Các ông lớn công nghệ đồng lòng đề xuất được sử dụng nội dung bản quyền đào tạo AI

08:52, 31/03/2025

Các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, bao gồm: Google, OpenAI, Anthropic,..., đang cùng nhau đưa ra các đề xuất yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ cho phép được sử dụng nội dung bản quyền trong đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Tech Wire Asia, OpenAI và Google đang có những nỗ lực lớn thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ cho phép mô hình AI được đào tạo trên tài liệu có bản quyền, với lý do rằng nếu được "sử dụng hợp lý" thì nhóm dữ liệu này rất quan trọng để duy trì lợi thế cạnh tranh của quốc gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo đó, trong bản đề xuất được đệ trình theo lời kêu gọi đóng góp ý kiến cho “Kế hoạch hành động AI” của Tổng thống Donald Trump, cả hai công ty đều đưa ra những quan điểm thống nhất về việc nên cho phép các công ty công nghệ được được tạo AI bằng các nội dung bản quyền.

Theo OpenAI, việc cho phép công ty trí tuệ nhân tạo sử dụng tài liệu có bản quyền để đào tạo là vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. OpenAI cảnh báo nếu các công ty bị hạn chế truy cập dữ liệu có bản quyền, Trung Quốc có thể vượt qua Hoa Kỳ trong quá trình phát triển AI.

Hãng cũng đặc biệt nhấn mạnh sự bùng nổ của các công cụ AI từ Trung Quốc như DeepSeek cho thấy các nhà phát triển của quốc gia tỷ dân có quyền truy cập không hạn chế vào dữ liệu, bao gồm cả tài liệu có bản quyền.

"Nếu nhà phát triển Trung Quốc có quyền truy cập không hạn chế vào dữ liệu còn các công ty Hoa Kỳ không được sử dụng, thì cuộc đua AI về cơ bản đã kết thúc", OpenAI nhấn mạnh.

Đồng ý với luận điểm của OpenAI, Google cho rằng luật bản quyền, quyền riêng tư và bằng sáng chế có thể tạo ra rào cản đối với sự phát triển AI nếu tiếp tục hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu.

Theo đó, Google đề xuất, bên cạnh những nội dung có sẵn công khai, Chính phủ Hoa Kỳ nên có những biện pháp cho phép sử dụng hợp lý và một số ngoại lệ khai thác dữ liệu để thúc đẩy năng suất đào tạo mô hình AI mà không gây ảnh hưởng lớn đến chủ sở hữu bản quyền. Nếu không đưa ra biện pháp cụ thể, các nhà phát triển có thể phải đối mặt với nhiều cuộc đàm phán kéo dài để được cấp phép truy cập dữ liệu xuyên suốt quá trình phát triển và nghiên cứu mô hình.

Để tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI, Google đề xuất Chính phủ nên tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI, bao gồm giải quyết nhu cầu năng lượng và thiết lập biện pháp kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia khi xuất khẩu dịch vụ AI sang thị trường nước ngoài.

Cùng với đó, Google khuyến nghị Chính phủ Hoa Kỳ nên tiên phong trong việc áp dụng AI, đề xuất triển khai loạt giải pháp AI của nhiều nhà cung cấp và hợp lý hóa quy trình mua sắm cho công nghệ mới nổi. Google cảnh báo rằng hệ thống chính sách có thể định hình kết quả cuộc đua AI toàn cầu, thúc đẩy Chính phủ áp dụng cách tiếp cận "ủng hộ đổi mới" để bảo vệ an ninh quốc gia.

Cùng quan điểm trên, Anthropic, nhà phát triển chatbot Claude, cũng kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến mô hình AI và tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip AI. Công ty cũng lên tiếng ủng hộ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm hỗ trợ phát triển AI, chỉ ra nhu cầu năng lượng từ các mô hình trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Những đề xuất có tính đồng nhất của các công ty công nghệ hiện đang nhận về làn sóng phẫn nộ của nhiều nhà sáng tạo nội dung và chủ sở hữu bản quyền. Các tác giả cho rằng các doanh nghiệp Ai không nên được phép sử dụng tác phẩm tự do trong khi chủ sở hữu tài sản trí tuệ không được hưởng quyền lợi một cách công bằng.

"Kế hoạch hành động AI" của Nhà Trắng được nhận định sẽ đặt nền tảng cho chính sách trong tương lai của Hoa Kỳ về phát triển AI và truy cập dữ liệu, mang tới tác động tiềm tàng đối với cả ngành công nghệ và ngành nội dung.