Cầu nối ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo tăng cường hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các địa phương thông qua hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực.
- Điện gió: Cần có Chương trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
- Startup Việt vươn ra thị trường bằng công nghệ AI
- WHO đánh giá cao tinh thần chia sẻ công nghệ phòng chống COVID-19 của Việt Nam
- Ngày 11/12, khai mạc Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam
- Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ KH&CN
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, không vì mục tiêu lợi nhuận, là đầu mối cung cấp thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ.
Mô hình công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống ổn nhiệt và đảo tự động nâng cao hiệu quả nghề chế biến nước mắm do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh nghiên cứu và hoàn thiện.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, giai đoạn 2016-2021, các trung tâm đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành KH&CN.
Dẫn chứng một số kết quả nổi bật, ông Tạ Việt Dũng cho hay, về làm chủ công nghệ, hệ thống trung tâm đã làm chủ gần 400 công nghệ, tập trung ở một số lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng...
Về dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ triển khai công nghệ, đã có hơn 14.000 hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ do các trung tâm thực hiện (trung bình 2.800 hợp đồng/năm) với tổng giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ khoảng 320 tỷ đồng, tăng trưởng 10-12%/năm. Lĩnh vực tư vấn chủ yếu là nông nghiệp, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, an toàn bức xạ, năng lượng, kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, về triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, các trung tâm đã và đang thực hiện 1.030 nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực chủ yếu sau: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, điều khiển tự động... đáp ứng yêu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương.
Chủ động hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19
Các nhiệm vụ KH&CN, tiến bộ kỹ thuật được các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nghiên cứu, chuyển giao đã phát huy hiệu quà cao trong thực tiễn. Điển hình, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh nghiên cứu và hoàn thiện mô hình công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống ổn nhiệt và đảo tự động nâng cao hiệu quả nghề chế biến nước mắm. Đây là kết quả của dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến nước mắm quy mô công nghiệp ứng dụng năng lượng mặt trời”, thuộc Chương trình “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
Mô hình công nghệ đã giúp rút ngắn thời gian chế biến nước mắm từ 18 tháng xuống còn 8-9 tháng; giúp quá trình lên men và thủy phân hiệu quả hơn, tạo chất lượng nước mắm thơm ngon hơn, màu sắc đẹp hơn và tăng hiệu suất thu hồi lên 1,2 lần. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ giải pháp sáng chế hữu ích, đồng thời đã chuyển giao công nghệ cho các cơ sở nước mắm ở Thanh Hóa và Quảng Ngãi.
Đáng chú ý, trong năm 2020 và 2021, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã chủ động hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Những công nghệ, sản phẩm của Trung tâm đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương.
Điển hình như, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An phối hợp với trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Hàn nghiên đã đề xuất và triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người, vật tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga… trong phòng dịch bệnh Covid-19”.
Kết quả đã thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga nơi tập trung đông người; nghiên cứu sản xuất dung dịch dung dịch sát khuẩn Anolyte. Trung tâm đã chuyển giao 03 buồng khử khuẩn (cho Bệnh viện đa khoa Nghệ An, Khu cách ly Khoa Quân sự - Đại học Vinh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) và cung cấp được hơn 10.000 lít dung dịch Anolyte cho công tác phòng trừ dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Nghệ An.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố Cần Thơ đã liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Sinh Hóa Phù Sa để thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng virus corona mới (2019-nCoV)”. Đến nay Trung tâm và đối tác đã hoàn thiện Bộ sinh phẩm sinh học phân tử (50 test/bộ) và Hệ thống chẩn đoán kết quả SPOT CHECK (50 test/bộ).
Trung tâm này cũng đã phối hợp với trường Đại học Y dược Cần Thơ triển khai phòng thí nghiệm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV2. Phòng xét nghiệm đã được Viện Pastuer cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR và đã thực hiện xét nghiệm hơn 15.000 mẫu (tương đương 150.000 người được lấy mẫu) tầm soát Covid-19.
Một ví dụ khác là Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp và xây dựng Quảng Ninh nghiên cứu sản xuất máy phun khử khuẩn phòng chống Covid-19. Đến nay Trung tâm đã sản xuất được 100 máy phun khử khuẩn và tiến hành áp dụng khử khuẩn tại các bệnh viện, trường học, UBND huyện của tỉnh Quảng Ninh...
Theo/congthuong.vn