Cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể và thực chất để phát triển ô tô điện
Đó là đề xuất thiết thực của Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng nhằm thúc đẩy giao thông xanh, thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng xe điện là lựa chọn cho hiện tại và tương lai nên cần có các chính sách hỗ trợ phát triển.
Lựa chọn của hiện tại và tương lai
- Xe điện hiện là chủ đề thời sự của cả thế giới. Tại Việt Nam, VinFast cũng gây xôn xao khi vừa mở bán đã có gần 4.000 đơn đặt hàng xe ô tô điện chỉ sau 12 tiếng đồng hồ. Theo ông, ô tô điện có phải là một trào lưu mới?
Đó không phải là trào lưu mà là một xu thế không thể đảo ngược. Xe điện là lựa chọn cho hiện tại và tương lai. Và chúng ta có thể cảm nhận được điều đó qua cách thị trường phản hồi tích cực với sản phẩm xe điện của VinFast. Đó không chỉ là sự tín nhiệm của thị trường với một hãng xe mà đó là vì người dân thực sự trông chờ và hào hứng với xe điện.
- Theo ông vì sao xe điện lại là xu thế không thể đảo ngược, và điều đó chứng minh trong thực tế như thế nào?
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các vấn đề môi trường đang ngày càng cấp bách. Việc khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện phát thải thấp như ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện, tàu điện... là một trong những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu nguy cơ môi trường. Một số nước đã có hẳn lộ trình dừng lưu thông xe chạy xăng dầu trong thập niên tới thay bằng xe điện.
Vì thế mặc dù có chút bất ngờ về thời điểm nhưng tôi không ngạc nhiên khi VinFast khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu và công bố phát triển 3 mẫu xe điện.
Sắp tới, thị trường ô tô có thể sẽ sôi động hơn với sự tham gia của các mẫu xe điện nước ngoài. Nhưng dù là thương hiệu nào thì điều mà cả nhà sản xuất và người sử dụng đều đang chờ đợi là một hệ thống các chính sách hỗ trợ phù hợp để từng bước hình thành và phát triển một thị trường ổn định, bền vững cho ô tô điện tại Việt Nam.
- Theo ông, hệ thống chính sách hỗ trợ cần phải thế nào thì mới thúc đẩy được thị trường ô tô điện?
Chính phủ cần có một chương trình tổng thể, gồm hệ thống các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng cũng như các nhà sản xuất. Cụ thể, với nhà sản xuất là các chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển, thương mại hoá, xây dựng chuỗi cung ứng (từ nghiên cứu phát triển công nghệ pin, tế bào nhiên liệu, hệ thống điều hành đến ô tô hoàn chỉnh).
Với người dùng là các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm giúp họ dễ dàng sở hữu, sử dụng và dần tạo thói quen đi ô tô điện. Những nước phát triển xe điện đều phải có chiến lược và chính sách tạo lập thị trường rất cụ thể và mạnh mẽ.
- Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về những chính sách tạo lập thị trường hiệu quả?
Mỗi nước có chính sách tạo lập thị trường khác nhau nhưng Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đặt trọng tâm vào việc giảm chi phí sở hữu và sử dụng đối với xe ô tô điện.
Ví dụ, chính phủ Đức miễn thuế lưu hành hàng năm cho xe điện, trợ cấp trực tiếp cho người mua xe điện ở mức 3.000-5.000 EURO. Hàn Quốc trợ cấp một lần 14 triệu Won, giảm thuế, phí bảo hiểm, phí sử dụng đường cao tốc và phí đỗ xe cho chủ sở hữu xe điện.
Trung Quốc trợ giá 20.000-40.000 NDT tuỳ các loại xe điện; đồng thời quy hoạch và đầu tư mạng lưới hạ tầng cung ứng điện sẵn sàng toàn quốc. Ngoài ra, mỗi địa phương lại có thêm các ưu đãi riêng, ví dụ như thành phố Thượng Hải miễn phí cấp biển số cho xe ô tô điện....
Đó đều là các nước phát triển có điều kiện để hỗ trợ trực tiếp cho người dân chuyển sang xe điện. Điều này liệu có khả thi tại Việt Nam khi ngân sách còn phải ưu tiên nhiều mục tiêu cấp bách hơn?
"Trước tiên cần phải xác định rằng nhanh chóng phát triển ô tô điện chính là cơ hội để vươn lên trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và là xu thế tất yếu" - Ông Khuất Việt Hùng
Trước tiên cần phải xác định rằng nhanh chóng phát triển ô tô điện chính là cơ hội để vươn lên trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và là xu thế tất yếu.
Do đó, chủ trương của Đảng và nhà nước khuyến khích phát triển xe ô tô điện nói riêng và các phương tiện thân thiện với môi trường nói chung cần phải được cụ thể hoá bằng các chính sách, các quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch, để người dân yên tâm sử dụng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh ô tô điện yên tâm phát triển.
Tiếp theo, việc đòi hỏi Chính phủ Việt Nam trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện như các quốc gia kể trên trong điều kiện ngân sách hạn hẹp là khó, nhưng hỗ trợ một phần chi phí sở hữu phương tiện cho người dùng như giảm một phần hoặc toàn bộ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt hay giảm một phần hoặc miễn toàn bộ phí sử dụng đường bộ... là hoàn toàn khả thi.
Với các nhà sản xuất kinh doanh, Chính phủ có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện cho xe điện, hỗ trợ cơ sở hạ tầng liên quan như cấp đất, miễn giảm thuế sử dụng đất cho nhà máy sản xuất ô tô hoặc sản phẩm phụ trợ cũng như hệ thống trạm sạc....
Dĩ nhiên, các chính sách tạo lập thị trường này cũng chỉ có thời hạn nhất định, có thể là 10 năm.
Cần một "lộ trình xanh" rõ ràng, minh bạch
- Theo ông, các chính sách hỗ trợ có đủ để mang lại sự thay đổi không; và khi không hỗ trợ, xe điện và tương lai xe xanh có quay lại xuất phát điểm không?
Mục tiêu mà các chính sách trợ giá cho một sản phẩm dịch vụ nào đó của các chính phủ là nhằm tạo dựng một giá trị văn hoá phổ quát trong toàn xã hội đối với sản phẩm, dịch vụ đó. Vì vậy, các chính sách sẽ liên tục được quan trắc, đánh giá và điều chỉnh. Nhưng tôi tin là sau thời gian hỗ trợ, quy mô thị trường sẽ đủ lớn, văn hoá sử dụng xe điện sẽ hình thành và đủ đà tự phát triển.
Tất nhiên, để tạo nên thói quen của người dùng, vấn đề còn phụ thuộc vào khả năng công nghệ, dịch vụ, mức độ tiện lợi của xe điện có đáp ứng được mong muốn của người dân không.
Bởi thế, không chỉ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô điện, chúng ta cần tạo nên hướng mở với những ngành phụ trợ liên quan khác, chẳng hạn như sản xuất pin, để rút ngắn thời gian phát triển công nghệ cho các phương tiện xanh.
- Vậy ông cho rằng "lộ trình xanh" nên bắt đầu từ đâu để có xe điện thực sự bứt phá?
Theo tôi, Chính phủ cần đặt mục tiêu rõ ràng, ví dụ tới năm 2025 hay 2030 nước ta phấn đấu bao nhiêu phần trăm xe ô tô trên thị trường là xe điện; mức giảm lượng phát thải và các mục tiêu về môi trường cần đạt được ra sao; xác định cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong việc ban hành, hướng dẫn, thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách tạo lập thị trường....
Từ các mục tiêu này, Chính phủ cần tính toán chi tiết bài toán lợi ích tài chính, kinh tế, môi trường mà xe ô tô điện mang lại khi thay thế xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hoá thạch. Sau đó cân đối với tổng nguồn tài chính và các điều kiện cụ thể mà chính phủ và chính quyền địa phương có thể hỗ trợ, trong khoảng thời gian nhất định để cụ thể hoá thành những văn bản có tính chất pháp quy, minh bạch.
Tất nhiên, sự thay đổi không đến một sớm một chiều, nhưng chúng ta đang có lợi thế phần nào khi có một thế hệ các bạn trẻ tiếp xúc với văn hóa xe điện rất sớm, từ xe đạp điện tới xe máy điện. Đó là thế hệ tương lai xanh. Và việc của chúng ta là chuẩn bị cho thế hệ tương lai đó, ngay từ bây giờ!
- Xin cảm ơn ông!
Theo vtc.vn