"Chung mọi hạ tầng viễn thông sẽ hạn chế cạnh tranh!"
Dùng chung như thế nào? Những vướng mắc gì để đi đến dùng chung? Hạt nhân chính của công cuộc dùng chung là các DN có kiến nghị gì?... Trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị Phát triển hạ tầng CNTT-TT ngày 28/5/2009, ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đã đưa ra một số quan điểm và kiến nghị.
Chia vùng chung - riêng?
- Vì sao ông lại đề xuất chia thành 2 vùng: xanh và đỏ đối với việc dùng chung cơ sở hạ tầng?
Tôi nói như vậy cho nó hình tượng, dễ hình dung. Theo tôi, vùng đỏ có thể gọi là vùng mang tính quản lý hành chính hơn, còn vùng xanh là vùng nặng về thị trường điều tiết hơn. Ví dụ, vùng đỏ là vùng ở trong các đô thị, chúng ta không thể cạnh tranh nhau bằng cách tất cả cùng đào đường lên hay tất cả cùng trồng cột. Vùng đỏ đó cho dù muốn cạnh tranh đến mấy thì quy định quản lý Nhà nước cũng phải mạnh hơn, bởi tính chất quy hoạch đô thị của vùng đó không cho phép cạnh tranh đến mức ấy. Những vùng còn lại không có tính chất như vậy, thì chúng ta không cần thiết phải làm như vậy, và thực tiễn cũng không thể quản lý như vậy được.
Vì vậy, tôi cho là những vùng đỏ cần quản lý Nhà nước mạnh hơn để cho việc phối hợp giữa các DN được suôn sẻ. Còn vùng xanh thì có thể bớt chặt hơn để cho quy luật thị trường và việc vận hành về quan hệ kinh tế có thể phát huy.
- Vậy theo ông, với cơ chế hiện nay thì liệu đã có thể làm được việc phân chia các vùng chưa?
- Hiện nay thì chắc là chưa làm được. Nhưng nếu thống nhất được với nhau qua các hội nghị như thế này và có sự chuẩn bị tốt thì điều đó có thể làm được. Tôi cho rằng, Nhà nước hoàn toàn có thể ban hành được những quy định, định mức, như về xây dựng nhà cửa, lắp đặt trạm đài… Hiện đã có các định mức về xây dựng cống bể, xây dựng cột, giá cột cũng có rồi…, chỉ là chia sẻ với nhau mức giá đó ra thôi. Tôi nghĩ việc này không có gì bất khả kháng. Vấn đề chỉ là Nhà nước sớm ban hành các quy định, áp đặt việc thực hiện một cách tốt nhất.
Nên hay không một "siêu DN nhà nước"?
- Mục đích của việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông là giải bài toán quy hoạch và tiết kiệm chi phí cho chính các DN. Nhưng thưa ông, khó khăn ở đâu mà các DN chưa đồng thuận được với nhau trong việc này?
- Nếu dùng chung ở tất cả các vùng thì sẽ trở lại như 10 năm trước đây, lúc ấy chỉ có một mình VNPT chúng tôi thôi, thì tất cả là dùng chung hết. Như thế thì cứ tưởng tượng rằng VNPT và các DN khác đều kinh doanh chung hết, thì sẽ là 1 DN.
- Và điều đó sẽ hạn chế sự cạnh tranh?
- Đúng vậy, nó sẽ hạn chế sự cạnh tranh. Bây giờ, ví dụ chúng ta ra quy định dùng chung quá chặt, thì các đơn vị khác sẽ ngồi chờ một đơn vị làm hạ tầng, rồi mình sẽ chung vào đấy. Thế thì ai sẽ là người đứng ra làm? Bởi vì khi đã làm hạ tầng rồi, thì quyền lợi của tất cả các DN đều như nhau, “ông” đứng ra làm cũng không được lợi lộc gì hơn cả, vậy thì chắc chắn quyền lợi của những “ông” làm nhiều và “ông” làm ít đều giống nhau…
- Nhưng nếu để tuân thủ chính sách quy hoạch của Nhà nước, yêu cầu tất cả các vùng đều phải dùng chung, kể cả vùng xanh, thì quan điểm của VNPT như thế nào?
- Tôi nghĩ là tính thực tiễn của việc đó thấp. Nhu cầu sản xuất kinh doanh của các đơn vị là khác nhau, chứ không thể giống nhau. Rồi kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng DN cũng khác nhau. DN tôi muốn phát triển vùng này, DN khác lại muốn phát triển vùng khác. Cho nên việc dùng chung tất cả các vùng là không hợp lý.
- Vậy nếu Nhà nước đứng ra xây dựng và quản lý toàn bộ hạ tầng, rồi cho các DN tham gia thị trường thuê lại thì sao?
- Như vậy sẽ hình thành một DN Nhà nước mới, có thể gọi là siêu DN Nhà nước. Lúc đó, tất cả các DN hạ tầng lại phải “chui” vào DN đó, và họ lại trở thành độc quyền. Và kinh nghiệm về một DN độc quyền như vậy chúng ta đều có rồi.
Ví dụ như điện. Hiện việc tăng giá điện quá dễ, muốn tăng là tăng. Hay như viễn thông. Mấy năm gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam mở cửa, chuyển từ độc quyền Nhà nước sang cạnh tranh. Và nếu nói tới một lĩnh vực nào đó trên thế giới có tốc độ phát triển vượt bậc, kể cả về giá cả, thì có thể dẫn chứng đến viễn thông Việt Nam. Đó là sự sẵn sàng về dịch vụ, vùng phủ sóng và sự hợp lý về giá cả.
Tôi cho rằng, chính việc cạnh tranh giữa các DN đã tạo ra điều đó. Còn bây giờ, nếu lại trở về một DN chuyên môn làm hạ tầng để cho các DN khác thuê, thì chắc chắn lại có vấn đề. Bởi vì quản lý các DN đó cũng chỉ là con người thôi, cũng không thể nói trước được độ hợp lý hoặc tính độc quyền sẽ không có.
"Cạnh tranh không phải là làm hại nhau"
- Vâng, nhưng liệu có việc các DN viễn thông hiện nay không muốn hợp tác với nhau? Như trong cuộc họp ngày 29/5, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng chỉ đạo quyết liệt rằng, các DN cần phải liên doanh, liên kết, đoàn kết với nhau nhằm đạt được một lợi ích chung, lợi ích lớn hơn về mặt quy hoạch tổng thể lâu dài của đất nước, quan điểm của VNPT như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng, thực ra mình nói cơ chế thị trường cạnh tranh, nhưng không hẳn cứ cạnh tranh là người ta ghét nhau, người ta giết nhau. Trong cơ chế thị trường, mỗi DN càng có nhiều mối liên kết thì sẽ càng mạnh hơn, chứ không thể ghét nhau.
Ví dụ, nếu đi thuê một đường thông tin của DN khác rẻ hơn mình tự xây lắp, thì chả có gì phải suy nghĩ cả. Lợi ích kinh tế sẽ quyết định tất cả. Lợi ích kinh tế cũng sẽ tạo nên sự đoàn kết, chứ không phải ghét nhau.
- Điện lực và VNPT đã từng tranh cãi, không đi đến thỏa thuận với nhau trong việc dùng chung cơ sở hạ tầng. Khúc mắc này đã được giải quyết chưa, thưa ông?
- Đúng là trong thời gian vừa qua đã có việc này. Hiện cũng có nhiều DN chưa trả được tiền (thuê cột điện – PV), có khả năng vẫn còn tiếp tục giằng co. Tôi nghĩ, chắc chắn trong thời gian tới sẽ phải ngã ngũ.
Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra mức giá chặt chẽ và vào cuộc mạnh mẽ hơn, thì việc này không có gì khó khăn. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có thể tính ra được rằng, đầu tư các hệ thống cột như vậy thì giá là bao nhiêu, mức độ sử dụng của các bên như thế nào, khi treo cáp lên thì cần khấu hao trong bao nhiêu năm...? Đó là bài toán rất dễ, không có gì khó.
- Tính được thì không khó, nhưng liệu có thuyết phục được các DN đồng ý theo cách tính đấy không, theo ông?
- Nếu trong những vùng đỏ, cho dù các DN không đồng ý với nhau, thì bàn tay quản lý của Nhà nước buộc phải giám sát việc đó, và các DN phải chấp nhận. Còn lại những vùng xanh, nếu mức giá thuê cao quá thì chắc chắn các DN sẽ không thể chịu được, sẽ đành không thuê nữa. Khi ấy, bên cho thuê cũng sẽ mất doanh thu, không được gì và có thể họ sẽ nghĩ lại về vấn đề giá. Tôi nghĩ quy luật về giá cả sẽ điều tiết vấn đề này.
Còn đối với riêng VNPT, chúng tôi đang xem xét, có thể sẽ tháo dỡ dây trên một số cột nếu vẫn không đi đến thỏa thuận được mức giá hợp lý. Chúng tôi dự tính, nếu trong 2 năm có thể thu hồi tiền để nộp cho bên điện lực thì chúng tôi sẽ tự đầu tư.