Chứng khoán Mỹ hoàn tất tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm, giá dầu giảm sâu thêm
Các số liệu kinh tế Mỹ công bố những ngày gần đây đã giúp xoa dịu nỗi sợ hãi trước đó của nhà đầu tư...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/8), hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay và tiếp tục xu hướng hồi phục sau đợt bán tháo dữ dội vào đầu tháng. Trong khi đó, giá dầu giảm sâu thêm, với giá dầu Brent tụt xuống dưới mốc 80 USD/thùng, do mối lo về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,2%, đạt 5.554,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,21%, đạt 17.631,72 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 96 điểm, tương đương tăng 0,24%, đạt 40.659,76 điểm.
Cả tuần, S&P 500 tăng gần 3,9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Nasdaq và Dow Jones đạt thành quả tăng tương ứng 5,2% và 2,9% cho tuần này.
Với cuộc phục hồi tuần này, S&P 500 chỉ còn thấp hơn 2% so với mức kỷ lục thiết lập vào giữa tháng 7. Các số liệu kinh tế Mỹ công bố những ngày gần đây đã giúp xoa dịu nỗi sợ hãi trước đó của nhà đầu tư.
Số liệu doanh thu bán lẻ công bố hôm thứ Năm mạnh hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích, trong khi số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua giảm xuống. Cả hai dữ liệu này đều có tác dụng trấn an mối lo của thị trường về một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra ở Mỹ - nguyên nhân quan trọng dẫn tới đợt bán tháo đầu tháng.
Ngoài ra, các báo cáo lạm phát công bố trong tuần cũng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn có khả năng hạ cánh mềm, tức là lạm phát giảm mà không kéo theo tăng trưởng sụt tốc mạnh.
Ngày thứ Sáu, Đại học Michigan công bố báo cáo khảo sát cho thấy niềm tin người tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo. Chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt 67,8 điểm trong tháng 8, so với mức 66,4 điểm của tháng 7 và mức dự báo 66,9 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
“Các báo cáo kinh tế trong tuần này mang tới một sự cân bằng cần thiết, không quá nóng mà cũng không quá lạnh. Điều này sẽ giúp giải tỏa những mối lo ngại về suy thoái kinh tế hay sự dai dẳng của lạm phát - yếu tố sẽ cản trở việc Fed giảm lãi suất nhanh và mạnh để cứu tăng trưởng”, trưởng chiến lược đầu tư thuộc bộ phận quản lý gia sản toàn cầu, ngân hàng UBS, ông Mark Haefele, nhận định trong một báo cáo.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm dẫn đầu sự tăng điểm tuần này của chứng khoán Mỹ. Trong đó, cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia tăng hơn 18%. Cổ phiếu Apple và Microsoft tăng tương ứng 4% và 3%.
Hôm 5/8, Dow Jones “bốc hơi” hơn 1.000 điểm và S&P 500 có phiên giao dịch tệ hại nhất kể từ năm 2022 do nhà đầu tư lo ngại Fed đã quá chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất và nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái. Việc nhà đầu tư ồ ạt rút lui khỏi giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên Nhật khiến thị trường càng thêm phần biến động.
Nhưng rất nhanh chóng, nhà đầu tư sau đó đã quay trở lại mua cổ phiếu. S&P 500 đến phiên ngày thứ Sáu đã có chuỗi 7 phiên tăng không nghỉ. Tuần này cũng là tuần tăng mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 11/2023.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,36 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, chốt ở mức 79,68 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,51 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 76,65 USD/thùng.
Với phiên giảm này, giá dầu gần như quay trở lại mức chốt của tuần trước, dù được hỗ trợ bởi mối lo căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông. Phiên ngày thứ Sáu tuần trước, giá dầu Brent đóng cửa ở mức 79,66 USD/thùng và giá dầu WTI chốt ở mức 76,84 USD/thùng.
Các số liệu kinh tế ảm đạm mà Trung Quốc công bố trong tuần này đã gây áp lực giảm lên giá dầu. Hôm thứ Năm, các báo cáo từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà, với giá bán nhà mới giảm mạnh nhất trong 9 năm, sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Đầu tuần này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nyu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay, với lý do là sự suy yếu nhu cầu dầu ở Trung Quốc. Tiếp đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2025 với lý do tương tự.
“Tuần này là một tuần nhiều biến động trên thị trường dầu. Một mặt, nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn nguồn cung nếu chiến tranh lan rộng ở Trung Đông. Mặt khác, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đã dẫn tới việc cắt giảm các dự báo về nhu cầu cầu tiêu thụ dầu”, Chủ tịch Andrew Lipow của công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates phát biểu.
Giá dầu đã tăng mạnh vào đầu tuần khi thị trường lo ngại khả năng Iran tấn công Israel để trả đũa vụ một thủ lĩnh Hamas bị ám sát ở Tehran hồi tháng 7. Tuy nhiên, một phần rủi ro này đã bị cắt giảm khỏi giá dầu vì Iran chưa hành động - theo một báo cáo của Commerzbank Research.
“Ít nhất đến lúc này, sự gián đoạn nguồn cung mới nằm trên lý thuyết chứ chưa xảy ra trên thực tế. Điều này khiến nhà đầu tư tập trung hơn vào yếu tố nhu cầu”, chuyên gia Brett Friedman của công ty cung cấp dữ liệu thị trường OptionMetrics nhận định.
Hôm thứ Năm, một vòng đàm phán ngừng bắn mới cho dải Gaza đã được khởi động ở Qatar, nhưng sau đó được hoãn tới tuần sau.
“Với tình hình Trung Đông chưa có bước leo thang mới, giá dầu có thể thiếu đi lực hỗ trợ”, theo báo cáo của Commerzbank.
Theo nhà phân tích độc lập Gaurav Sharman, giá dầu sẽ khó xác định xu hướng cho tới khi Fed quyết định có hay không cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9.