Bưu chính Việt Nam được xếp hạng nhóm phát triển tiến tới hoàn hảo
Theo báo cáo "Tình hình phát triển ngành Bưu chính (State of Postal Sector) 2024" vừa được Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Bưu chính Việt Nam được xếp vào nhóm phát triển bưu chính (Postal Development Level - PDL) cấp độ 8.
Bưu chính Việt Nam ở cấp độ phát triển tiến tới sự hoàn hảo
Cấp độ 8 nằm trong thang 10 cấp độ phát triển bưu chính được đo lường theo Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD - Integrated Index for Postal Development) do UPU thực hiện hàng năm. Việc đánh giá cấp độ phát triển bưu chính mỗi quốc gia dựa trên tiêu chí phát triển kinh tế và bưu chính của quốc gia đó.
Theo đó, cấp độ 8 là cấp độ được đánh giá có một bước tiến mới, hướng tới sự hoàn hảo. Các doanh nghiệp bưu chính được chỉ định (Designated Operator - DO) của các quốc gia đạt cấp độ 8 mang đến cho người dân một giá trị lớn thông qua danh mục các dịch vụ bưu chính của mình, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với các dịch vụ bưu chính tin cậy và hiệu quả.
Bưu chính Việt Nam đạt cấp độ 8 về mức độ phát triển, với tổng điểm là 75,6, trong đó điểm tin cậy (Reliability) đạt 91,2 điểm.
Báo cáo Tình hình phát triển ngành Bưu chính 2024 cũng đánh dấu kỷ niệm 150 năm thành lập UPU, nêu bật sự phát triển, hiệu suất và tương lai của ngành bưu chính toàn cầu. Báo cáo phản ánh các cột mốc lịch sử, từ việc phục vụ 600 triệu người vào năm 1874 đến 7,3 tỷ người vào năm 2024 và nhấn mạnh những thay đổi do những tiến bộ công nghệ và thương mại điện tử thúc đẩy.
Báo cáo cũng đề cập đến “tăng trưởng hệ sinh thái” (ecosystemic growth), một cách tiếp cận công nhận ngành bưu chính là một phần của mạng lưới hậu cần (logistics) rộng lớn hơn, phát triển mạnh mẽ nhờ sự đổi mới và hợp tác. Báo cáo cũng công bố Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2024, được đánh giá dựa trên 04 trụ cột chính: độ tin cậy (reliable) của bưu chính, phạm vi tiếp cận (reach), tính phù hợp (relevance) và khả năng phục hồi (resilience), 04 trụ cột này còn được gọi là 4R.
Với việc dựa trên 4 trụ cột chính, Chỉ số đánh giá toàn diện và chi tiết về 174 hệ thống bưu chính quốc gia thành viên UPU.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập các “cấp độ phát triển bưu chính tự nhiên” (natural postal development levels) sáng tạo đo lường hiệu suất bưu chính liên quan đến bối cảnh kinh tế và địa lý, chỉ ra những khoảng cách và cơ hội cần cải thiện. Bằng cách giải quyết những thách thức như sản lượng quốc tế đang giảm, khoảng cách áp dụng kỹ thuật số và năng lực logistics, báo cáo đưa ra các giải pháp và quan hệ đối tác phù hợp là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng và củng cố hệ sinh thái bưu chính toàn cầu.
Hệ thống chấm điểm 2IPD: Xác định mức độ phát triển bưu chính
Kể từ khi ra đời vào năm 2017, Chỉ số 2IPD là công cụ chính của UPU để theo dõi và đánh giá sự phát triển của bưu chính quốc gia trên quy mô toàn cầu. 2IPD đã có 7 phiên bản từ các năm 2016 - 2022. Phiên bản thứ 8 của 2IPD giới thiệu một số cải tiến đáng kể về cách đo lường sự phát triển bưu chính.
2IPD được xây dựng dựa trên 4 trụ cột, là các yếu tố cơ bản phản ánh hiệu suất ngành bưu chính như trên đề cập. Các thành phần cốt lõi này vẫn là những yếu tố quyết định chính của điểm số chung.
Cơ chế chấm điểm dựa trên 4 yếu tố chính theo thang điểm từ 0 đến 100, với điểm số được xác định theo hiệu suất tương đối trong năm đánh giá. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng Chỉ số nắm bắt được bản chất năng động của sự phát triển bưu chính trong các bối cảnh quốc gia khác nhau.
Ngoài ra, Chỉ số năm nay còn kết hợp hai yếu tố bổ sung: nỗ lực tách biệt môi trường (environmental decoupling efforts) và chất lượng thống kê bưu chính (postal statistics quality). Hai yếu tố này phản ánh cam kết của UPU đối với sự bền vững và toàn vẹn của dữ liệu trong phát triển bưu chính và được tính 13 điểm thưởng cộng thêm vào Chỉ số đánh giá 2IPD.
Điểm thưởng này bao gồm 10 điểm cho tiến độ rõ ràng trong các nỗ lực và thành tựu phi carbon hóa, đóng vai trò là động lực để các nhà khai thác bưu chính điều chỉnh hoạt động theo các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
3 điểm còn lại được phân bổ dựa trên việc bưu chính các nước phản hồi chính xác và toàn diện cho các bảng câu hỏi thống kê bưu chính chính thức của UPU, nhấn mạnh giá trị của dữ liệu tin cậy trong việc thúc đẩy việc ra quyết định dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực bưu chính.
Tính tin cậy, đầy đủ của dữ liệu được bưu chính các nước cung cấp cho UPU và phép đo chính xác là rất quan trọng để đánh giá được cách dịch vụ bưu chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu giúp xác định các lĩnh vực cần cải thiện, cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách và cho phép chuẩn mực quốc tế, cuối cùng là thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả và toàn diện hơn.
Bằng cách đánh giá dựa trên dữ liệu, bưu chính các nước sẽ hiểu rõ năng lực để tạo ra tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi cho người dân.
Phương pháp tiếp cận điểm thưởng tích hợp này củng cố quan điểm toàn diện của UPU về phát triển bưu chính, nhấn mạnh cả tính bền vững trong hoạt động và tầm quan trọng của dữ liệu chất lượng cao trong việc định hình tương lai của các dịch vụ bưu chính trên toàn cầu.
Cuối cùng, phương pháp tiếp cận chuẩn hóa của 2IPD cung cấp một thước đo chung được sử dụng để so sánh quốc tế. Trong một thế giới toàn cầu hóa, việc nắm bắt được cách dịch vụ bưu chính của một quốc gia so sánh với quốc gia khác có thể mang lại những thông tin giá trị về lợi thế cạnh tranh hoặc các lĩnh vực cần cải thiện. Chuẩn mực toàn cầu này rất cần thiết để thúc đẩy các quyết định chính sách dựa trên dữ liệu nhằm tối ưu hóa đóng góp của ngành bưu chính vào phát triển kinh tế. Chỉ số đánh giá này là một công cụ chuẩn mực có giá trị, cho phép các nhà hoạch định chính sách đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển bưu chính./.