Hà Nội: Vun bồi truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

09:09, 27/07/2025

Là địa phương tập trung đông người có công và thân nhân sinh sống, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân gia đình chính sách, người có công, động viên người có công vươn lên trong cuộc sống qua đó vun bồi, thắp sáng thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Thiết thực chăm lo người có công

Những năm qua, bên cạnh việc chỉ đạo quận, huyện, thị xã thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các nghị định của Chính phủ về trợ cấp, phụ cấp cho đối tượng này, thành phố Hà Nội còn ban hành nhiều chính sách riêng có của Thủ đô để chăm lo đời sống người có công và thân nhân.

Cụ thể, năm 2022, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội đã trích ngân sách của Thành phố thực hiện 4 chính sách đặc thù để cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao mức sống cho người có công và thân nhân người có công. Chính sách đặc thù thứ nhất là chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng thuộc đối tượng điều dưỡng 2 năm/lần. Bắt đầu từ năm 2023, nếu trong năm người có công không thực hiện điều dưỡng theo chính sách Trung ương thì sẽ đi điều dưỡng theo chính sách đặc thù thành phố Hà Nội.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thăm, tặng quà người có công trên địa bàn thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thưong binh - Liệt sĩ.

Chính sách đặc thù thứ hai là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, còn được hỗ trợ khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người nên ai nấy đều phấn khởi. Chính sách thứ ba là, đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Thành phố, Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin Thành phố thì được hỗ trợ tiền ăn mức 3.000.000 đồng/người; chi khác phục vụ nuôi dưỡng (500.000 đồng/người/tháng.

Chính sách thứ tư là thành phố Hà Nội còn có hỗ trợ tiền mai táng phí khi người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ trần. Mức chi hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng từ trần.

Gần đây nhất, ngày 29/4/2025, tại Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 22), HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất thông qua quy định chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của thành phố Hà Nội. Theo đó, từ 1/7/2025, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của thành phố Hà Nội với mức hỗ trợ trợ cấp hằng tháng là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc ban hành những chính sách đặc thù, để thực hiện tốt công tác điều dưỡng người có công, thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công của Thành phố đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều dưỡng, chăm sóc người có công theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Các Trung tâm cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, lịch trình, chương trình cụ thể của từng đợt điều dưỡng đồng thời, xây dựng thực đơn, lịch trình điều dưỡng phù hợp với đặc điểm của các quận, huyện, thị xã và nhu cầu của đối tượng. Chất lượng các bữa ăn được cải thiện, cách trình bày và trang trí mâm cơm được chú trọng; phòng nghỉ được trang bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu, đảm bảo ngăn nắp, sạch sẽ.

Các đối tượng đến điều dưỡng đều được các Trung tâm kiểm tra sức khỏe ban đầu, chăm sóc, theo dõi, điều trị đối với các bệnh lý thông thường, lập chế độ ăn kiêng theo bệnh lý, cấp phát thuốc bổ, điều trị bằng thuốc đông y kết hợp vật lý trị liệu, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp…

Ông Trần Đức Hiệp, phường Long Biên - người có công đã điều dưỡng ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội bày tỏ: “Những ngày ở Trung tâm, chúng tôi được nhận chăm sóc tận tình của cán bộ, nhân viên nơi dây và cảm thấy rất ấm áp, thân tình như ở nhà mình. Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ. Chúng tôi được tham gia nhiều hoạt động bổ ích giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần nên ai nấy đều vui vẻ, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt. Chúng tôi rất ấm lòng, biết ơn sự quan tâm chăm lo của Thành phố”.

Đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”

Cùng với những chính sách cụ thể chăm lo người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được Thành phố đẩy mạnh. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, năm 2025, toàn Thành phố dự kiến vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 21.870 triệu đồng; tặng 1.102 Sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức sổ tiết kiệm thấp nhất 3 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 149 hộ gia đình người có công. Thành phố phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống tốt nhất.

Đón người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2, Hà Nội.

Hiện nay, các địa phương cơ bản đã triển khai xong việc chi trả quà của Chủ tịch nước và thành phố đến các đối tượng chính sách theo quy định bảo đảm kịp thời, chu đáo. Ngoài quà của Thành phố, các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đoàn thể đã có quà tặng đến đối tượng người có công của địa phương, cơ quan đơn vị quản lý. Cụ thể, tổng số 240.428 suất quà; số tiền trên 218,5 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa là 16.308 suất, kinh phí trên 7 tỷ đồng).

Trong đó, quà của Chủ tịch nước 109.683 suất, số tiền trên 33,4 tỷ đồng; quà của Thành phố 114.193 suất, số tiền trên 177,7 tỷ đồng; quà cấp cơ sở 16.552 suất, số tiền trên 7,4 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố với tổng kinh phí 2.237 tỷ đồng.

Ông Phạm Tuấn Thịnh, thân nhân liệt sĩ ở xã Sơn Đồng, Hà Nội chia sẻ: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành cho thương binh và người có công, thân nhân người có công sự quan tâm đặc biệt. Không chỉ trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, nhiều năm qua, gia đình tôi luôn được chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm ưu đãi về chế độ chính sách, được thăm hỏi, động viên cho đáo…”.

Chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công là hoạt động được Thành phố duy trì thường xuyên, liên tục xong vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các hoạt động này càng được đẩy mạnh hơn. Năm nay, với sự tham mưu của Nội vụ Hà Nội, từ đầu tháng 4/2025, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025).

Theo đó, các địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố cũng đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch của Thành phố, hướng đến mục tiêu tạo đợt cao điểm quan tâm, chăm lo tốt hơn đối với người có công, tô đẹp thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Hầu hết, các địa phương của thành phố Hà Nội đều tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà địa phương có truyền thống cách mạng; gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách…

 

Có thể nói, việc thực hiện chính sách đối với người có công, gia đình chính sách là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc một cách cụ thể, thiết thực. Thông qua các hoạt động này của Thành phố đã hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công có đời sống ổn định, có khả năng vươn lên mức sống cao và bền vững, động viên các gia đình chính sách, người có công có điều kiện tiếp tục phát huy truyền thống bản thân, gia đình, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của địa phương.