Các hành vi gây cản trở tầm nhìn quanh khu vực sân bay đều bị xử phạt
Việc đốt rơm rạ, thả diều, chiếu đèn laser… quanh khu vực sân bay đều có thể uy hiếp an toàn bay và bị phạt, theo quy định tại nghị định 162/2018/NĐ-CP.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay tại Nội Bài, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo sát sao các xã lân cận sân bay Nội Bài có các biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến hoạt động bay.
Đồng thời, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đề nghị UBND xã Thanh Xuân, Quang Tiến, Mai Đình, Phú Minh, Phú Cường triển khai các biện pháp tuyên truyền, thực hiện cam kết đến từng hộ gia đình, người dân không đốt rơm rạ để ảnh hưởng đến an toàn bay.
Đồng thời bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hộ gia đình, cá nhân cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.
Khói đốt rơm rạ sát hàng rào sân bay Nội Bài vào trưa 15-9
Ông Nguyễn Phi Hùng, Thư kí Tổ An toàn đường cất hạ cánh Nội Bài cho biết, việc đốt rơm rạ, thả diều, chiếu đèn laser… quanh khu vực sân bay đều có thể uy hiếp an toàn bay và bị phạt, theo quy định tại nghị định 162/2018/NĐ-CP.
Theo nghị định, các hành vi gây giảm tầm nhìn của phi công như đốt rơm rạ, chiếu đèn lazer của bà con sau mỗi vụ thu hoạch lúa, cùng nhau đốt rơm rạ đã gây ra khói mù, ảnh hưởng tầm nhìn của phi công. Còn việc chiếu đèn laser khi máy bay đang cất hạ cánh có thể làm chói mắt, làm phân tán đối với phi công ở thời điểm cần tập trung cao độ khi điều khiển máy bay cất/hạ cánh.
Các hành vi có khả năng gây va chạm trên không như thả diều, thả đèn trời, trồng cây cao, xây dựng công trình trái phép gần sân bay hay các hoạt động thu hút chim… đều tiềm ẩn nguy cơ làm va chạm với máy bay đang bay.
Các hành vi có khả năng gây va chạm dưới đất như sử dụng thiết bị bay tự động như vật thể bay không người lái (UAV/Drone), Flycam; chăn thả và để lọt gia súc vào khu bay. Các vật thể bay không người lái, gia súc chạy lọt vào khu bay có khả năng va chạm với máy bay khi cất, hạ cánh hoặc đang vận hành trên đường lăn, sân đỗ.
Các hành vi có khả năng gây hư hỏng trang thiết bị Cảng hàng không như đốt rác gần các công trình, thiết bị của sân bay, lấy trộm trang thiết bị sân bay… có thể làm hư hỏng hệ thống trang thiết bị, ảnh hưởng đến quá trình máy bay khai thác tại Cảng.
Vi phạm vào các hành vi này có thể đối mặt với hình phạt lên tới 40 triệu đồng nếu chiếu tia laser vào máy bay; phạt 60 triệu đồng nếu sử dụng vật thể bay không người lái, flycam, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi.
Tuy nhiên các hình thức xử phạt vi phạm hành chính chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Để giải quyết triệt để, Cảng HKQT Nội Bài, Cảng vụ hàng không miền Bắc, chính quyền quyền địa phương cần phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: Quy hoạch, cấp phép xây dựng, tích cực tuyên truyền và triển khai các giải pháp kỹ thuật. Hiện có nhiều giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn đường cất hạ cánh đang được nhiều sân bay trên thế giới lựa chọn như: Dùng sóng điện từ để khống chế sóng điều khiển flycam, sử dụng hệ thống tự động phát hiện và xua đuổi chim, hay các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ…
Mới đây, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã phối hợp với UBND xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tổ chức hội nghị tuyên truyền về An toàn hàng không và các vấn đề pháp luật có liên quan cho bà con.
Ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng giám sát an toàn Hàng không, Đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc cũng đưa ra khuyến cáo về nguy cơ gây mất an toàn - an ninh hàng không và đề nghị người dân không sử dụng đèn laser khu vực gần sân bay, thực hiện xây dựng vào vùng được phép, không vi phạm hành lang an toàn hàng không và tĩnh không sân bay.
Hội nghị cũng cung cấp một số giải pháp giúp bà con thay đổi thói quen cũ, thay vì đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch thì chuyển sang việc xử lý rơm rạ một cách an toàn, khoa học như sử dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix-RR.
"Đây là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao, vừa giúp xử lý rơm rạ, lại tạo ra nguồn phân bón cho cây hoặc bón luôn cho ruộng để cải tạo đất chỉ trong thời gian ủ rất ngắn, từ 16-18 ngày"- ông Nguyễn Quý Lai, Giám đốc công ty EMY Nhật Bản, chia sẻ.
Trước đấy, pháp luật Việt Nam quy định tất cả chuyến bay bằng flycam đều phải được xin cấp phép trước khi bay, người điều khiển flycam cũng cần chấp hành nghiêm các quy định về an toàn khi bay như không được bay ngoài khu vực, thời gian, mục đích đã đăng ký, vi phạm các quy định về lãnh thổ, mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, nổ, phóng thả các vật có nguy cơ gây hại từ trên cao, treo cờ, biểu ngữ…
Ngoài ra, một số khu vực bị cấm bay như khu vực quân sự, sân bay, ga tàu, cảng biển, công trình thủy lợi, cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nhà máy điện, máy điện hạt nhân, nhà máy nước, trạm phát điện.
Thêm nữa, người điều khiển flycam cũng không được bay tại các khu vực bay đông đúc vì có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của nếu máy bay rơi rớt. Ngoài giấy phép bay do Bộ Tổng tham mưu cấp, khi ghi hình tại các cơ quan, xí nghiệp, công ty, người điều khiển flycam cũng cần xin phép những nơi này trước.
Theo điều 5,6 nghị định 36/2008/NĐ-CP thì một cá nhân có thể bị phạt đến 60 triệu đồng, đối với tổ chức thì có thể từ 80-100 triệu đồng và tịch thu thiết bị khi vi phạm các quy định về sử dụng flycam tại Việt Nam.
Ngoài ra, đối với cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt được quy định tại Khoản 1, Điều 13 - Nghị định 36/2008/NĐ-CP và điểm G, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với lỗi không làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức hoạt động bay; mức phạt từ 500.000-1.000.000 đồng, đồng thời tịch thu phương tiện.
Minh Thùy (T/h)