Startup Việt vươn ra thị trường bằng công nghệ AI

10:58, 08/12/2021

Từ chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ AI, nhiều startup được chọn và tham gia đào tạo đã ký kết với các đối tác để cung cấp giải pháp công nghệ.

Chương trình "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021)" đã khép lại sau gần 9 tháng hoạt động. Trong số 111 hồ sơ tham gia từ vòng tuyển chọn đầu tiên, qua các vòng đào tạo, tập huấn, hội đồng đã tìm ra 5 startup có dự án xuất sắc (tMonitor, Movan ISO, EM&AI, CyberPurify và MiSmart) ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất.

Trong thời gian tham gia chương trình, các startup được chọn có cơ hội tiếp xúc với mentor, chuyên gia, các hội thảo và chương trình tập huấn 1-1. Đặc biệt, kết nối họ với khách hàng, nhà đầu tư tiềm năng và các tỉnh thành địa phương.

Lê Ngọc Trí, Giám đốc điều hành EM&AI cho biết, khi tham gia chương trình EM&AI đã nhận được sự quan tâm từ đối tác, khách hàng trong lĩnh vực telecom, tài chính, y tế và giáo dục.

EM&AI là đơn vị cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo toàn diện, cung cấp cho các trung tâm chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp phương pháp mới để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc của nhân viên từ đó cải thiện trải nghiệm của khách hàng và giảm chi phí vận hành lên đến 60%.

Không xem AAC như một thử thách mà như một vườn ươm, Trí cho rằng, đây là bệ phóng cho các startup tập trung vào công nghệ AI, giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp thấy được công nghệ AI tại Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều. Đặc biệt là công nghệ VoiceAI, phân tích ý nghĩa lời nói của con người từ đó tự động hóa tương tác với khách hàng.

"Từ chương trình chúng tôi nhận thấy khách hàng thực sự cần gì từ giải pháp AI, giúp họ giảm được chi phí vận hành hiện tại qua những con số cụ thể. Nhà đầu tư quan tâm và mong muốn gì ở startup...", Trí nói và cho biết dự định thời gian tới tạo ra nhiều trợ lý ảo đào tạo sẵn (AI Prebuilt bot) để có thể giúp các doanh nghiệp SME dễ dàng tiếp cận và hưởng được lợi ích về chi phí và hiệu suất mà AI có thể đem lại.

"Tháng 11 vừa qua, EM&AI đã ký kết hợp tác chiến lược với CMC TS và TechX, đây đều là những đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp công nghệ hàng đầu cho các doanh nghiệp lớn. Thông qua đó, tăng độ phủ thị trường của 2 giải pháp VirtualAgent và VirtualQC", Trí nói.

Các thành viên nhóm EM&AI. Ảnh: NVCC

Các thành viên nhóm EM&AI.

Nhóm Cyber Apply Vietnam tham gia chương trình bằng dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc nội dung có hại trên Internet. Nguyễn Thanh Trúc, đồng sáng lập và giám đốc khu vực CyberPurify cho biết, tham gia chương trình thử thách, CyberPurify đã rút được nhiều bài học, làm sao để xác định nhu cầu của thị trường, thuyết phục để thu hút nhà đầu tư và cách để định vị mình khác biệt giữa hàng loạt các AI startups khác cùng lĩnh vực...

Hiện Cyber Apply Vietnam tìm kiếm các nhà đầu tư chia sẻ cùng tầm nhìn để đẩy mạnh và phát triển các giải pháp của CyberPurify trên quy mô toàn cầu. "Dự định vào tháng 1 năm 2022, team sẽ tiến hành test thị trường toàn cầu cùng chiến dịch gọi vốn cộng đồng với CyberPurify Egg - thiết bị giúp chặn 24/7 mọi web độc hại khỏi các thiết bị trong nhà", Trúc cho biết. CyberPurify cũng đẩy mạnh các giải pháp B2B đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp ngoài nước, trước mắt là Mỹ.

CyberPurify cũng lên kế hoạch tăng cường hợp tác với các tổ chức trẻ em, tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước trong việc sử dụng AI để phát hiện và gỡ bỏ nhanh chóng những nội dung chứa trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục (CSAM - Child Sexual Abuse Materials).

Nguyễn Thanh Trúc, đồng sáng lập và giám đốc khu vực CyberPurify. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thanh Trúc, đồng sáng lập và giám đốc khu vực CyberPurify.

Là đơn vị lần đầu tiên đưa sản phẩm đến tham dự một cuộc thi, Yến Hoàng - đồng sáng lập Movan cho biết, rất may mắn khi là một trong năm nhà leo núi thắng cuộc. Movan đã nhận được nhiều hỗ trợ cả về mặt tài chính, chuyên môn, phát triển thị trường cũng như phần hỗ trợ truyền thông.

Nhóm MOVAN ISO giúp các nhà máy tại Việt Nam với quy mô hàng ngàn nhân viên tự động hóa các quy trình phức tạp theo tiêu chuẩn ISO với chi phí hợp lý và dễ dàng triển khai.

"Nhờ thành công với cuộc thi ACC 2021 mà Movan đã có đủ tự tin, kiến thức để mở rộng dự án ứng dụng AI và phát triển thêm một ngách sản phẩm Movan AI EHS để bán chéo cho cùng tập khách hàng nhà máy sản xuất hiện tại", Yến Hoàng nói. Nhóm cũng được tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư và tổ chức, từ đó có thêm động lực tham gia các cuộc thi tiếp theo.

Nhóm Movan tư vấn cho doanh nghiệp phần mềm Movan ISO. Ảnh: NVCC

Nhóm Movan tư vấn cho doanh nghiệp phần mềm Movan ISO.

Đại diện Movan cho biết, trong quá trình tham gia cuộc thi đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các nhóm và các mentor. Điều đó giúp công ty thấy cần phải làm tốt, nhanh hơn nữa và cải thiện được nhiều trong quá trình phát triển sản phẩm. Ngoài ra Movan dần trả lời được câu hỏi làm sao để xây dựng, quản lý, điều hành một công ty phát triển nhanh, bền vững.

Nhóm dự định tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm Movan AI EHS, sau đó cùng với đối tác NVIDIA đã ký kết, cải thiện tính chính xác sản phẩm và mở rộng thị trường ở các khu vực châu Âu.

Nhóm MiSmart đang giúp nông dân Việt Nam tiết kiệm đến 99% lượng thuốc trừ sâu bằng cách cung cấp máy bay không người lái để quét trên các cánh đồng nhằm phát hiện các khu vực bị nhiễm sâu bệnh và tự động gửi thông tin để máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu phù hợp và chính xác.

Phạm Thanh Toàn, CEO dự án MiSmart cho biết đã thu được nhiều kiến thức quý giá và thú vị để hoàn thiện mô hình kinh doanh tới ý tưởng pháp triển sản phẩm hay cách thức trao đổi, gặp gỡ với các nhà đầu tư.

"Sau cuộc thi, chúng tôi đã phát triển một mẫu máy bay không người lái mới dựa theo những gì chắt lọc được từ quá trình tham dự phục vụ tốt hơn cho việc số hóa nông nghiệp. Chúng tôi đang đưa ra các giải pháp AI cho cây lúa và đặt tên là app Trúng Mùa để phục vụ tiếp tục cho bà con nông dân ở miền Tây", đại diện nhóm cho biết.

Máy bay không người lái của nhóm MiSmart phun thử nghiệm thuốc trên đồng ruộng. Ảnh: NVCC

Máy bay không người lái của nhóm MiSmart phun thử nghiệm thuốc trên đồng ruộng.

Nam Vũ, Founder & CEO nhóm tMonitor cho biết, trong hành trình với AAC cùng chuỗi chương trình đào tạo và thực hành chuyên sâu dưới sự hỗ trợ của Hội đồng chuyên gia đầu ngành, tMonitor đã hoàn thiện thêm mô hình, kế hoạch kinh doanh, bảo hộ thương hiệu. Ngoài ra cũng có thêm kết nối và trao đổi kỹ thuật với các AI startup khác trong cộng đồng.

tMonitor cung cấp hệ thống giám sát chất lượng không khí trong nhà theo thời gian thực giúp đưa ra các cảnh báo kịp thời về chất lượng không khí, tạo điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho mọi người. Khi tham gia chương trình thử thách, nhóm đã thay đổi góc nhìn, đặt mình vào vai trò đối tượng khách hàng để đánh giá, hoàn thiện và cải thiện chất lượng sản phẩm theo đúng nhu cầu của thị trường.

Nam cho biết, tMonitor hi vọng có thể tìm kiếm thêm các quỹ đầu tư và đối tác để tiếp tục hoàn thiện công nghệ trí tuệ nhân tạo nâng cao, sản xuất thiết bị phần cứng và mở rộng thị trường. "Chúng tôi mong muốn triển khai lắp đặt được càng nhiều thiết bị quan trắc càng tốt tại nhà máy, trường học, văn phòng .... để đảm bảo sức khỏe của mọi người, tăng năng xuất lao động", Nam nói.

Lắp đặt thiết bị của tMonitor trong nhà máy. Ảnh: NVCC

Lắp đặt thiết bị của tMonitor trong nhà máy.

Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, với sự tài trợ và hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, thực hiện bởi VSV Foundation, VnExpress là đối tác truyền thông.

Chương trình ACC 2021 nằm trong khuôn khổ gói hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Innovation với mục tiêu thúc đẩy trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như thích nghi với tình hình bình thường mới của Việt Nam.

Theo/vnexpress.net