Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/10
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/10.
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký văn bản số 890/TTg–V.I ngày 3/10/2022 về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Văn bản nêu rõ: Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nêu trong Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, định hướng hoạt động cho giai đoạn tới và Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ - Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp sau:
Chấn chỉnh ngay những khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng
1- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt kết quả tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, nhất là các nội dung, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu tại Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị tổng kết và Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị.
2- Rà soát, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được chỉ ra tại kết quả tổng kết, nhất là những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và những hạn chế, khuyết điểm khác do nguyên nhân chủ quan.
3- Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới; kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng
- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, xây dựng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... và trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất; kịp thời khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Rà soát, lựa chọn, phân công cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tham gia: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (nếu có).
Tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự, nhất là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, cơ quan báo chí và đề cao vai trò giám sát của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước.
4- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trên và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 918/VPCP-V.I ngày 01/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Văn bản số 1669/VPCP-V.I ngày 26/5/2022 của Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực) để xây dựng kế hoạch chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc bổ sung các nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kế hoạch công tác hằng năm, có xác định thời gian cụ thể để tổ chức thực hiện, bảo đảm đầy đủ, nghiêm túc theo đúng các nội dung, nhiệm vụ đã được giao.
5- Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản này.
Phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1155/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực, cụ thể giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 phấn đấu đạt một số chỉ tiêu sau:
Số hóa 70% bài giảng và 100% giáo trình
Về chỉ tiêu đào tạo: Đào tạo nghề luật sư 2.000 người/năm, trong đó đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế 100-150 người/năm, đào tạo nghề luật sư chất lượng cao 120-200 người/năm; đào tạo nghề công chứng 1.000 người/năm, trong đó đào tạo nghề công chứng chất lượng cao 100-150 người/năm; đào tạo nghề đấu giá 100 người/năm; đào tạo nghề thừa phát lại 100 người/năm.
Về chỉ tiêu bồi dưỡng: Bồi dưỡng cho luật sư 300 người/năm; bồi dưỡng cho công chứng viên 300 người/năm; bồi dưỡng cho công chức tư pháp-hộ tịch 200 người/năm; bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý cho các chức danh tư pháp, công chức, viên chức và theo nhu cầu xã hội 100-150 người/năm;…
Xây dựng và áp dụng 09 chương trình đào tạo mới
Đề án phấn đấu đến năm 2030, số hóa được 70% bài giảng và 100% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng và đưa vào áp dụng 09 chương trình đào tạo mới: Chương trình đào tạo thẩm tra viên thi hành án dân sự, chương trình đào tạo thư ký thi hành án dân sự, chương trình đào tạo đăng ký viên giao dịch bảo đảm, chương trình đào tạo trợ giúp viên pháp lý, chương trình đào tạo thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, chương trình đào tạo trọng tài viên thương mại, chương trình đào tạo hòa giải viên thương mại, chương trình đào tạo công chức tư pháp-hộ tịch, chương trình đào tạo quản tài viên.
Phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1156/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.”
Đến năm 2025, tổng quy mô của hai trường đạt khoảng 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh
Các mục tiêu cụ thể phát triển hai trường được xác định toàn diện trên các lĩnh vực và phân kỳ thành hai giai đoạn: 2022–2025 và 2026–2030.
Theo đó, về đào tạo, đến năm 2025, tổng quy mô của hai trường đạt khoảng 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Tăng quy mô đào tạo văn bằng hai, thạc sĩ, tiến sĩ 10%/năm; hai trường có một số chuyên ngành trọng điểm mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và quốc tế; tỉ lệ sinh viên/giảng viên không quá 25 sinh viên/01 giảng viên.
Đến năm 2030, tăng quy mô đào tạo của hai trường đạt khoảng 49.000, chú trọng tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; tỉ lệ sinh viên/giảng viên không quá 20 sinh viên/01 giảng viên; quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% quy mô tuyển sinh trong năm.
Công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới
Về nghiên cứu khoa học, đến năm 2025, phấn đấu có 100% giáo sư, phó giáo sư và 85% tiến sĩ của hai trường chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề tài, đề án khoa học và công nghệ các cấp; công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới; bình quân mỗi năm trong giai đoạn thực hiện 10-20 đề tài cấp quốc gia hoặc cấp bộ, cấp tỉnh, ít nhất 01-02 nghiên cứu hợp tác với các đối tác quốc tế, tổ chức 09 hội thảo quốc gia, quốc tế, xuất bản khoảng 20 sách chuyên khảo.
Đến năm 2030, bình quân mỗi năm công bố ít nhất 200 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và đạt tỉ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu mỗi năm công bố từ 0,3 bài báo quốc tế trở lên, có 12-25 đề tài khoa học cấp quốc gia hoặc cấp bộ, cấp tỉnh, 10 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài; có ít nhất 13 hội thảo quốc gia, quốc tế và 30 đầu sách mới/năm; số hóa tất cả các bài báo được công bố trên Tạp chí Luật học và Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam…
Đến năm 2025, tăng số lượng vụ việc tư vấn 15%/năm, trong đó, có 20-30% là miễn phí
Về phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng, đến năm 2025, tăng số lượng vụ việc tư vấn 15%/năm, trong đó, có 20-30% là miễn phí; số vụ, việc tư vấn cho khách hàng ở các lĩnh vực pháp luật đạt ít nhất là 500 vụ, việc/năm; số lượt giảng viên, sinh viên tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đạt 500 lượt/năm; tổ chức mỗi năm ít nhất 30-40 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau.
Đến năm 2030, số vụ, việc tư vấn đạt khoảng 600-700/năm, trong đó số vụ, việc miễn phí đạt khoảng 30-40%; tổ chức mỗi năm 40-60 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau.
Đến 2030, 40-45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25-30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư
Về nhân lực và tổ chức bộ máy, đến năm 2025, Trường Đại học Luật Hà Nội có đội ngũ giảng viên cơ hữu khoảng 450 người, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 350 người, trong đó, tối thiểu 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 20-30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 30% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ; ít nhất 70% lãnh đạo cấp phòng, 50% viên chức có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ; đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đông đảo, có chất lượng; tăng cường trao đổi giảng viên giữa các cơ sở đào tạo luật.
Đến năm 2030, mỗi trường có khoảng 600 giảng viên, trong đó 40-45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25-30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ; giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhiệm ít nhất 20% khối lượng giảng dạy; tăng cường trao đổi giảng viên với các cơ sở đào tạo luật ngoài nước; 90% lãnh đạo cấp phòng, 70% viên chức có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ; 100% viên chức có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong công việc.
Về hợp tác trong nước và quốc tế: đến năm 2025, hai trường đạt 80 thỏa thuận với các cơ sở đào tạo nước ngoài; 40 thỏa thuận hợp tác trong nước. Tăng số lượng chuyên gia nước ngoài đến làm việc, phấn đấu đạt 15 giảng viên nước ngoài/năm; có ít nhất 20 chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên/năm. Mỗi trường hằng năm chủ trì tổ chức ít nhất 01 cuộc thi phiên tòa tranh tụng quốc tế, tham gia ít nhất 03 cuộc thi tranh tụng giả định bằng tiếng Anh (ở cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế).
Đến năm 2030, hai trường đạt 150 thỏa thuận với các cơ sở đào tạo nước ngoài; 85-100 thỏa thuận hợp tác trong nước; phấn đấu đạt 30 giảng viên nước ngoài/năm; có ít nhất 30 chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên/năm. Mỗi trường hằng năm chủ trì tổ chức ít nhất 02 cuộc thi phiên tòa tranh tụng quốc tế, tham gia ít nhất 05 cuộc thi tranh tụng giả định bằng tiếng Anh (ở cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế).
Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại
Về cơ sở vật chất và công nghệ thông tin, đến năm 2025, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại tại Cơ sở 2 của Trường Đại học Luật Hà Nội tại TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất tại trụ sở chính ở Thủ đô Hà Nội và Phân hiệu của Trường tại tỉnh Đắk Lắk.
Tiếp tục triển khai dự án xây dựng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Long Phước, TP. Thủ Đức; dự án tại phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng cơ sở đào tạo của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; đổi mới cách dạy, cách học, quản trị và quản lý dựa trên công nghệ số; phát triển thư viện số hiện đại, tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử tiên tiến hàng đầu trên thế giới; hợp tác ít nhất ba thư viện các nước trong khu vực.
Đến năm 2030, 100% các văn bản chỉ đạo điều hành được trao đổi trên môi trường mạng; 60% giao tiếp của người học với Nhà trường thực hiện qua hệ thống công nghệ thông tin; 50% bài giảng của giảng viên được đưa lên hệ thống E-Learning; 100% viên chức, người học sử dụng thư điện tử trong công việc; 40% các cuộc họp tổ chức trực tuyến; 100% các đơn vị, phòng học được kết nối mạng LAN và wifi với băng thông cao ổn định; gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu, nhất là các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, các hoạt động khoa học và công nghệ, tiến tới tự chủ chi đầu tư.
Đề án cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Phê chuẩn Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 1165/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trương Hải Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai./.
Theo Báo điện tử Chính phủ