Chứng khoán Mỹ “đỏ rực” phiên đầu tháng, giá dầu lao dốc 5%
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo và một vài số liệu kinh tế ảm đạm làm dấy lên mối lo về sức khỏe của nền kinh tế...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (3/9) khi cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo và một vài số liệu kinh tế ảm đạm làm dấy lên mối lo về sức khỏe của nền kinh tế. Giá dầu sụt xuống mức thấp nhất 9 tháng, xóa sạch thành quả tăng của năm nay do triển vọng bất lợi về nhu cầu tiêu thụ năng lượng và khả năng Libya đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn xử lý tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 626,15 điểm, tương đương giảm 1,51%, còn 40.936,93 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 2,12%, còn 5.528,93 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 3,26%, còn 17.136,3 điểm.
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ phiên bán tháo toàn cầu vào hôm 5/8. Hôm thứ Hai tuần này, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ Lễ Lao động (Labor Day).
Bộ phận yếu nhất của thị trường trong phiên này là cổ phiếu chip, với cú giảm 9,5% ghi nhận ở cổ phiếu Nvidia. Những cái tên như Micron, KLA, AMD cũng đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.
Với cú giảm này, Nvidia mất 279 tỷ USD vốn hóa thị trường. Theo hãng tin Reuters, chưa khi nào một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến vốn hóa giảm mạnh đến như vậy trong một phiên giao dịch. Điều này cho thấy niềm lạc quan của nhà đầu tư về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giảm sút trong bối cảnh mối lo kinh tế nổi lên. Tuần trước, Nvidia công bố kết quả kinh doanh quý 2 vượt kỳ vọng, nhưng dự báo của công ty về kết quả kinh doanh quý tới đã khiến thị trường thất vọng.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, bao gồm cổ phiếu chip, là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của nhóm kể từ tháng 9/2022.
Thị trường đã mất điểm ngay khi vừa mở cửa, sau khi hai báo cáo về ngành sản xuất của Mỹ cho thấy những dấu hiệu suy yếu. Chỉ số ngành sản xuất Mỹ của S&P Global cho thấy hoạt động trong tháng 8 suy giảm so với tháng 7. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) không đạt mức mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Những dữ liệu này khiến nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall lo lắng về sức khỏe nền kinh tế Mỹ - cũng chính là mối lo đã khiến thị trường bán tháo vào đầu tháng này.
“Thị trường bây giờ có vẻ rất đỗi nhạy cảm với bất kỳ số liệu kinh tế nào. Chúng ta đã trở thành một thị trường có mức độ phụ thuộc lớn vào dữ liệu”, trưởng chiến lược kỹ thuật của công ty Blue Chip Trend Report, ông Larry Tentarelli, nhận định với hãng tin CNBC.
Trước phiên giảm này, chứng khoán Mỹ đã trải qua một tháng 8 đầy biến động do bị chi phối bởi các yếu tố gồm nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ, việc giới đầu tư rút khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 đã trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết. Có thời điểm, S&P 500 giảm 8% trong tháng 8, nhưng cuối cùng vẫn chốt tháng với thành quả tăng.
Tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết tháng 9 cũng là một tháng thường không thuận lợi đối với chứng khoán Mỹ: trong 10 năm trở lại đây, tính trung bình, tháng 9 luôn là tháng tệ nhất của thị trường.
“Nhà đầu tư đang đặt câu hỏi liệu nền kinh tế có đang rơi vào một cuộc suy thoái nhanh hơn so với những gì chúng ta tưởng, hay liệu Fed có kiểm soát được chuyện này bằng việc giảm lãi suất trong thời gian tới”, nhà quản lý danh mục cấp cao Robert Pavlik của công ty Dakota Wealth nói với Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,77 USD/thùng, tương đương giảm 4,9%, còn 73,75 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,21 USD/thùng, tương đương giảm 4,4%, còn 70,34 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 12 năm ngoái, đồng nghĩa toàn bộ thành quả tăng của giá dầu trong năm nay đã bị xóa sạch.
Ngoài mối lo về sức khỏe kinh tế Mỹ - nền kinh tế tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ tin tức về Libya.
Sau các cuộc đàm phán do Liên hiệp quốc đứng ra làm trung gian, cơ quan lập pháp của Libya đã nhất trí bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày. Diễn biến này có thể dẫn tới phá vỡ thế bế tắc chính trị ở Libya - nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của nước này ngưng trệ một phần trong thời gian gần đây.
Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cho biết sản lượng dầu của công ty đã giảm còn khoảng 591.000 thùng vào ngày 28/8, từ mức gần 959.000 thùng vào hôm 26/8. Trước đó, nước này đạt sản lượng dầu khoảng 1,28 triệu thùng/ngày vào hôm 20/7.
Mối lo về sức khỏe kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, tiếp tục là nguồn áp lực giảm đối với giá dầu. Các báo cáo kinh tế công bố gần đây cho thấy chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc yếu hơn dự báo và lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 7 giảm lần đầu tiên trong tháng 8.
Theo nhà phân tích Fawad Razaqzada của công ty Forex nói rằng hy vọng về việc mùa lái xe cao điểm ở Mỹ trong những tháng hè năm nay sẽ giúp đẩy giá dầu tăng đã không trở thành hiện thực. Giá xăng giao sau tại Mỹ giảm gần 6% trong phiên ngày thứ Ba, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, trong bối cảnh mùa lái xe cao điểm ở nước này đã kết thúc khi mùa thu đến gần.
“Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc, châu Âu hay Bắc Mỹ đều không tăng tốc. Thị trường dầu không hề thắt chặt như dự báo cách đây mấy tháng”, ông Razaqzada nói.