Chơi hàng hiệu nhái
Trào lưu sử dụng điện thoại nhái hàng hiệu cao cấp hiện đang phát triển. Người mua mặc dù biết rõ giá trị thật của chiếc máy mình đang sử dụng, nhưng họ vẫn không ngần ngại bỏ ra vài ba triệu đồng để rước về chiếc máy “không đụng hàng”.
Nhộn nhịp thị trường điện thoại nhái
Dạo một vòng quanh các các cửa hàng điện thoại ở phố Đặng Dung, con phố nổi tiếng Hà Nội về buôn bán điện thoại, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự sầm uất ở đây. Cả dãy phố gồm các cửa hàng điện thoại, cầm đồ mọc lên san sát. Mỗi cửa hàng có vài tủ bày bán thập cẩm hàng trăm chiếc điện thoại các loại, “thượng vàng hạ cám”, từ hàng cao cấp có giá cả nghìn USD đến những chiếc điện thoại lỗi mốt, có giá chỉ 1-200 nghìn đồng.
Ở các cửa hàng điện thoại, không khó để nhận ra những sản phẩm nhái các thương hiệu cao cấp như Vertu, Mobiado. Người bán hàng cũng không ngần ngại nói về xuất xứ sản phẩm mình đang bày trong tủ.
Tuấn, một chủ cửa hàng điện thoại ở đây cho biết: Hiện loại hàng Vertu “Hongkong” đang bán khá chạy, có nhiều người hỏi mua. Cửa hàng anh trung bình một tuần cũng bán được vài chiếc. Có thời điểm hàng không kịp về, không có để bán cho khách. “Khách mua hàng có cả dân chơi ở Hà Nội, có dân chơi và cả thợ ở các tỉnh lân cận về đây “luộc” máy. Nói chung là rất đa dạng”, Tuấn nói.
Những chiếc Vertu nhái được bày ở vị trí khá bắt mắt. Tuấn cho biết, những chiếc máy này được làm rất tinh xảo, có cả hộp da, hướng dẫn sử dụng tiếng Việt, phụ kiện… đầy đủ như Vertu chính hãng. Và giá bán một chiếc khoảng trên 3 triệu đồng. Hàng bán ra có bảo hành từ 6 tháng tới một năm. Ngoài những mẫu máy cao cấp, ở đây cũng bán rất nhiều hàng nhái từ nguyên bản các mẫu máy của Nokia, Sony Ericsson … Tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trên phố Triệu Việt Vương, dân trong nghề đều biết có một “chợ” điện thoại nhỏ nằm tại một quán café giữa phố. Hàng sáng, thợ máy từ nhiều nơi tập trung về đây buôn bán, trao đổi, trong đó các mẫu máy nhái cao cấp của Vertu, Mobiado được tiêu thụ khá nhiều.
Những mẫu hàng nhái rẻ tiền chỉ thoáng trông là phát hiện ra ngay sự khác biệt, nhưng những mẫu máy nhái cao cấp thì với người chưa từng tiếp xúc với máy xịn thì thật quá khó để phân biệt.
Anh Đức, chủ một hiệu điện thoại di động có tiếng tại Hà Nội, cho biết, giá nhập vào của những điện thoại "nhái" nói trên khá thấp. Khi về tới cửa hàng, thì cửa hàng “nhìn mặt khách mà bán”, có khi tăng gấp đôi so với giá nhập vào.
Anh Đức cho biết, dù điện thoại nhái có lợi nhuận khá cao, tuy nhiên tỉ lệ máy phải bảo hành là rất lớn. Vì vậy kinh doanh mặt hàng này cũng đầy rủi ro.
Ai chơi hàng hiệu nhái?
Quân, một công chức ở Hải Phòng, thường xuyên lên Hà Nội mua điện thoại. Ngoài mua cho mình, Quân còn mua giúp các bạn bè anh em trong cơ quan. Mặt hàng giới công chức nơi Quân công tác ưa thích là Vertu Hongkong. Quân cho biết, sở dĩ họ thích là vì máy rất đẹp, giá tiền cũng vừa phải. Đôi lúc cầm đi làm, đi gặp đối tác, cũng “lòe” được người ta.
Điện thoại Vertu chính hãng được chế tác thủ công bởi các vật liệu siêu cao cấp và đắt tiền, là biểu tượng của thời trang công nghệ... Đơn cử như dòng Signature có sáu model, hai trong số đó được làm bằng vàng và vàng trắng 18K, số còn lại dùng chất liệu bạch kim. Riêng dòng Ascent, vỏ là một dạng thép kim loại lỏng (Liquidmetal) vốn được dùng chế tạo các thiết bị trong ngành vũ trụ hàng không….
Văn Khách