Chuyển đổi số - Nền tảng bền vững trong vận hành sản xuất và quản trị tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

10:58, 15/04/2025

Trong dòng chảy mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho mọi tổ chức. Nhận thức sâu sắc điều này, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã và đang triển khai quyết liệt công tác chuyển đổi số trên nhiều mặt trận, từ kỹ thuật vận hành đến công tác quản trị, đào tạo và bảo mật thông tin.

Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 xem chuyển đổi số là sự chuyển biến từ tư duy quản lý truyền thống sang mô hình điều hành hiện đại, khoa học, lấy dữ liệu làm nền tảng cho mọi quyết định. Trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, nhiều hoạt động chuyển đổi số tiêu biểu đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt như: Triển khai hệ thống học trực tuyến E-learning, từng bước hình thành văn hóa học tập số trong toàn Nhà máy. Trung bình mỗi cán bộ, công nhân viên hoàn thành 33,41 lượt học/năm, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu EVN giao. Trong 2 tháng đầu năm 2025, dù đang cao điểm mùa khô, Nhà máy vẫn duy trì gần 3.400 lượt học, thể hiện tinh thần tự học, chủ động nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công nhân viên. Việc cải tiến công tác đấu thầu được Nhà máy chú trọng với tỷ lệ 100% các gói thầu đều được đấu thầu qua mạng, vượt chỉ tiêu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Quá trình lựa chọn nhà thầu diễn ra minh bạch, không có tranh chấp, kiến nghị trong khi thực hiện.

Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2022-2024, về công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Nhà máy có nhiều giải pháp được công nhận là sáng kiến cấp cơ sở và cấp EVN. Cụ thể năm 2022, Nhà máy được công nhận 03 sáng kiến cấp cơ sở; năm 2023 được công nhận 27 sáng kiến cấp Nhà máy và 04 sáng kiến cấp EVN; năm 2024 được công nhận 04 sáng kiến cấp cơ sở và 02 sáng kiến cấp EVN.

Cán bộ, công nhân viên làm việc tại phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Với những nền móng vững chắc đã đạt được, trong thời gian tới Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang tích cực đề xuất bổ sung các ý tưởng, sáng kiến, nhiệm vụ chuyển đổi số như: 

Nghiên cứu áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả tài sản. Các vật tư, máy móc, thiết bị trong nhà máy được chuẩn hóa và quản lý đầy đủ các thông tin thông qua phần mềm quản lý tiên tiến. Các vật tư, thiết bị cần được phân cấp chính xác theo quy định, có mô phỏng, minh họa bằng hình ảnh trực quan. Tối ưu được chi phí lưu kho, giảm mức tồn kho vật tư thiết bị dự phòng.

Tiếp tục phát triển giải pháp theo dõi các thông số vận hành online và tự động cảnh báo sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Dựa trên theo dõi phân tích các thông số và lịch sử vận hành của thiết bị để phân tích nguyên nhân, đưa ra các khuyến cáo công việc cần phải làm, hỗ trợ đưa ra quyết định kịp thời về sửa chữa thiết bị kịp thời, hạn chế ảnh hưởng tới vận hành và giảm chi phí phát sinh.

Nghiên cứu, tích hợp tối đa các hệ thống cảm biến, thiết bị, phần mềm riêng lẻ được kết nối với nhau bằng hệ thống phần mềm dùng chung… đảm bảo tuân thủ các điều kiện về an ninh bảo mật theo quy định, để thiết lập cơ sở dữ liệu chung, cung cấp các thông số phục vụ phân tích và tính toán không ảnh hưởng đến hệ thống đang vận hành. Trong đó áp dụng các công nghệ tiên tiến như Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Học máy để khai thác cơ sở dữ liệu hiệu quả.

Các quy trình quản lý vận hành, sửa chữa bảo dưỡng trong Nhà máy được số hóa và sử dụng trên các phần mềm, có tính liên kết lập kế hoạch đến mua sắm, giao nhận, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán, đánh giá hiệu quả.

Đẩy nhanh áp dụng trí tuệ nhân tạo, phần mềm, cung cấp nguồn dữ liệu chất lượng thực tiễn liên tục, để phục vụ vận hành, phân tích và giám sát hiệu suất các tổ máy.

Ứng dụng, khai thác hiệu quả hơn nữa các tính năng, module của phần mềm Quản lý kỹ thuật đang dùng – PMIS trong quản lý sửa chữa bảo dưỡng. Đặc biệt là chức năng sửa chữa, bảo dưỡng và RCM để nâng cao tối đa hiệu quả trong công tác sửa chữa thường xuyên và cung cấp nguồn dữ liệu lý lịch thiết bị lâu dài để xây dựng biên bản khảo sát, phương án kỹ thuật phục vụ các kỳ đại tu.

Các kỹ sư Phòng kỹ thuật trao đổi, nghiên cứu thiết bị máy móc

Chuyển đổi số không còn là đích đến, mà là một hành trình liên tục đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo và đoàn kết từ tất cả thành viên trong tổ chức. Với tinh thần “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã và đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác số hóa, góp phần đưa ngành điện Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số hóa và phát triển bền vững.