Châu Á: Môi trường kinh doanh viễn thông Việt Nam hụt hơi

00:00, 27/05/2009

Theo kết quả xếp hạng mới nhất của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế (Business Monitor International - BMI), Việt Nam đứng cuối cùng (quý 2/2009) trong số 18 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á về khả năng cạnh tranh viễn thông, chủ yếu là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Viễn thông châu Á trầm lắng

Suy thoái kinh tế vẫn như “bóng ma” bao trùm lên lĩnh vực kinh doanh viễn thông châu Á, nơi mà hầu hết các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, sự sụt giảm về viễn thông là điều khó có thể tránh khỏi. Các hãng viễn thông đã phải vật lộn với nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư và doanh thu đều giảm mạnh.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của SingTel, hãng viễn thông Singapore trong năm 2008 giảm 24%, chủ yếu là do nền kinh tế yếu đi, và tỉ giá đồng đôla Singapore so với tiền tệ các nước trong khu vực giảm. Còn Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á dự báo chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm 2009 do xuất khẩu suy giảm. Tình hình đó buộc chính phủ phải thực thi một loạt chính sách kích cầu trong nước, và nhất là trong lĩnh vực viễn thông.

Trong khi đó, viễn thông Pakistan cũng tăng trưởng khá chậm nếu muốn nói là giẫm châm tại chỗ. Đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực viễn thông của nước này trong quý đầu năm ngoái chỉ đạt 156,6 triệu USD (số liệu mới nhất hiện có). Còn Philipines dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay chỉ đạt 2,8% cho nên đầu tư cho lĩnh vực viễn thông cũng giảm mạnh. Suy thoái kinh tế đã tác động tới tất cả các thị trường viễn thông khu vực, trong đó có Việt Nam.

Phát triển nhưng vẫn còn hạn chế

Trong những năm gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới, dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ càng được cải thiện, giá cước ngày càng hạ, và doanh thu của ngành này ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2008, doanh thu của ngành viễn thông đạt 90 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 30% mỗi năm, và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 11 ngàn tỉ đồng.

Thị trường viễn thông Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trường mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực chủ chốt như hạ tầng, dịch vụ giá trị gia tăng, và những chính sách thân thiện với người tiêu dùng hơn. Tính đến quý 1 vừa qua, tỉ lệ sử dụng điện thoại của Việt Nam đã đạt 103 điện thoại/100 dân. Điều này có nghĩa 100% người dân Việt Nam đã có điện thoại. Theo công bố mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông thì tính tới thời điểm này, Việt Nam đã có 89,5 triệu thuê bao điện thoại (cả cố định và di động), và hơn 20 triệu người sử dụng Internet (tính đến hết năm 2008).

Tính đến năm 2008, Việt Nam có 10 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và hơn 60 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được Bộ TT&TT cấp phép. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có 7 mạng di động: VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom, HT Mobile (nay là Vietnammobile), và Gtel. Tương lai không xa sẽ có thêm một mạng di động nữa là VTC, nâng tổng số lên 8 mạng di động.

Tuy nhiên, quy mô cũng như sự phát triển bền vững của hạ tầng viễn thông Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khi so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chất lượng dịch vụ cần phải cải thiện hơn nữa, và việc tiếp cận dịch vụ của người dân vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn.

Mở cửa thị thường viễn thông

Suy thoái kinh tế đã khiến cho các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam buộc phải đẩy mạnh quá trình hội nhập và mở cửa thị trường viễn thông. Nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của thị trường viễn thông, cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông, Bộ TT&TT vừa công bố dự thảo Luật viễn thông. Dự thảo này bao gồm 6 chương và 66 điều quy định một số nội dung quan trọng nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh viễn thông cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch.

Dự luật mới đã đề xuất việc mở rộng thành phần được phép tham gia xây dựng hạ tầng mạng, trong đó có doanh nghiệp để huy động vốn và giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Việc mở rộng này cũng nhằm tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần tham gia vào thị trường viễn thông. Song song với đó, các quy định nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động quản lý viễn thông cũng được đưa ra để tăng cường khả năng vận hành của thị trường này.

Nhằm thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, Luật viễn thông mới cũng sẽ đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các quy định mới sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường viễn thông Việt Nam một cách dễ dàng hơn.

Đầu tư viễn thông vẫn là chìa khóa tăng trưởng

Mặc dù kinh tế suy giảm nhưng hầu hết các nước châu Á đều có chung một nhận định là đầu tư cho ngành viễn thông để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Như đã nói ở trên, Hàn Quốc sẽ đầu tư gần 25 tỉ USD để nâng cấp hạ tầng mạng băng rộng trong nước từ nay cho tới năm 2012. Khi hoàn thành, mạng băng rộng này sẽ cung cấp băng thông đường truyền vào khoảng 1Gbps.

Chính phủ Nhật Bản cũng công bố gói kế hoạch đầu từ 30 tỉ USD cho lĩnh vực ICT trong vòng 3 năm tới. Còn Malaysia cũng sử dụng gói kích cầu 16,2 tỉ USD để phát triển và nâng cấp hạ tầng mạng băng rộng trong nước. Riêng vùng lãnh thổ Đài Loan và Ấn Độ đang gặp một số trở ngại trong việc triển khai các kế hoạch viễn thông. Việc triển khai Wimax tại Đài Loan đang tạm lắng và có lẽ phải chờ tới nửa đầu năm tới. Còn việc cấp phép 3G cho các nhà mạng Ấn Độ cũng phải chờ tới năm 2010.

Riêng Trung Quốc thì có vẻ như “hoành tráng” hơn. Các “đại gia” viễn thông nước này dự kiến sẽ đầu tư 50 tỉ USD cho mạng băng rộng 3G trong thời gian tới. Mức chi này nhiều gấp đôi so với mức đầu tư cách đây 2 năm vào lĩnh vực viễn thông của nước này.

Theo Vnmedia