Các công ty Trung Quốc “miễn cưỡng” sử dụng chip nội địa trong bối cảnh Mỹ thắt chặt hạn chế ?
Trong khi Mỹ tăng cường biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ CPU, GPU và ASIC tiên tiến, Trung Quốc cũng nỗ lực nội địa hóa sản xuất gần như mọi loại chip và bộ xử lý. Tuy nhiên, DigiTimes cho biết các công ty có trụ sở tại Trung Quốc lại có phần miễn cưỡng khi sử dụng các giải pháp thay thế trong nước…
Tình trạng này không chỉ giới hạn ở một số loại chip cụ thể mà bao trùm toàn bộ ngành bán dẫn, từ các linh kiện dành cho ứng dụng ô tô cho đến những bộ xử lý tiên tiến nhất phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và tính toán hiệu năng cao (HPC).
DigiTimes dự báo các công ty Trung Quốc sẽ kéo dài phụ thuộc vào chip nước ngoài trong tương lai gần.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc do dự sử dụng chip trong nước bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm năng lực sản xuất chip của nước này vẫn còn hạn chế, vẫn có thể tiếp cận các giải pháp thay thế từ châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan, quy mô sản xuất linh kiện nội địa còn khiêm tốn, cùng với việc thiếu các chính sách bắt buộc từ phía Chính phủ.
Lĩnh vực AI và HPC đặc biệt đặt ra nhiều thách thức cho các nhà thiết kế Trung Quốc để chứng minh năng lực vượt trội. Dù lệnh trừng phạt của Mỹ đã cản trở khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với các giải pháp tiên tiến như H100 hoặc H200 của Nvidia, các sản phẩm thay thế nội địa lại khó lòng cạnh tranh, thậm chí ngay cả khi đặt lên bàn cân với bộ xử lý HGX H20 (nền tảng hỗ trợ máy chủ có hiệu suất thấp hơn các dòng cùng loại của Nvidia).
Nhiều công ty Trung Quốc thậm chí đã tìm đến các nguồn cung thay thế không chính thức, chẳng hạn như buôn lậu. Theo đó, một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc đã thuê trung tâm dữ liệu nước ngoài để né tránh lệnh trừng phạt.
Trong thị trường chip ô tô, các công ty Trung Quốc gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với chuyên môn và uy tín đã được khẳng định của các nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDM) hàng đầu từ Mỹ và châu Âu như Bosch hay NXP. Sự thống trị của những "gã khổng lồ" nước ngoài cùng với khả năng sản xuất quy mô lớn và chất lượng ổn định, đã tạo ra những rào cản đáng kể đối với các công ty nhỏ hơn từ Trung Quốc.
Ở phạm vi rộng hơn, các nhà thiết kế chip từ châu Âu và Đài Loan càng làm tăng thêm áp lực cạnh tranh khi cung cấp các chip tiên tiến nhưng với giá cả phải chăng và khả năng giao hàng ổn định cùng số lượng lớn. Những yếu tố này khiến các giải pháp từ Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu hút nhu cầu và giành thị phần trên thị trường quốc tế.
Mặc dù chẳng hạn một số loại chip bán dẫn như mạch tích hợp điều khiển màn hình (DDIC) của Trung Quốc ghi nhận đạt được một số tiến bộ trong năng lực sản xuất nội địa, khiến lượng đặt hàng tăng lên, tuy nhiên, quy mô sử dụng thực tế trên các thiết bị vẫn còn hạn chế, và những thay đổi này chưa đủ để tạo ra một sự chuyển dịch mang tính cách mạng.
Theo Digitimes, mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng năng lực công nghệ tiên tiến cho DDIC, các đối thủ toàn cầu vẫn chiếm ưu thế nhờ sản phẩm chất lượng cao và khả năng sản xuất vượt trội.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ từ Chính phủ hoặc những đột phá lớn trong công nghệ bán dẫn nội địa, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc thời điểm hiện tại khó có thể tăng tốc đột phá.
Các công ty Trung Quốc yêu cầu hiệu suất tính toán cao vẫn có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến (dù không phải là hàng đầu) từ các nhà phát triển chip của Mỹ, làm giảm nhu cầu về các bộ xử lý AI được sản xuất trong nước.
Đồng thời, các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác thường không muốn chuyển sang giải pháp nội địa vì nhiều lý do. Điều này dẫn tới sự phụ thuộc vào chip nước ngoài của các công ty Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai gần.