Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhờ cổ phiếu công nghệ hồi phục, giá dầu vẫn giảm

11:00, 23/07/2024

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/7), với chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên tăng tốt nhất trong vòng hơn 1 tháng rưỡi trở lại đây, nhờ cổ phiếu công nghệ hồi mạnh sau đợt bán tháo vào tuần trước.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 1,08%, đạt 5.564,41 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất mà thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có được kể từ hôm 5/6. Trước đó, chỉ số này có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 vào tuần trước, khi nhà đầu tư ồ ạt bán ra các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Chỉ số Nasdaq tăng 1,58%, chốt ở mức 18.007,57 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 127,91 điểm, tương đương tăng 0,32%, đạt 40.415,44 điểm.

Cổ phiếu Nvidia tăng 4,8%, lấy lại một phần trong cú giảm 8% vào tuần trước. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác như Meta Platforms và Alphabet đồng loạt tăng hơn 2%. Cổ phiếu CrowdStrike, công ty an ninh mạng phía sau sự cố “màn hình xanh” toàn cầu xảy ra vào tuần trước, giảm 13,5% trong phiên đầu tuần, sau khi đã giảm 18% trong tuần trước.

“Chúng ta đang chứng kiến nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu công nghệ sau một đợt bán tháo khá mạnh. Triển vọng lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp hạ lãi suất đang mang tới cho nhà đầu tư những tia hy vọng”, chiến lược gia cấp cao Mona Mahajan của công ty Edward Jones nhận định.

Nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ bán tháo trong tuần trước là nhà đầu tư quay vòng từ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang các cổ phiếu nhỏ và có tính chu kỳ, với niềm tin rằng đây sẽ là những cổ phiếu hưởng lợi nhiều hơn khi Fed hạ lãi suất. Sự dịch chuyển đó khiến S&P 500 giảm gần 2% và Nasdaq sụt hơn 3% trong tuần.

Dù cổ phiếu công nghệ hồi mạnh trong phiên ngày thứ Hai, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn đứng vững. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ chốt phiên với mức tăng khoảng 1,7%.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đặt cược của nhà đầu tư vào khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 đang giảm xuống. Theo dữ liệu mới nhất từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 hiện còn 88,5%, so với mức gần 100% vào tuần trước.

Trong số các báo cáo kinh tế Mỹ được công bố trong tuần này, được thị trường quan tâm nhiều nhất sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng nên có thể chi phối các quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương này.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn đang quan tâm tới các diễn biến trên chính trường Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden từ bỏ nỗ lực tái tranh cử và Phó tổng thống Kamala Harris trở thành ứng cử viên mới của Đảng Dân chủ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Từ khi ông Biden có màn tranh biện bị đánh giá thấp hồi tháng 6, nhiều nhà phân tích đã cho rằng khả năng tái đắc cử của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 năm nay tăng lên.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,23 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, chốt ở mức 82,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,35 USD/thùng, chốt ở 79,78 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ hôm 11/6 và của dầu WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Theo các nhà phân tích, giá dầu đang đối mặt với triển vọng kỹ thuật yếu, lượng dầu tồn trữ lớn, và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu. Căng thẳng địa chính trị âm ỉ ở Trung Đông dường như không có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ giá dầu.

Một báo cáo của Morgan Stanley nhận định thị trường dầu vẫn đang chắt chặt ở thời điểm hiện tại, nhưng sẽ chuyển sang cân bằng vào quý 4 năm nay và dư cung vào năm tới. Trên cơ sở này, ngân hàng đầu tư Mỹ dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống vùng 73 USD/thùng vào giữa năm 2025.

Theo một phân tích của công ty StoneX, lượng tồn trữ xăng dầu toàn cầu tăng lên trong tuần trước. Tổng tồn trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa đang tăng lên ở các trung tâm giao dịch dầu lớn của thế giới ngoại trữ khu vực châu Âu.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 22/7 bất ngờ hạ lãi suất để kích cầu nền kinh tế, nhưng động thái này của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới không đủ để đưa dầu tăng giá. “Mức giảm lãi suất của Trung Quốc là quá nhỏ để cải thiện tâm lý trên thị trường dầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-diem-manh-nho-co-phieu-cong-nghe-hoi-phuc-gia-dau-van-giam.htm