Canon PowerShot G11: Cải tiến hay cải lùi?

04:27, 18/10/2009

Hãng sản xuất máy ảnh hàng đầu thế giới Canon vừa cho ra mắt máy ảnh số PowerShot G11 trong tháng 8 vừa qua. Đây được xem là bản kế nhiệm của PowerShot G10, một trong những mẫu máy ảnh bán chuyên đang được chú ý nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Mặc dù ra đời sau nhưng nếu nhìn sơ qua thông số kỹ thuật thì có vẻ như G11 là bản "cải lùi" của G10. Thực tế có phải như vậy?

Về mặt thiết kế, Canon PowerShot G11 có ngoại hình trông rất giống với G10, khi cùng được khoác lên mình bộ cánh màu đen khá sù sì, cứng cáp và cũng rất "pro". Phần tay cầm của máy khá lớn và được tráng một lớp cao su, giúp người dùng cầm máy rất chắc chắn. Cách bố trí các phím điều khiển ở mặt sau của máy không có gì thay đổi so với G10. Vị trí của các phím bấm cũng như những biểu tượng minh họa vẫn được giữ nguyên.

Về mặt tính năng, nếu nhìn qua thông bảng thông số kỹ thuật của G11 và G10 sẽ dễ dàng nhận thấy những điểm sau: độ phân giải giảm từ 14,7 triệu điểm ảnh ở G10 xuống còn 10 triệu điểm ở G11, bằng với phiên bản G7 ra đời 3 năm trước đây. Nhưng dân công nghệ lại đánh giá đây là một sự cải thiện công nghệ đáng kể so với cảm biến 14,7 Megapixels trong G10. Tuy "số chấm" có ít hơn, nhưng độ phân giải không thay đổi đáng kể và chất lượng hình ảnh của cảm biến mới hơn hẳn cảm biến cũ. Đặc biệt là chất lượng độ nhạy sáng cao ISO 800 đến ISO 1600. Như vậy, một mặt giữ kích cỡ cảm biến lớn, mặt khác giảm số điểm ảnh để kích cỡ mỗi điểm ảnh lớn hơn, cảm biến sẽ thu được nhiều lượng sáng hơn (nhạy sáng hơn), và chất lượng ảnh vì thế cũng được cải thiện hơn.

Màn LCD của G11 giảm từ 3 inch xuống còn 2,8 inch và ống kính thì vẫn không thay đổi với tiêu cự 28 - 140 mm (5x). Mặc dù kích cỡ màn LCD đã giảm nhưng độ phân giải màn hình vẫn được giữ nguyên 461.000 điểm ảnh, gấp đôi độ phân giải của các màn LCD trên các máy ảnh của các hãng khác. Vòng quay analog chỉnh ISO và bù sáng của G11 tương tự trên G10 tạo nên sự thân thiện và quen thuộc đối với các tín đồ dòng G của Canon.

G11 nổi bật hơn khi được trang bị màn hình LCD với khả năng mở, xoay, lật và gập như PowerShot G5/G6 một thời. Màn hình với công nghệ PureColor System cho chất lượng hiển thị hình ảnh tốt hơn tại nhiều góc độ. Các tính năng khác hầu như đều giống chiếc máy G10, một số tính năng nổi bật hơn kết nối HDMI, hệ thống giảm nhiễu kép Dual Anti-Noise System cải thiện hơn so với G10, tính năng chụp RAW có trong các chế độ P/A/S/M, hệ thống chống rung quang học, đồng bộ Flash tốc độ lên đến 1/2000 giây.

Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ tận dụng được lợi thế tăng cường dải tương phản động của G11. Hệ thống chống nhiễu kép mới (Dual Anti-Noise System) của Canon kết hợp giữa cảm biến 10 triệu điểm ảnh nhạy sáng hơn và một chút cải tiến công nghệ xử lý hình ảnh mới nhất DIGIC 4, cho chất lượng ảnh tốt hơn, tính năng giảm nhiễu được cải thiện lên tới 2-stop so với G10. Phiên bản G11 cũng tích hợp công nghệ tương phản thông minh i-Contrast giúp tránh hiện tượng cháy ảnh ở vùng sáng trong khi vẫn duy trì chi tiết ở vùng tối, đặc biệt thích hợp trong những môi trường ánh sáng lệch nhau.

Còn trong điều kiện thiếu sáng, chế độ Low Light cho phép nhiếp ảnh gia chụp ảnh với ISO tăng tới 12.800 (đổi lại ảnh giảm xuống còn 2,5 triệu điểm ảnh) với tốc độ chụp liên tục nhỉnh hơn G10, lên tới 2,4 khung hình/giây, đủ khả năng cho chất lượng ảnh xuất sắc trong điều kiện trong nhà mà không cần dùng tới đèn flash. Còn trong điều kiện quá sáng, với kính lọc Neutral Density (ND) tích hợp sẽ giảm độ sáng xuống 3-stop, đủ thỏa sức sáng tạo mà không lo ảnh cháy. Trong khi đó,  tổng thời gian của G10 từ khi bật máy đến khi chụp xong bức ảnh đầu tiên trong điều kiện ánh sáng thuận lợi là 2 giây, nếu thiếu sáng sẽ mất khoảng 4 giây. Trong chế độ chụp liên tiếp, máy có thể chụp liền một lúc 20 bức ảnh với tốc độ 2 khung hình/giây.

Tốc độ đồng bộ đèn flash của G11 được tăng lên mức cao nhất 1/2000 giây, giảm thiểu nguy cơ cháy ảnh trong các cảnh quá sáng. Những tay máy thích chụp ảnh tốc độ thì chế độ Quick Shot sẽ là lựa chọn thích hợp bởi nó cho phép máy chụp gần như tức thời ngay khi bấm nút, trong khi chế độ Servo AF/ AE sẽ tự động điều chỉnh lấy nét và phơi sáng liên tục sao cho tối ưu hóa thông số nhất ngay tại thời điểm chụp ảnh. PowerShot G11 có thể tương thích với vô số các thiết bị ngoại vi của Canon như hệ thống đèn Speedlite 270EX, 430EX II và 580EX II; đèn vòng quanh ống kính chuyên chụp macro như Macro Twin Lite MT-24EX hay Macro Ring Lite MR-14EX; điều khiển từ xa Remote Switch RS-60E3… Nếu thích chụp ảnh dưới nước, G11 có thể lắp vừa vỏ Waterproof Case WP-DC34 với khả năng chịu nước sâu tới 40m. Với cổng HDMI tích hợp, ảnh chụp từ G11 có thể dễ dàng xem lại trên các màn HDTV qua cáp bán rời.

Tóm lại, G11 xứng đáng là phiên bản tiếp theo của dòng máy PowerShot G danh tiếng. Không quay phim HD, không độ phân giải khủng, rõ ràng Canon đang muốn chuyển hướng nhấn mạnh tính chuyên nghiệp của một máy compact phải là chất lượng ảnh. Với G11, Canon là hãng đầu tiên rời bỏ cuộc đua điểm ảnh trên dòng máy compact.

Hiện nay, tại Việt Nam, Canon PowerShot G11 và G10 đang có giá tương đương nhau ở mức khoảng 500 USD.

Thông số kỹ thuật Canon PowerShot G11

Cảm biến    • 1/1.7" CCD, 10 triệu điểm ảnh
Kích cỡ ảnh lớn nhất    3648 x 2736
Quay phim    • 640 x 480 @ 30fps
• 320 x 240 @ 30fps
Độ dài tối đa      Đầy 4GB hoặc 1 tiếng
Định dạng ảnh    • Ảnh: JPEG (Exif v2.2), RAW
• Phim: MOV [H.264 + Linear PCM (monaural)]
Ống kính    • 28-140mm (35mm equiv)
• 5x optical zoom
• F2.8-4.5
Ổn định hình ảnh    Có (Chống rung quang học)
Khoảng lấy nét gần nhất    1 cm
ISO     • Auto, 80 – 3200
Bù sáng    +/- 2EV 1/3 stop
Tốc độ cửa trập    • Chế độ tự động (1 - 1/4000 giây)
• 15-1/4000 giây
Chụp liên tục    • Khoảng 1.1 ảnh/giây
LCD     • 2.8 inch Vari-angle PureColor II VA (TFT)
• 461,000 pixels
Kết nối    • USB 2.0 Hi-Speed
• HDMI mini connector
• AV out (PAL / NTSC switchable)
Thẻ nhớ    SD, SDHC, MMC, MMCplus, HC MMCplus
Pin    Rechargeable Li-ion Battery NB-7L
Cân nặng (không pin)     355 g
Kích cỡ    112 x 76 x 48 mm

Thanh Thúy