Chậm thu phí tự động - Không đơn giản là rút kinh nghiệm và khắc phục

Thùy Dung 10:05, 07/06/2020

Mặc dù trước đó Thủ tướng đã có công điện yêu cầu trạm nào không triển khai thu phí không dừng sẽ buộc phải dừng thu phí. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện rất chậm, cũng không trạm nào dừng thu phí vì quá hạn.

Thu phí tự động không dừng không chỉ giúp minh bạch trong việc thu phí, hạn chế gian lận mà còn giảm chi phí nhân lực, thời gian thu phí tại các trạm BOT. Dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) hiện đang được nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…thực hiện.

Mặc dù được triển khai đã lâu, tuy nhiên cho tới thười điểm hiện tại câu chuyện "thu phí tự động" vẫn gây tranh cãi trong dư luận. Mới đây, trong báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Chính phủ cho biết, tiến độ thực hiện thu phí tự động không đảm bảo theo yêu cầu.

Cho tới thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện trạm thu phí tự động còn rất chậm và cũng không trạm nào dừng thu phí vì quá hạn.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng: "Đây là vấn đề thực hiện nghị quyết của Quốc hội, trong trường hợp này Bộ GTVT là người thi hành. Việc thi hành nếu làm không tốt, không thực thi được và không xây dựng được trạm thu phí không dừng thì đây không phải là chỉ vi phạm kỉ cương đất nước đồng thời còn làm cho dân mất lòng tin”.

Liên quan đến việc trên, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động. 8 tập thể thuộc Bộ GTVT có liên quan đều “nghiêm túc kiểm điểm theo chức năng nhiệm vụ được phân công”, trong đó có 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm.

Về cá nhân, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm.

Xét theo Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định Bộ trưởng thì lãnh đạo, chỉ đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt, các nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ, mà mình là người đứng đầu.

Tuy nhiên, với thực tế hiện tại, những gì liên quan đến "thu phí không dừng” chỉ là những lời "xin lỗi" không hơn, không kém. Thậm chí, sự việc trên xảy ra quá nhiều lần khiến người dân đã coi nó như là một "nét văn hoá" mà văn hóa đó là "văn hóa xin lỗi".

Thiết nghĩ, Chính phủ cần phải vào cuộc, làm rõ trách nhiệm bởi việc thu phí không dừng nó có ý nghĩa rất lớn, làm minh bạch việc thu ngân sách… Do vậy, việc đầu tiên là cần làm rõ ai là người chịu trách nhiệm nó không phải chuyện đơn giản là rút kinh nghiệm và khắc phục.

Trước đó, tháng 10/2017, sau khi giám sát các dự án BOT giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437 yêu cầu “từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước”.

Đến tháng 07/2019, Thủ tướng cũng đã có công điện yêu cầu đến 31/12/2019, trạm nào không triển khai thu phí không dừng sẽ buộc phải dừng thu phí. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện rất chậm, cũng không trạm nào dừng thu phí vì quá hạn. Trong 93 trạm thu phí trên toàn quốc (Bộ GTVT – quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm), mới có 46 trạm có vận hành làn thu phí không dừng (ETC), tức là mới được 1 nửa số trạm.

T.D