Các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã "bay hơi" 3.000 tỷ USD

12:06, 02/11/2022

Chỉ trong 1 năm, giá trị thị trường của các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã "bay hơi" 3.000 tỷ USD. Hầu hết khoản lỗ đến từ cổ phiếu của 7 ông lớn đứng đầu: Alphabet, Microsoft, Meta, Amazon, Tesla, Netflix và Apple.

Năm 2022 được đánh giá là 1 năm nhiều khó khăn với ngành công nghệ.

Cách đây 1 năm, vốn hóa của nhóm 7 ông lớn công nghệ trên là hơn 10,7 ngàn tỷ USD, nhưng cho đến hiện tại, con số đó chỉ còn 7,7 ngàn tỷ USD, tức mất 3.000 tỷ USD.

Apple là công ty giảm ít nhất với 34 tỷ USD. Trong khi các hãng khác mất tới hàng trăm tỷ USD vốn hóa. Alphabet và Microsoft mỗi hãng mất 700 tỷ USD.

Nếu tính theo tỷ lệ, Meta là hãng sụt giảm nhiều nhất. Họ đã mất 70% giá trị công ty chỉ sau 1 năm, nay còn chưa đầy 300 tỷ USD. Đây là mức vốn hóa thấp nhất trong hơn 5 năm qua đối với công ty của Mark Zuckerberg.

Giá trị vốn hóa thị trường của nhóm "GAMMA" (gồm Google, Apple, Microsoft, Meta và Amazon) đã giảm tổng cộng hơn 300 tỷ USD chỉ trong tuần này, theo Business Insider.

Cụ thể, vốn hóa của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã giảm 170 tỷ USD sau khi dự đoán triển vọng bán hàng trong kỳ nghỉ lễ không ở mức cao. Đây được coi là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người tiêu dùng đang bắt đầu thắt lưng buộc bụng để đối phó với tình trạng lạm phát vẫn duy trì ở mức cao tại Mỹ.

Trong khi vốn hóa của Alphabet - công ty mẹ của Google, đã sụt giảm 80 tỷ USD so với đầu tuần khi họ báo cáo kết quả kinh doanh chững lại. Nguyên nhân họ đưa ra là sự suy yếu của quảng cáo kỹ thuật số - lời nhắc nhở rằng rất có thể một cuộc suy thoái đang cận kề.

Về phần mình, Microsoft cũng không khả quan hơn khi công bố mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 5 năm do doanh số máy tính cá nhân toàn cầu có xu hướng chậm lại.

Thời gian qua, cổ phiếu của các "ông lớn" công nghệ đã gặp nhiều biến động do ảnh hưởng của lạm phát tăng vọt tại Mỹ. Điều đó làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng những dấu hiệu trên cho thấy một cuộc suy thoái có khả năng xảy ra vào năm tới. Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Việc này khiến chi phí vay thế chấp, mua ô tô hay vay kinh doanh trở nên cao hơn. Khi đó, người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể sẽ vay và chi tiêu ít hơn, từ đó giảm lạm phát. Mặc dù vậy, điều đó sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Trong nhóm GAMMA, Apple dường như khả quan hơn cả khi vốn hóa của công ty đã tăng thêm 178 tỷ USD vào thứ Sáu (28/10) sau khi công bố lợi nhuận quý cao hơn mong đợi. Tuy nhiên, cổ phiếu Apple vẫn giảm gần 15% trong năm nay.

Michael Pachter, nhà phân tích của Wedbush viết trong một báo cáo nghiên cứu: "Về lâu dài, Amazon sẽ được hưởng lợi từ việc mở rộng tỷ suất lợi nhuận ổn định nhờ sự tăng trưởng liên tục của các mảng kinh doanh quảng cáo và đám mây".

Trong khi đó, Meta có thể phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn khi CEO Mark Zuckerberg liên tục bị chỉ trích vì đầu tư quá nhiều tiền bạc và công sức vào dự án metaverse đồng thời lơ là việc cải thiện các mạng xã hội và ứng dụng đem lại lợi nhuận. Cổ phiếu Meta đã giảm 70% kể từ đầu năm nay.

“Mark Zuckerberg đang phải chiến đấu với sự suy giảm niềm tin và hoài nghi của nhà đầu tư cũng như chính nhân viên Meta. Bên cạnh đó, TikTok còn đang thu hút hàng triệu khách hàng trẻ tiềm năng của họ”, một nhà phân tích đánh giá.

Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế ở phố Wall, FED sẽ chắc chắn tăng lãi suất 0,75 điểm % vào ngày 2/11 tới và tăng tiếp 1 lần nữa vào cuộc họp giữa tháng 12. Lạm phát vẫn cao, lãi suất lại cao thêm đang khiến người tiêu dùng Mỹ phải thắt chặt dần hầu bao. Điều này sẽ còn tạo áp lực lớn lên công việc kinh doanh của các hãng.

Nguyệt Hằng (T/h)