Bùng nổ trí tuệ nhân tạo - Rủi ro mới với ngành ngân hàng

11:52, 09/06/2024

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu nhận định rằng sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của các ngân hàng vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ, tạo ra những rủi ro mới cho ngành này.

Bùng nổ trí tuệ nhân tạo - Rủi ro mới với ngành ngân hàng

Các Giám đốc điều hành (CEO) trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu nhận định rằng sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của các ngân hàng vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ, tạo ra những rủi ro mới cho ngành này.

Sự hào hứng xung quanh việc ứng dụng AI trong các dịch vụ tài chính đã tăng vọt kể từ khi chatbot ChatGPT của OpenAI ra mắt vào cuối năm 2022, trong bối cảnh các ngân hàng đang tìm cách triển khai công nghệ AI tạo sinh.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp ở Amsterdam trong tuần này của các CEO trong lĩnh vực công nghệ tài chính, một số người bày tỏ lo ngại rằng năng lực điện toán cần thiết để phát triển AI sẽ khiến các ngân hàng phải phụ thuộc nhiều hơn vào một số ít các nhà cung cấp công nghệ.

 

Bùng nổ trí tuệ nhân tạo  Rủi ro mới với ngành ngân hàngCác ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào năng lực điện toán và trí tuệ nhân tạo. (Nguồn: Sigma).

Giám đốc phân tích của ING, ông Bahadir Yilmaz, người phụ trách mảng AI của ngân hàng Hà Lan này, dự đoán rằng các ngân hàng sẽ ngày càng phụ thuộc vào các công ty công nghệ lớn mới có đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để triển khai AI.

Ông Yilmaz cho rằng sự phụ thuộc của các ngân hàng vào một số ít các công ty công nghệ là "một trong những rủi ro lớn nhất," đồng thời nhấn mạnh rằng các ngân hàng châu Âu nói riêng cần đảm bảo khả năng chuyển đổi giữa các nhà cung cấp công nghệ khác nhau và tránh tình trạng "mắc kẹt với một nhà cung cấp."

Năm ngoái, Anh đã đề xuất các quy định để quản lý sự phụ thuộc nặng nề của các công ty tài chính vào các công ty công nghệ bên ngoài, như Microsoft, Google, IBM và Amazon.

Các nhà quản lý lo ngại rằng chỉ cần một công ty điện toán đám mây gặp vấn đề cũng có thể khiến dịch vụ của nhiều tổ chức tài chính bị tê liệt.

Tuần trước, cơ quan giám sát chứng khoán của Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng các ngân hàng và công ty đầu tư không thể trốn tránh trách nhiệm và phải có nghĩa vụ pháp lý trong việc bảo vệ khách hàng khi sử dụng AI.

Cơ quan này cảnh báo rằng AI có thể có tác động đáng kể đến việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.

Tương lai và cơ hội của ngành Ngân hàng là làm việc kết hợp với AI

Trước đó đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng cho biết, hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) - một công nghệ đột phá đang tác động sâu rộng tới nhiều ngành, lĩnh vực, các mặt của cuộc sống, công việc, có tiềm năng tái định hình ngành Ngân hàng trong kỉ nguyên số, đưa công cuộc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng lên một tầm cao mới.

Sự trỗi dậy của AI, đặc biệt là đột phá AI tạo sinh (Gen AI) mang lại cơ hội to lớn và những thách thức, rủi ro không nhỏ cho kinh tế - xã hội, môi trường công việc. Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, AI ảnh hướng đến 60% việc làm tại các nước phát triển, 40% tại các nước mới nổi và 26% tại các nước nghèo.

Bùng nổ trí tuệ nhân tạo  Rủi ro mới với ngành ngân hàngÔng Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN).

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ, từ hàng chục năm nay, các quy trình nghiệp vụ và hoạt động nội bộ tại các ngân hàng đã và đang được áp dụng các thuật toán học máy để xử lí. Bằng cách ứng dụng kết hợp giữa AI dự đoán và Gen AI cùng với kiến thức chuyên môn của con người, các TCTD có thể đạt được hiệu quả tăng cường hơn nữa trong các quy trình nội bộ - lớn hơn rất nhiều so với tác động đơn lẻ của AI dự đoán và Gen AI. 

Các lĩnh vực, nghiệp vụ ứng dụng AI trong ngành Ngân hàng đã được ứng dụng như: Chuyển đổi hoạt động chăm sóc khách hàng; tăng cường quản trị rủi ro/giảm thiểu gian lận; nâng cấp hiệu suất lao động của nhân viên. Trong các NHTW, AI ứng dụng vào việc thu thập thông tin, phân tích kinh tế vĩ mô và tài chính, giám sát hệ thống thanh toán, giám sát và ổn định tài chính.

Ông Lê Anh Dũng cho rằng, có thể Gen AI hiện mới áp dụng vào một số lĩnh vực nhất định, phạm vi hạn chế liên quan đến các nhiệm vụ, chức năng công việc giá trị gia tăng chưa cao, rủi ro thấp bởi còn một số quan ngại, rủi ro. Tuy nhiên, tiềm năng, cơ hội và tác động của Gen AI đến ngành Ngân hàng và môi trường công việc trong tương lai sẽ rất lớn.

Tác động lớn của AI đặt ra vấn đề cần thiết phải đào tạo, đào tạo lại kiến thức, kĩ năng số nói chung và về AI nói riêng. Việc đào tạo cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo/thủ trưởng đơn vị cho đến từng cán bộ, công chức, viên chức.

Để có thể tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ AI cần tập trung nâng cao khả năng quản trị dữ liệu và kĩ năng làm việc dựa trên dữ liệu; đồng thời, triển khai AI một cách có trách nhiệm, trong đó tập trung vào trách nhiệm của con người, đảm bảo an toàn, bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.

“AI, đặc biệt là Gen AI đang và sẽ tác động tới hầu hết các mặt hoạt động ngân hàng. Tương lai và cơ hội của ngành Ngân hàng là làm việc kết hợp với AI, trong đó con người giữ vị trí trung tâm trong mọi mặt triển khai AI từ thiết kế, thực thi, quản lí, giám sát”, ông Lê Anh Dũng khẳng định.

Giới thiệu về các công cụ Gen AI, ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, Gen AI có một số trường hợp ứng dụng tiêu biểu để tăng năng suất công việc như: Học một chủ đề mới; tóm tắt file pdf; xây dựng phương án tuyển dụng nhân sự; xây dựng bài giảng; xây dựng báo cáo nghiên cứu; xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm cho bài giảng; tổng kết ý kiến góp ý dự thảo thông tư…

Theo ông Nguyễn Trung Anh, việc ứng dụng Gen AI giúp tăng năng suất và rút ngắn thời gian công việc phải làm, có thể lên đến 70%.

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/bung-no-tri-tue-nhan-tao-rui-ro-moi-voi-nganh-ngan-hang-122472.html