Cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo lực mạng?
Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin nói chung và môi trường mạng nói riêng, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong bối cảnh mới đặt ra nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có môi trường mạng an toàn, lành mạnh để trẻ không trở thành nạn nhân của bạo lực mạng.
Khó lường trước các hình thức xâm hại trẻ em trên mạng
Trong thời đại công nghệ, việc tiếp xúc với máy tính, thiết bị thông minh kết nối mạng internet là tất yếu. Việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ cho học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức chủ động và linh hoạt.
Mạng xã hội ngày nay hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt với trẻ em, nó giống như một cái kho khổng lồ chứa đựng các hình thức giải trí, nội dung hấp dẫn và mới mẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chúng ta không kiểm soát được, đặc biệt với đối tượng là trẻ em còn rất non nớt, chưa biết cách chọn lọc thông tin. Ngoài những nguy cơ mà trẻ dễ gặp phải như bị rối loạn tâm trí, nghiện game, nghiện Facebook, sa lầy vào thế giới ảo khiến trẻ bị hạn chế giao tiếp, xa rời tình cảm và cuộc sống thật, trẻ em cũng dễ dàng bị lừa gạt, dụ dỗ, xâm phạm đến sức khỏe hoặc bị kéo vào “trào lưu” bắt nạt trên không gian mạng.
Bắt nạt mạng, bắt nạt trực tuyến hay bạo lực mạng là hình thức bắt nạt bằng việc công khai sử dụng các thiết bị kỹ thuật công nghệ số. Bắt nạt mạng thường xuyên diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội trực tuyến như Facebook, Twitter, Instagram hoặc các nền tảng nhắn tin như Wechat, Whatsapp… Bạo lực mạng cũng có thể là cố gắng lợi dụng thông tin cá nhân để bôi xấu, xâm phạm sự riêng tư và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người khác.
Theo thống kê của UNICEF, 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày. Một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực Châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng là cao nhất với 33%. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.
Theo Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111), trong năm 2022 đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này. Như vậy, có thể thấy rằng nguy cơ trẻ em phải đối diện với các đối tượng, tội phạm thực hiện hành vi xâm hại trên môi trường mạng là rất cao.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong đó có nguyên nhân trẻ chưa đủ kiến thức để nhận thức hết mối nguy hại khi tham gia trên môi trường mạng, từ đó chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Trẻ chưa có sự quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường trong việc trang bị những kiến thức khi tham gia môi trường mạng.
Cho đến hiện nay, bắt nạt mạng vẫn đang là một vấn đề nhức nhối và để lại nhiều hậu quả nặng nề, phần lớn và trọng tâm là các bạn trẻ, thanh thiếu niên. Việc bắt nạt trên không gian mạng có thể dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt liên quan đến vấn đề sức khỏe, tinh thần.
Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân (self-harm) và thậm chí tự tử. Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt. Chưa kể, một khi đã xuất hiện trên mạng thì những nội dung như vậy thường lưu lại rất lâu sau đó và rất khó để thoát khỏi nó. Nỗi đau gây ra bởi bắt nạt qua mạng là rất lớn và không thể lường trước được.
Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng một số thống kê cho rằng, những hành vi như trên vẫn ngày một gia tăng. Quá nửa thanh thiếu niên đã từng bị bắt nạt qua mạng ít nhất một lần. Cứ 3 người thì có nhiều hơn 1 người trẻ đã từng bị đe dọa qua mạng. Trên 25% thanh thiếu niên đã từng hoặc đang bị bắt nạt lặp đi lặp lại qua thiết bị di động hoặc mạng Internet. Quá nửa những thanh thiếu niên bị bắt nạt qua mạng không nói cho cha mẹ biết khi mình bị bắt nạt.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em được quan tâm
Tại Pháp và hầu hết các nước Châu Âu, trẻ dưới 13 tuổi không được phép sử dụng mạng xã hội. Tất nhiên, việc kiểm soát này vẫn có nhiều lỗ hổng, việc kiểm soát độ tuổi của người dùng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Gần đây, nhiều nước Châu Âu đã yêu cầu nền tảng mạng xã hội phải đưa vào sử dụng một tính năng được gọi là “Family Center” (Trung tâm gia đình), trọng tâm là việc cho phép các phụ huynh được kiểm soát được một phần việc sử dụng mạng xã hội của con cái.
Trung Quốc chỉ cho phép sử dụng các trang mạng xã hội nội địa như Weibo, Youku... Công cụ của Chính phủ có tên là “The Great Firewall of China” (Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc) cho phép kiểm duyệt và chắt lọc mọi thông tin chia sẻ. Để chống lại tin giả, nội dung xấu độc, chính phủ Trung Quốc sử dụng các thuật toán, phần mềm lọc các từ nhạy cảm và giao trách nhiệm cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet thực hiện.
Cuối năm 2022, Quốc hội Singapore đã thông qua Đạo luật Tăng cường an toàn trực tuyến. Theo đạo luật này, căn cứ báo cáo của phụ huynh và học sinh, các công ty truyền thông xã hội phải hành động ngay “trong vòng vài giờ”. Singapore hướng tới tích hợp dữ liệu quản lý dân cư vào việc kiểm soát độ tuổi đăng ký mạng xã hội, để kiểm soát chính xác tuổi của người dùng mạng xã hội. Nhìn chung hầu hết các quốc gia đều tăng cường quản lý mạng xã hội, nhằm đảm bảo môi trường an toàn nhất, lành mạnh nhất đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Tại Việt Nam, thời gian qua, hệ thống pháp luật về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được quan tâm xây dựng và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Có thể thấy rằng, hệ thống pháp lý liên quan đến vấn đề này đã được bao quát tương đối đầy đủ các nội dung ở các cấp độ khác nhau.
Ở mức độ cao nhất là các văn bản được ban hành bởi Quốc hội, có một hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Tiếp cận thông tin; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em...
Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều văn bản pháp lý, trong đó có các nghị định liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng; các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản luật, xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp thông tin trên mạng Internet.
Các hoạt động báo chí, xuất bản, bảo đảm an ninh mạng… đều có những quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em. Các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng thì trẻ em là một căn cứ lớn cho việc đưa các nội dung quản lý liên quan bảo vệ trên môi trường mạng vào Dự thảo.
Dự thảo cũng đưa ra khái niệm về hành vi xâm hại trẻ em, thông tin độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên trên môi trường mạng là một trong những biện pháp quản lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển cũng như quản lý internet hiệu quả.
Dự thảo quy định các mạng xã hội, kênh thông tin có lượng người dùng lớn (khoảng 10.000 người theo dõi trở lên) cần cung cấp thông tin xác thực; thực hiện việc đăng ký độ tuổi; có tính năng thông báo, cảnh báo, chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung gây hại, không phù hợp với trẻ em và phải có bộ phận chuyên trách xử lý các yêu cầu để cơ quan quản lý có thể sẵn sàng phối hợp khi cần.
Cùng đó, phải có biện pháp để xác thực định danh trẻ em và giới hạn thời gian sử dụng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ em có đăng ký tài khoản sử dụng thì phải có biện pháp giúp cha mẹ, người chăm sóc trẻ giám sát các hoạt động của trẻ em…
Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, công nghệ thông tin và môi trường mạng nói riêng cũng gây áp lực cho những người hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Điều này đòi hỏi các nội dung, văn bản cần phải liên tục được điều chỉnh, chỉnh lý để cập nhật những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, từ đó đáp ứng được nhu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện nay.
Theo tạp chí in số 4+5+6