Chơi đĩa “xịn”
Chuyện những người chơi âm thanh sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua chiếc đĩa mình yêu thích không còn lạ, nhưng có những người sở hữu bộ sưu tập phần mềm lên tới cả vài trăm triệu đồng thì không phải ai cũng biết!
Một khi đã trót say mê
Những người chơi audio thường có tâm lý vươn tới những đỉnh cao mới, bờ bến mới mẻ trong âm thanh, mà đa phần là không mấy khi có điểm dừng. Hầu hết những người đã mua những dàn máy chạm ngưỡng hi-end (đắt tiền) thì họ không tiếc tiền đầu tư vào đĩa xịn.
Phần cứng càng cao cấp (đầu phát, ampli, loa) thì phần mềm (đĩa nhạc) càng quan trọng. Một đĩa nhạc có chất lượng âm thanh tốt và một đĩa nhạc có chất lượng thấp hơn, khi đưa vào phát trên cùng một hệ thống cao cấp sẽ nhận ra sự khác biệt rất lớn.
Chính vì vậy những chiếc đĩa được bán trên thị trường với giá 30-50usd, hiện được dân chơi mua rất phổ biến. Nhưng đó là những đĩa gì?
Phải “giở đủ võ”, chúng tôi mới được anh Nguyễn Minh Xuân (Nguyễn Tuân, Hà Nội) đưa về nhà tham quan phòng máy (nhưng không được chụp ảnh). Anh Xuân chơi nhiều đồ khá “khủng”, trong đó nổi lên có Loa B&W 802D, bộ monoblock PassLabb XA-160, đầu đĩa Wadia 860 và rất nhiều ampli đèn, dây dợ đắt tiền khác… Đếm nhanh, hệ thống mà anh Xuân đầu tư cũng ngót nghét tới bạc tỉ.
Anh Xuân cho biết, bộ sưu tập đĩa của anh hiện lên tới cả chục nghìn USD, gồm nhiều thể loại nhạc. “Tôi đã chơi âm thanh hơn chục năm nay, thuở ban đầu bỏ ra 300.000đ mua 1 cái đĩa CD, tôi đã thấy hơi… xót ruột, nhưng càng bước chân vào thế giới âm thanh, tôi càng thấy như lạc vào mê cung, mua bao nhiêu cũng thấy thiếu”.
Những đĩa của anh Xuân phần nhiều là do nhờ người quen mua từ nước ngoài, một số mua từ các cửa hàng đĩa trong nam, ngoài bắc. “Hầu hết các đĩa nhạc nếu đã thích thì có thể mua được ngay, nhưng một số chương trình thì kể cả có sẵn tiền bạn cũng phải có duyên mới sở hữu được nó”, anh Xuân kể.
Chúng tôi liếc qua tủ đĩa nhà anh Xuân, những chương trình gối đầu giường của giới Audiophile hầu như đều có trong bộ sưu tập của anh, như The Absolute Sound, Super Sound, Audiophile Reference… và rất nhiều đĩa test, đĩa giao hưởng, vocal… Tất cả đều là đĩa bản quyền của các hãng ghi âm nổi tiếng thế giới như FIM, Stockfisch, Chesky…
“Nhưng những đĩa này chưa phải là khó kiếm”, anh Xuân nói, “đĩa khó kiếm chính là các chương trình nhạc trữ tình hải ngoại đã dừng sản xuất”. Anh Xuân lại có sở thích nhạc vàng. Nhìn bộ sưu tập của anh, người mê đĩa chắc hẳn không khỏi thèm muốn. Anh có đủ bộ Tuấn Vũ “đời đầu”, Phương Dung, Chế Linh, Giao Linh… Mỗi chiếc đĩa gắn liền với một câu chuyện trong bước đường khám phá thế giới audio ảo ảo thực thực mà anh Xuân đã trải qua. Những chương trình hải ngoại xuất bản lần đầu trước kia, do nay không còn sản xuất hoặc chỉ còn chương trình tái bản, nên giá của chúng được dân chơi định đoạt lên gấp hàng trăm lần giá trị ban đầu. Một chiếc đĩa “Hoa biển” của Tuấn Vũ, dân chơi sẵn sàng bỏ ra từ 7 tới 10 triệu để được sở hữu, miễn sao đó là đĩa “xịn”.
Tại sao đĩa đắt đến thế?
Không kể những chiếc đĩa nhạc xưa, có giá trị sưu tầm (giá trị của chúng rất khó định đoạt), thì những chiếc đĩa cao cấp đời mới cũng bao hàm trong nó cả một ngành công nghiệp âm thanh, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất mà loài người có được hiện nay.
Một hệ thống âm thanh chỉ có thể phát huy tối đa khả năng của chúng nếu như sử dụng đĩa nhạc chất lượng cao. Do vậy cùng với các hãng chế tạo thiết bị âm thanh lừng danh thế giới (B&W, Marantz, Accuphase, MC Intosh….) thì các hãng thu âm cũng ngày đêm nghiên cứu để đưa ra được những chiếc đĩa tốt nhất.
Kể đến các hãng sản xuất đĩa, phải nhắc tới Stockfisch, FIM, Sony Music Entertainment, EMI, BMG, Grammophon, Real Music, Chesky Record, Prestige, Telarc… Mỗi hãng lại có một “sở trường” trong từng thể loại nhạc khác nhau, ví dụ Stockfisch thì chuyên thu thanh các đĩa vocal (giọng hát), còn Chesky thì chuyên xuất ra thị trường những đĩa jazz rất tuyệt.
Tìm hiểu sâu về đĩa, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những công nghệ chế tạo mà những hãng đĩa áp dụng vào sản phẩm của mình. Các công nghệ phổ biến hiện nay gồm có HDCD (High Definition Compatible Digital), XrCD (Extended Resolution CD) hay SACD (Super Audio CD)… Trong số những công nghệ này, XrCD do JVC phát triển (và hiện đã bán bản quyền cho hãng đĩa FIM) được dân audiophile khắp nơi yêu thích hơn cả. Công nghệ XrCD đưa ra những đĩa nhạc chất với chất lượng đĩa và chất lượng âm thanh cực cao. Bởi vậy đĩa XrCD luôn có giá đắt nhất nhưng cũng được dân chơi tìm mua nhiều nhất.
Câu chuyện chơi đĩa chỉ là một lát cắt nhỏ trong thế giới audio mênh mông rộng lớn!
Văn Khách