Chuyển đổi số báo chí để cạnh tranh, chạm đến cảm xúc của công chúng
Để phát triển báo chí bền vững phù hợp với xu thế số thì yếu tố “hạt nhân” chính là phải chuyển đổi số báo chí một cách toàn diện, bài bản.
Chuyển đổi số báo chí giúp đáp ứng được sự cạnh tranh
Tại Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) đáp ứng yêu cầu mới của điều lệ giải báo chí quốc gia và tuyên truyền những nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 22/11, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Báo Kinh tế và Đô thị (KT&ĐT) cho biết việc CĐS báo chí sẽ giúp các cơ quan báo chí phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, quản lý. Đồng thời, đây đang là một xu thế tất yếu, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cần phải chủ động, tập trung thực hiện, tích cực, thường xuyên.
Ông Nguyễn Thành Lợi: CĐS báo chí là một xu thế tất yếu, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cần phải chủ động, tập trung thực hiện.
Hơn nữa, theo Tổng biên tập báo KT&ĐT, nếu không CĐS báo chí sẽ không chủ động, làm chủ được những nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn; không giải quyết được các vấn đề về các thông tin giả mạo, thiếu kiểm chứng; không phù hợp với xu thế cá nhân hoá bởi nhu cầu ngày càng cao của độc giả về việc tiếp nhận thông tin; không đáp ứng được nhu cầu từ bị động thông tin chuyển sang chủ động thông tin…
Đặc biệt hơn, Tổng biên tập Báo KT&ĐT cho biết, nếu không CĐS báo chí sẽ không đáp ứng được chính sự cạnh tranh (công nghệ, nhân lực, nội dung), phát triển đi lên của các cơ quan báo chí hiện nay.
“Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu CĐS báo chí, các cơ quan báo chí cần có sự quyết tâm, quyết liệt đổi mới về mặt công nghệ, ứng dụng, sử dụng công nghệ và cần tinh gọn tổ chức bộ máy nhân sự, quản trị các phòng ban dựa trên hệ thống số”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Mô hình toà soạn hội tụ của Báo KT&ĐT.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, CĐS báo chí cần: Xây dựng, hình thành, hoàn thiện, vận hành mô hình toà soạn hội tụ, các mô hình mới phù hợp; Nâng cấp hệ thống quản trị nội dung theo mô hình hệ thống nội dung số; Sớm tạo ra mô hình xuất bản đa nền tảng; Sử dụng trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hoá các bộ phận công việc và giúp phân tích dữ liệu, tạo ra các nội dung sáng tạo), dữ liệu lớn (data) để giúp phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về hành vi của độc giả, từ đó đưa ra các chiến lược cụ thể, phù hợp.
Quan trọng nữa cần có sự thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo đến phóng viên (PV) bằng cách các cơ quan báo chí thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các PV, biên tập viên, thư ký toà soạn làm việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang làm báo chí hiện đại. Sau mỗi chương trình đào tạo, tập huấn cũng cần phải tổ chức nghiệm thu, đánh giá thông qua thực tế là các sản phẩm mới được tạo ra.
Cùng với đó, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, trao đổi cùng các chuyên gia, nhà báo; xây dựng các cộng đồng trực tuyến có khả năng tương tác, chia sẻ thông tin…
Hơn nữa, các cơ quan báo chí có thể thuê, hợp tác với các đối tác công nghệ có chuyên môn, kinh nghiệm, thế mạnh về báo chí số cùng phối hợp với các bộ phận nội dung để tổ chức đào tạo bộ phận quảng cáo để thu hút thêm các nguồn quảng cáo để phát triển nguồn thu, kinh tế báo chí. Việc hợp tác này còn là giúp tối ưu, đổi mới hệ thống kỹ thuật cho báo điện tử xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm, ứng dụng di động, mạng xã hội.
“Lợi ích nữa mà CĐS báo chí mang lại chính là giúp các cơ quan báo chí theo dõi, giám sát tiến độ từng nhiệm vụ, từng khâu sản xuất tin, bài, nội dung và giúp đổi mới nội dung, hình thức”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Lan tỏa tri thức, thông tin, chạm đến cảm xúc của công chúng
Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo Vietnamplus, giờ đây CĐS báo chí sẽ giúp các cơ quan báo chí gia tăng các giá trị về sáng tạo nội dung, sớm hình thành cơ quan báo chí đa phương tiện thực sự.
Giá trị sáng tạo chính là giúp thay đổi các lối mòn về việc viết tin, bài, nội dung theo cách làm truyền thống sử dụng ngôn ngữ để diễn giải, phản ánh thì giờ đây đổi mới thông qua việc hướng đến là các sản phẩm số (video, hình ảnh, podcast, dữ liệu, sơ đồ, infographics…).
Đặc biệt, khi sự thay đổi trình bày tin bài, nội dung bằng phương thức đồ họa trực quan, bảng biểu hoặc infographic không chỉ giúp bổ trợ, minh họa cho các lập luận thông tin của người viết trở nên sáng rõ hơn, mà điều quan trọng còn tạo ra cái mới, thu hút được sự chú ý, cuốn hút độc giả, tạo trải nghiệm, ấn tượng mới mẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật: CĐS báo chí giúp các cơ quan báo chí đạt hiệu năng, hiệu lực, hiệu suất, hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, nếu như trước đây, “vũ khí” quan trọng của nhà báo, PV là bút, máy ảnh thì giờ đây cần phải có thêm phong cách mới là các phương thức “kể chuyện” đa dạng, sáng tạo dựa trên các công cụ công nghệ số mới.
Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật còn cho rằng, để CĐS báo chí, hình thành các cơ quan báo chí đa phương tiện, các cơ quan báo chí phải xây dựng, sử dụng, phát triển tích cực trên các nền tảng số phổ biến mới hiện nay và của tương lai.
Đồng thời, cần hình thành toà soạn được đảm bảo có đầy đủ dữ liệu, nhất là các mô hình báo chí có sử dụng, phổ biến các tin, bài theo hướng dữ liệu đồ họa trực quan. Và khi sử dụng các tin, bài theo dạng dữ liệu đồ họa sẽ không chỉ giúp người viết để dễ dàng đăng tải các thông tin có khối lượng thông tin phong phú một cách nhanh chóng, dễ hiểu, có có khả năng tương tác giữa độc giả và người viết mà còn là làm mới sản phẩm và thu hút được đông đảo lượng truy cập các độc giả mọi lứa tuổi".
"Đây chính là giá trị mà CĐS báo chí tạo ra, phát huy, giá trị to lớn, mới mẻ, ưu điểm hơn báo chí truyền thống”, ông Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh.
Điểm quan trọng nữa được ông Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh là xu hướng của truyền thông đa phương tiện, là đưa các sản phẩm báo chí trở thành các sản phẩm báo chí thị giác. Điều này giúp các độc giả nắm bắt thông tin, lĩnh hội thông tin thông qua hình ảnh 3D có sự tương tác và gia tăng các trải nghiệm thụ hưởng thông tin.
Khi các toà soạn có sự chủ động tham gia tích cực việc đầu tư các công cụ công nghệ số, nền tảng số mới hiện đại và có sự kết hợp, hỗ trợ cùng các công ty công nghệ số sẽ giúp hỗ trợ các nhà báo tạo ra các sản phẩm số mới một cách dễ dàng; giúp người viết gia tăng khả năng lan toả các tri thức thông tin đến đông đảo độc giả, công chúng, chạm vào cảm xúc của công chúng…
“Đây cũng là một mục tiêu đích cần hướng đến để các cơ quan báo chí đạt hiệu năng, hiệu lực, hiệu suất, hiệu quả, từ đó phát triển, CĐS báo chí theo hướng bền vững”, ông Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh./.