Chủ tịch CMC tư vấn cho thủ tướng về xây dựng chính phủ điện tử
Ngày 12/2/2020, Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và kết nối trực tuyến đến các tỉnh.
Theo cáo cáo của Bộ TT&TT, hiện đã có 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm và đặt câu hỏi "Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không?".
Nguyên nhân chính của sự chuyển biến cơ bản này là do Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước khẳng định văn bản điện tử đã ký số gửi nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay thế cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước đang quyết liệt chung tay chống dịch Corona. Nếu chúng ta làm Chính phủ điện tử tốt cũng là góp phần phòng, chống virus Corona vì có nhiều người sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, Thủ tướng đặt câu hỏi "Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không? Các bộ ngành địa phương đã vào cuộc hay chưa?". Đây là vấn đề rất lớn để xây dựng Chính phủ điện tử thành công và Chính phủ cũng xác định việc xây dựng Chính phủ điện tử không thể làm một lúc là xong mà phải thực hiện trong nhiều giai đoạn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tham gia nền kinh tế số, thúc đẩy các giao dịch điện tử. Chúng ta đang phát triển tốt, nhưng không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ điện tử sẽ tăng cường tính minh bạch và chống tham nhũng, lấy người dân làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu người dân không dùng các dịch vụ công thì Chính phủ điện tử không thành công.
"Chính phủ đã chuyển chức năng điều phối xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT. Bộ TT&TT quản lý rất nhiều tập đoàn công nghệ mạnh và sẽ điều phối tốt để xây dựng Chính phủ điện tử. Cùng với vai trò của Bộ TT&TT, vai trò của Sở TT&TT cũng rất quan trọng và phải tư vấn tốt cho các địa phương để xây dựng Chính phủ điện tử", Thủ tướng nói.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Công ty CP Tập đoàn công nghệ CMC với vai trò Thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã trình bày báo cáo đánh giá độc lập về Chính phủ điện tử Việt Nam, tham khảo từ các tổ chức quốc tế như UN, World Bank, USAID… đồng thời đề xuất một số sáng kiến trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam hiện đang đứng thứ 88/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, và đứng thứ 6/11 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tại khu vực ASEAN.
Theo ông Chính, việc xây dựng chính phủ điện tử, quản trị công, chính phủ số lấy người dân làm trung tâm là 1 quá trình lâu dài và tập trung, chính vì vậy ông Chính đã đưa ra một số đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình xây dựng CPĐT, bao gồm: cải tiến song song quản trị công và công nghệ, đẩy mạnh áp dụng hình thức PPP, hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá về CPĐT, xây dựng và khai trương cổng dữ liệu mở quốc gia…
PV