Chống thất thu thuế: Cần sự liên thông, chia sẻ dữ liệu

13:48, 22/05/2024

Trong quý I/2024, sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng tới gần 79%. Vì vậy, ngành Thuế xác định, để thương mại điện tử hoạt động lành mạnh, minh bạch và chống thất thu thuế rất cần sự liên thông chia sẻ dữ liệu nhiều hơn nữa giữa các bộ, ngành…

Kết nối dữ liệu chống thất thu thuế trong thương mại điện tử. Ảnh: TTXVN

Những mục tiêu được đặt ra trong Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ có chỉ rõ, người bán hàng online phải công khai doanh thu, kê khai và nộp thuế. Chỉ thị cũng nêu sẽ có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn, trong đó có kết nối, chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan quản lý để không "bỏ lọt" các khoản thuế phải thu đối với thương mại điện tử…

Tại Hà Nội, cán bộ thuế làm việc với từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử để đôn đốc, hướng dẫn việc đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Với đặc thù đối tượng quản lý thuế trên địa bàn tập trung nhiều hộ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh online..., Cục Thuế Hà Nội đã lựa chọn quận Hoàn Kiếm làm địa bàn thí điểm trong quản lý thuế thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn, Cục Thuế đang triển khai thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

"Trên cơ sở triển khai thí điểm quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm. Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ xây dựng Đề án, báo cáo với UBND Thành phố chỉ đạo đến các sở, ngành, quận huyện, thị xã phối hợp với cơ quan Thuế để quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn một cách hiệu quả, công khai, minh bạch", ông Trường nói.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, với những lợi thế của quận trung tâm, môi trường kinh doanh năng động và đặc biệt là đơn vị đầu tiên của Thành phố thành triển khai các tuyến phố không tiền mặt, định hướng sẽ trở thành quận không tiền mặt vào năm 2025, những điều kiện trên sẽ thúc đẩy xu thế thương mại điện tử tại quận phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quản lý hoạt động thương mại điện tử rất được quan tâm. Tính riêng trong 2 năm qua, nếu như năm 2022, quản lý thuế và kê khai 408 đối tượng, với số thu 6,595 tỷ đồng thì năm 2023 đã quản lý thuế, kê khai 523 đối tượng, với số thu gần 22 tỷ đồng.

Để tăng cường công tác quản lý thuế thương mại điện tử, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Trường cũng cho biết, Cục Thuế thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế, đăng ký thuế và nộp thuế thông qua Thư ngỏ, trên trang web, trên zalo của cục thuế, thậm trí tuyên truyền trên các sàn thương mại điện tử, qua đó giúp cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với chính sách thuế nhanh hơn, kịp thời hơn.

Ngành Thuế xác định, để thương mại điện tử hoạt động lành mạnh, minh bạch và chống thất thu thuế rất cần sự liên thông chia sẻ dữ liệu nhiều hơn nữa giữa các bộ ngành. Đồng thời phải xây dựng được một mô hình quản lý chung cho toàn quốc với sự tham gia tích cực của chính quyền các tỉnh và các ban ngành có liên quan.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, xây dựng trang cơ sở dữ liệu thương mại điện tử nhằm khai thác thông tin định danh của người nộp thuế.

Đồng thời đẩy mạnh các phương thức tuyên truyền, hỗ trợ điện tử, kê khai, nộp thuế điện tử, hướng tới mở các cơ quan thuế quản lý thuế ảo, phòng hỗ trợ thuế ảo trên các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tối đa theo phương thức điện tử.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ 

(https://thanglong.chinhphu.vn/chong-that-thu-thue-can-su-lien-thong-chia-se-du-lieu-103240522104029803.htm)