Chọn mua HDTV: Plasma hay LCD?

00:00, 17/12/2010

Sẽ có nhiều băn khoăn xuất hiện khi bạn tìm mua HDTV. Chỉ có một điều chắc chắn là đừng mua một chiếc TV mới mà thông tin cho thấy nó đã lỗi thời so với công nghệ hiện tại. Thực tế, cuộc chiến giữa hai công nghệ hiển thị đang diễn ra trên nhiều yếu tố: từ tốc độ làm tươi cho đến thời gian đáp ứng.

Màu đen, độ sáng, và đèn nền LED

HDTV plasma TC-P42G25 42-inch của Panasonic.
Theo truyền thống, màn hình plasma có thể tạo ra độ tương phản cao hơn, nghĩa là màu đen của chúng đen hơn và mà trắng thì trắng hơn so với những người anh em LCD. Điểm này rất quan trọng với những người đam mê TV và phim, vì bạn sẽ khó theo dõi do quá nhiều cảnh mờ như khi xem chương trình thể thao Monday Night Football.

Dù vậy, về mặt lý thuyết đó không phải là vấn đề, do mắt người có nhiều tế bào cảm quang hơn số tế bào cảm màu, chúng ta thu nhận hình ảnh với tỷ lệ tương phản cao hơn nên loại TV gì thì cũng không phải là vấn đề.

Trước đây, lý do plasma có thể đạt được màu đen hơn là vì chúng có thể điều khiển tốt hơn cách và nơi hiển thị ánh sáng so với đối thủ LCD – là loại sử dụng đèn nền CCFL (đèn huỳnh quang cathode lạnh) phía sau lớp LCD để chiếu sáng màn hình và có thể không chặn được hoàn toàn ánh sáng xuất ra khi hiển thị cảnh màu đen. Điều đó đã thay đổi khi xuất hiện TV LCD đèn nền LED

TV LCD đèn nền LED đã tạo ra một mảng lớn trong thị trường HDTV trong hai năm qua. Các TV LCD đèn nền LED có nhiều lợi thế hơn so với LCD đèn CCFL: Chúng mỏng hơn, tiêu thụ ít điện năng hơn, và tỏa nhiệt ít hơn.

Tuy nhiên, đối với màu sắc của phim, tính năng quan trọng nhất là làm tối cục bộ (local dimming). Công nghệ này cho phép TV chọn lọc bật/tắt các bóng đèn LED. Khi LCD đèn nền LED hiển thị một cảnh tối, nó có thể tắt ánh sáng ở những phần tối của hình ảnh trong khi vẫn duy trì ánh sáng ở những phần khác, tạo ra màu đen sâu hơn và độ tương phản tốt hơn.

Dĩ nhiên, màn hình tốt thế nào còn tùy thuộc vào nhiều thứ trong phòng bạn xem. Thường thì plasma xem tốt hơn trong những phòng tối đen như mực, vì bản chất của màn hình công nghệ plasma đòi hỏi phải có một màn hình thủy tinh, do vậy phản chiếu nhiều ánh sáng hơn so với màn hình LCD mờ. Điều đó làm cho plasma thích hợp hơn với người người đam mê rạp hát tại gia, nhưng không hẳn là thích hợp cho mọi đối tượng xem TV trong một phòng chỉ có ánh sáng tự nhiên hoặc có cả ánh sáng đèn.

HDTV đèn nền LED LC-52LE820UN của Sharp.
Thế nhưng, giờ đây LCD đèn nền LED cũng sử dụng tấm nền thủy tinh kết hợp với một lớp phủ bóng, khiến cho chúng khó xem trong phòng sáng như những chiếc TV plasma. Trong khi đó, các nhà sản xuất TV plasma tiếp tục cải thiện khả năng khử phản xạ trên các tấm nền thuỷ tinh của họ. Và như vậy, về mặt này chúng ta khó có thể phân biệt rạch ròi ưu nhược điểm giữa hai công nghệ TV.

PC World Mỹ đã tiến hành thử nghiệm TV trong một căn phòng thiếu sáng, và thấy rằng Sharp LC-52LE820UN đèn nền LED phản chiếu khá khó chịu, trong khi cả 3 TV palasma được thử nghiệm cùng lúc (gồm: Panasonic TC-P42G25, TC-P46G25, và LG 50PK950) xem đẹp hơn.

Kết luận: Những người ghiền plasma có lẽ vẫn tin rằng TV của họ có công nghệ cao hơn, và các fan của LCD có lẽ chào đón LED như là một vị cứu tinh của họ. Dù vậy, nếu bỏ qua màu đen, điều kiện xem, và độ tương phản, chúng ta không thấy sự khác biệt đáng kể giữa hai loại màn hình mà chỉ có sự khác biệt giữa các model riêng biệt.

Plasma và vấn đề cháy hình

HDTV LG 50PK950 50-inch.
Các TV plasma trước đây có vấn đề với "burn-in" – cháy hình. Những nơi TV liên tục hiển thị một ảnh tĩnh sẽ tạo ra vệt mờ của hình ảnh này sau khi màn hình đã chuyển sang hiển thị một cảnh khác. Hiệu ứng xuất hiện vì phốt-pho ở phần này của màn hình bị đốt nóng trong những khoảng thời gian dài dẫn đến mất khả năng phát sáng, tạo ra vệt mờ.

Thực ra, burn-in vẫn có thể tồn tại trong những TV plasma đời mới. Tuy nhiên, những TV plasma hiện nay sử dụng ít năng lượng hơn so với thời kỳ đầu mới được đưa ra thị trường. Nghĩa là phốt-pho khó bị quá nóng như trước dẫn tới hiện tượng burn-in, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng chế độ xem ở nhà (Home) thay vì chế độ xem ở cửa hàng trưng bày (Store).

Thậm chí những model trưng bày trong cửa hàng, thường hiển thị cùng một hình ảnh trong cùng khoảng thời gian với chế độ hiển thị Store có độ sáng cao, phần lớn không bị burn-in. Nhưng để an toàn và tiết kiệm điện bạn nên tắt TV khi không sử dụng. Các qui định bảo hành của nhà sản xuất thường không bao gồm vấn đề burn-in.

Kết luận: Burn-in không còn là vấn đề lớn như trước đây, nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Tốt nhất là hãy tắt TV plasma của bạn mỗi khi xem xong. Hoặc nếu không hãy mua một TV LCD, bạn sẽ không còn phải lo ngại về vấn đề này nữa.

Chuyển động mờ và tốc độ làm tươi

“TV Plasma xử lý chuyển động tốt hơn so với LCD” - Bạn có lẽ thường xuyên nghe thấy điều này. Nhưng xử lý chuyển động nghĩa là gì?

TV LCD trước đây thường có vấn đề khi gặp những cảnh chuyển động nhanh, như trong các cuộc thi đấu thể thao đỉnh cao. Chúng có thể để lại những vệt mờ đối với những hình ảnh chuyển động nhanh. Có hai yếu tố chính tác động tới ảnh hưởng này là thời gian để các điểm ảnh đổi màu (thường gọi là thời gian đáp ứng - response time) và thời lượng TV làm mới hình ảnh trong một giây (tần số quét, hay thường gọi là tốc độ làm tươi - refresh rate). Nếu thời gian đáp ứng không đủ nhanh, TV không thể nhanh chóng thay đổi màu để bắt kịp hành động trên màn hình.

Tuy nhiên tần số quét rắc rối hơn tý chút (xem thêm bài LCD HDTV thể hiện cảnh chuyển động nhanh như thế nào?). Có thể nói rằng, các TV LCD hiện tại không thực sự có vấn đề về chuyển động mờ nữa. Nhiều công nghệ xử lý đang được các nhà sản xuất áp dụng để loại trừ hiện tượng này.

Một điều nữa là tăng tần số quét sẽ giúp hình ảnh hiển thị mượt hơn. Nếu bạn xem cùng cảnh quay trên hai TV LCD và plasma để cạnh nhau, mọi thứ trên TV LCD nhìn có vẻ lướt hình, còn hình ảnh trên plasma trông sống động.

Dù hiệu ứng lướt trông tốt hơn hay xấu hơn so với chuyển động trên TV plasma, thì vấn đề còn phụ thuộc vào sở thích cá nhân. Những người chuyên xem phim có lẽ không thích nó (một số người gọi đó là hiệu ứng TV, vì không giống điện ảnh), vì như vậy không thể hiện đúng như nguồn phát. Mặt khác, những người xem TV thông thường có lẽ nên trang bị LCD 240Hz.

Kết luận: Chuyển động mờ thực sự không còn là vấn đề nữa. Dù vậy, nhiều công nghệ được áp dụng để khắc phục vệt mờ chuyển động trên TV LCD có thể dẫn đến một vài hình ảnh khác thường. Và nếu bạn không thích kiểu hiển thị mượt quá mức của TV LCD tần số 120Hz hay 240Hz, hãy chọn plasma.

Plasma 3D so với LCD 3D

Cho dù là HDTV LCD hay plasma, bạn vẫn cần dùng kính 3D để xem TV 3D.
Cho dù là LCD hay plasma, bạn cũng cần dùng kính 3D màn trập động để xem TV 3D. Những chiếc kính này nhận tín hiệu từ TV và hiểu được phải luân phiên làm mờ những thấu kính trái và thấu kính phải, trong khi TV nhanh chóng hiện xen kẽ hai cảnh có góc ghi hình lệch nhau không đáng kể. Sự sắp đặt này khiến mắt bạn nhìn thấy hai hình ảnh khác nhau, tạo nên hình ảnh 3D.

Do kính làm mờ hình ảnh đáng kể, và vì TV thay thế nhanh chóng hai hình ảnh có góc ghi hình lệch nhau, bạn sẽ cần một TV tươi sắc và đáp ứng nhanh. Nếu không, hình ảnh sẽ tối, và bạn sẽ thấy “bóng ma” trên hình ảnh 3D bởi vì mắt trái và mắt phải của bạn không thấy các hình ảnh khác nhau tới mức đủ để tạo thành hiệu ứng 3D.

Như bạn có thể đoán, thế mạnh thuộc về plasma, đó là vì sao TV có giá phải chăng như Panasonic TC-P42GT25 có chất lượng tương đương với Sony Bravia 40HX800 mặc dù giá của Sony gần như gấp đôi. Để hiển thị hình ảnh 3D chất lượng cao trên một TV LCD, bạn cần những tính năng cao cấp hơn, như loại đèn LED chiếu hậu và tần số quét 240Hz, trong khi một TV plasma thông dụng vẫn có thể đem lại hình ảnh 3D ấn tượng.

Kết luận: Cả hai công nghệ đều có thể tạo nên hình ảnh 3D ấn tượng, nhưng plasma không phải làm việc quá vất vả cho nó. Nếu bạn muốn TV 3D giá rẻ, nên chọn plasma.

Các yếu tố khác: Giá, góc nhìn, tiêu thụ điện năng

LG có TV 3D plasma 50-inch giá dưới 1000 USD.
LG có TV plasma 3D 50-inch giá dưới 1.000 USD. Một vài điều đã thay đổi giữa plasma và LCD. Plasma vẫn tiêu tốn điện năng nhiều hơn so với LCD. Trong thử nghiệm của PC World Mỹ, các TV plasma của LG và Panasonic sử dụng gấp từ hai đến ba lần điện năng so với hầu hết các model LCD được thử nghiệm, thậm chí cả với những LCD thuộc những nhóm kích thước lớn.

Nhìn chung LCD chiếm ưu thế về tiết kiệm điện năng, tuy vậy TV LCD Mitsubishi Unisen LT46265 sử dụng chỉ ít hơn khoảng 8% điện năng so với TV plassma Panasonic TC-P46G25 có cùng kích thước.

Plasmas vẫn rẻ hơn. Một màn hình plasma của các nhà sản xuất lớn như LG, Panasonic, hay Samsung, thường có giá thấp hơn tới 1.000 USD so với TV LCD có cùng kích thước. Và mặc dù TV LCD ngày nay đều có góc nhìn tốt, thì plasma vẫn vượt trội hơn ở mặt này.

Mua một chiếc TV vừa đáp ứng nhu cầu lại phù hợp với túi tiền của bạn quả là không dễ dàng. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết 10 điều bạn cần biết trước khi mua HDTV để có được quyết định sáng suốt cho riêng mình khi mua HDTV.

ST (Theo PC World VN)