Chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Diễn đàn Chính sách và Thể lệ APT
Từ ngày 19-21/7/2021, Liên minh Viễn thông châu Á Thái Bình Dương (APT) tổ chức Diễn đàn Chính sách và Thể lệ của APT (PRF-21) theo hình thức trực tuyến. Bộ TT&TT được APT mời chủ trì Diễn đàn này. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã tham dự và có bài phát biểu tại phiên Diễn đàn Bộ trưởng về “Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số”.
Tham dự Diễn đàn có Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông châu Á Thái Bình Dương (APT) Masanori Kondo, các Bộ trưởng/Thứ trưởng phụ trách viễn thông và CNTT và đại biểu của 38 nước thành viên APT.
Diễn đàn Chính sách và Thể lệ (PRF) được tổ chức thường niên đóng vai trò là một nền tảng để các cán bộ quản lý trong lĩnh vực viễn thông và CNTT chia sẻ và trao đổi quan điểm, kinh nghiệm quản lý nhằm mục đích đạt được môi trường pháp lý hài hòa hơn trong khu vực. Diễn đàn cũng là nơi lãnh đạo cấp cao của các hãng công nghiệp nêu các vấn đề được quan tâm hoặc cần sự chú ý của các cơ quan quản lý viễn thông.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: "Covid-19 đã làm được một điều rất quan trọng đó là đưa ngành y tế và ngành công nghệ ngồi chung một “chiến tuyến”
Diễn đàn sẽ tập trung vào 5 trụ cột chiến lược gồm: Kết nối, đổi mới sáng tạo, Tin tưởng và an toàn, Hòa nhập và xây dựng năng lực, Hợp tác và đối tác. Trên cơ sở 5 trụ cột này, Diễn đàn năm nay sẽ có 4 phiên thảo luận với các nội dung cụ thể: Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số, Kết nối 5G, sự phát triển và hiện trạng của các OTT; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số.
Phiên thảo luận đầu tiên và quan trọng nhất của Diễn đàn trong ngày 19/7/2021 với chủ đề “Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số” do Tổng Thư ký APT chủ trì với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào, Quốc vụ khanh Bộ CNTT và Viễn thông Pakistan, Quốc vụ khanh Bộ Bưu chính và Viễn thông Lào, Chủ tịch Uỷ ban Thông tin và Truyền thông Mông Cổ.
Tại phiên thảo luận này, các lãnh đạo ngành viễn thông và CNTT các nước đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học rút ra được trong cuộc chiến chống covid-19, đặc biệt là việc sử dụng sức mạnh của CNTT, viễn thông, từ đó thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Từ những trải nghiệm đó, cùng thảo luận về những cơ hội, thách thức, tác động của tiến trình chuyển đổi số tại từng quốc gia.
Toàn cảnh Diễn đàn
Covid -19 đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, việc phải mất 10-20 năm nay hoàn thành trong 6 tháng, 1 năm
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam tại phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn với chủ đề “Đại dịch covid-19 và chuyển đổi số”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, “đại dịch Covid-19 mặc dù gây ra những tác động lớn chưa từng có đến mọi quốc gia cả về mặt kinh tế, xã hội, nhưng cũng mang lại những cơ hội, thậm chí là cơ hội trăm năm có một, đặc biệt đối với tiến trình chuyển đổi số (CĐS). Trong nghịch cảnh dịch bệnh, nhiều tiến trình lẽ ra phải mất 10-20 năm để hoàn thành thì nay chỉ cần đến 6 tháng – 1 năm. Chuyển đổi số giáo dục, y tế, phát triển thương mại điện tử là những tấm gương điển hình”.
Đối với Việt Nam, Covid-19 lần đầu tiên trong lịch sử đã làm được một điều rất quan trọng đó là đưa ngành y tế và ngành công nghệ ngồi chung một “chiến tuyến”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hàng loạt các ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác phòng dịch đã được phát triển do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và phổ biến rộng rãi trong xã hội. Đó là: Ứng dụng khai báo y tế điện tử như Viet Nam Health Declaration và NCOVI; Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone bằng công nghệ Bluethooth, giúp cơ quan chức năng truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca dương tính để kịp thời khoanh vùng, kiểm soát lây lan trong cộng đồng. Đó là hàng loạt các nền tảng phục vụ các nghiệp vụ quan trọng của ngành y tế như: Nền tảng quản lý cách ly y tế với ứng dụng các công nghệ như Camera AI, vòng tay định vị, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Và quan trọng hơn hết, toàn bộ dữ liệu của các hệ thống nêu trên đều được liên thông, đồng bộ về một kho dữ liệu chung để phục vụ cho các địa phương, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, nhà máy theo dõi, quản lý được số liệu trên địa bàn mình, cũng như phục vụ cho các tổ truy vết của từng địa phương giúp tìm kiếm, truy vết nhanh chóng các ca lây nhiễm.
Trong giai đoạn Covid, một nền tảng công nghệ rất quan trọng đã được phát triển đó là “Sổ sức khoẻ điện tử”. Giải pháp này được phát triển nhằm phục vụ mục tiêu cấp bách trước mắt là quản lý việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho gần 100 triệu người dân Việt Nam. Về lâu dài, đây chính là nền tảng cốt lõi, cùng với các ứng dụng khám chữa bệnh từ xa khác, giúp chuyển đổi số ngành y tế một cách căn bản, giúp hiện thực hoá nhanh chóng mục tiêu mỗi người dân có một y bạ điện tử - vốn được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào năm 2025 theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh./.
Theo/mic.gov.vn