhất có thể cho thí sinh thực hiện quy định này.

‎Việc nộp lệ phí tại thời điểm sau khi thí sinh đã chốt việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển để đảm bảo quyền lợi thí sinh sau khi thí sinh có nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm số nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.

‎Việc kéo dài thời gian và phân tải theo địa phương để thí sinh nộp lệ phí trực tuyến do quá tải của nền tảng thanh toán trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã thông báo kịp thời, rộng rãi về vấn đề này và tổ chức hỗ trợ cho thí sinh, đảm bảo quá trình thanh toán thông suốt, việc điều chỉnh này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh hoàn toàn không gây khó khăn cho thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng đến kế hoạch xét tuyển theo kế hoạch chung đã ban hành.

‎Với các thí sinh chưa nộp lệ phí (không phân biệt lý do), đã được nhắc nhở, đôn đốc tiếp tục hoàn thành việc nộp lệ phí trên hệ thống, kết quả có trên 97% tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã hoàn thành việc nộp lệ phí trực tuyến theo quy định.

Rà soát, đánh giá để điều chỉnh

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình xét tuyển. Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic.

‎Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống, cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ