Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước giờ Chủ tịch Fed “lên sóng”, giá dầu hồi phục

09:43, 23/08/2024

Ngày thứ Sáu, ông Powell sẽ có bài phát biểu được chờ đợi từ khu nghỉ dưỡng Jackson Hole thuộc bang Wyoming, trong khuôn khổ hội nghị ngân hàng trung ương mà Fed tổ chức hàng năm...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/8), khi nhà đầu chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở Jackson Hole. Giá dầu thô tăng trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp, nhờ kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,89%, còn 5.570,64 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 177,71 điểm, tương đương giảm 0,43%, còn 40.712,78 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,67%, còn 17.619,35 điểm.

Trước phiên giảm này, thị trường đã trải qua một giai đoạn hồi phục ấn tượng sau phiên bán tháo lịch sử hôm 5/8. Có thời điểm trong phiên này, cả ba chỉ số cùng “xanh” và S&P 500 chỉ còn cách một quãng ngắn so với mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào tháng 7. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng đảo chiều và kết thúc phiên trong sắc đỏ.

Nhà đầu tư cảm nhận rõ áp lực bán cổ phiếu đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng gần 9 điểm cơ bản, lên 3,863%.

Bị bán mạnh nhất là cổ phiếu công nghệ, khiến nhóm này ghi nhận mức giảm 2% và trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500.

Ngày thứ Sáu, ông Powell sẽ có bài phát biểu được chờ đợi từ khu nghỉ dưỡng Jackson Hole thuộc bang Wyoming, trong khuôn khổ hội nghị ngân hàng trung ương mà Fed tổ chức hàng năm. Sự kiện này có sự tham gia của giới chức Fed và lãnh đạo các ngân hàng trung ương đến từ các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Thị trường kỳ vọng bài phát biểu sắp tới của Chủ tịch Fed sẽ mang tới cái nhìn rõ nét hơn về định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian còn lại của năm 2024.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, các nhà giao dịch đang nghiêng nhiều hơn về khả năng Fed chỉ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần cắt giảm đầu tiên này, với tỷ lệ đặt cược là 76%. Tỷ lệ đặt cược cho mức giảm 0,5 điểm phần trăm là 24%.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed công bố ngày thứ Tư cho thấy phần lớn các thành viên dự họp cho rằng việc giảm lãi suất từ mức 5,25-5,5% hiện nay có thể là việc phù hợp trong cuộc họp tháng 9 nếu các số liệu kinh tế tiếp tục diễn biến như dự báo.

Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần gần đây nhất tăng lên, một dấu hiệu nữa cho thấy thị trường lao động ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần hạ nhiệt. Theo báo cáo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 17/8 tăng thêm 4.000 đơn so với tuần trước đó, lên mức 232.000 đơn, so với dự báo 230.000 đơn mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Một báo cáo khác đến từ công ty nghiên cứu S&P Global cho thấy Chỉ số sản lượng PMI tổng hợp của Mỹ, một thước đo hoạt động sản xuất-kinh doanh, giảm nhẹ còn 54,1 điểm, thấp nhất trong 4 tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động yếu đi trong cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, mức điểm này của chỉ số vẫn thuộc hàng cao nhất trong hơn 2 năm qua và chỉ thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức 54,3 điểm của tháng 7.

Giới chuyên gia nhận định các số liệu này phản ánh nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc và lạm phát tiếp tục xuống thang, mở đường để Fed đi tới giảm lãi suất.

Chiến lược gia Steve Englander của ngân hàng Standard Chartered Bank nhận định biên bản cuộc họp của Fed cho thấy Fed đang gần đạt được mục tiêu lạm phát trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên, dẫn tới khả năng Fed có thể giảm lãi suất với mức giảm 0,5 điểm phần trăm.

“Nếu Fed chưa tuyên bố đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, thì họ cũng sẽ tuyên bố sớm thôi”, ông Englander nhận định với hãng tin Reuters.

Sau phiên giảm này, Nasdaq giảm không đáng kể nếu tính từ đầu tuần, trong khi Dow Jones và S&P 500 vẫn tăng tương ứng 0,1% và 0,3%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,17 USD/thùng, tương đương tăng 1,54%, chốt ở mức 77,22 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,08 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở mức 73,01 USD/thùng.

Đây là phiên tăng đầu tiên của giá dầu sau 4 phiên giảm liên tiếp. Khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 trở thành động lực cho giá dầu hồi phục, dù đồng USD tăng giá trở lại gây áp lực mất giá lên dầu. Tăng 0,4%, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác thoát khỏi mức đáy của 13 tháng.

Cuộc đàm phán ngừng bắn cho dải Gaza vẫn chưa có thêm bước tiến mới, trong khi phiến quân Houthi thân Iran tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ. Các cuộc tấn công này nhằm mục đích thể hiện ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc chiến tranh giữa lực lượng Hamas của Palestine với Israel ở Gaza.

Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu đi do kinh tế giảm tốc, nhất là kinh tế Trung Quốc, đã gây áp lực mất giá lên dầu thời gian gần đây. Khả năng có một thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza cũng khiến phần bù rủi ro đối với giá dầu giảm bớt.

Giới đầu tư đang chờ xem liên OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, có cân nhắc lại kế hoạch bắt đầu từ tháng 10 rút dần một chương trình cắt giảm sản lượng. OPEC+ từng nói rằng kế hoạch tăng sản lượng trở lại này có thể tạm hoãn hoặc đảo ngược nếu cần thiết.