Chú trọng tài sản trí tuệ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các nhóm khởi nghiệp mới chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ...
Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HG
Ngày 18/10, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức Hội nghị "Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN về sở hữu trí tuệ".
Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ "Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" thuộc Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho biết, trên thế giới hiện nay 90% doanh nghiệp phát triển được quyết định bằng tài sản trí tuệ, cụ thể hơn là các quyền sở hữu trí tuệ.
Nếu muốn gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KHCN thì con đường ngắn nhất là chú trọng phát triển tài sản trí tuệ. Có 3 dạng tài sản có giá trị nhất nhất với doanh nghiệp là cơ sở dữ liệu khách hàng, công nghệ số, thông tin nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ông Tạ Quang Minh dẫn một nghiên cứu chung năm 2021 của Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) cho thấy, các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ. Đối với doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ, kết quả kinh doanh tăng 36% đối với sáng chế 21% đối với nhãn hiệu, 32% đối với kiểu dáng công nghiệp.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã chia sẻ về thực trạng và nhu cầu tư vấn pháp lý về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN, trường đại học, viện nghiên cứu.
Thực tế hiện nay cho thấy, đa số các doanh nghiệp Việt chưa chưa chú trọng việc sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp.
Đặc biệt đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KHCN chưa nắm bắt được các giải pháp, đánh giá được công nghệ, thế mạnh để tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, chưa biết sử dụng công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (IPPlatform, IPVietnam...).
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã chia sẻ về vai trò của sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KHCN; đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị về việc sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng như giới thiệu công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo baochinhphu.vn