Chuyển đổi số, chính quyền phải đóng vai trò kết nối

11:25, 18/09/2020

Trong quá trình chuyển đổi số, chính quyền phải đóng vai trò kết nối, để tất cả các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số, góp phần xây dựng chính quyền số hiệu quả, phục vụ người dân tốt, phát triển nền kinh tế số mang lại giá trị thặng dư cao hơn.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - đã chia sẻ về cách chính quyền TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong quá trình áp dụng chuyển đổi số vào xây dựng chính quyền điện tử tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (eGov), diễn ra ngày 17/9.

chuyen doi so chinh quyen phai dong vai tro ket noi

Ông Dương Anh Đức chia sẻ về thực hiện chuyển đổi số ở TP. Hồ Chí Minh

Theo đánh giá, TP. Hồ Chí Minh hiện là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của cả nước. Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông thành phố - cho biết, mới đây thành phố đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Kinh tế số chiếm 25% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%...

Để thực hiện, mục tiêu này có 3 yếu tố cơ bản là con người, thể chế và công nghệ. Trong đó về con người thì nhận thức của lãnh đạo là quan trọng hàng đầu. Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào góp ý, theo dõi và sử dụng kết quả của Chương trình Chuyển đổi số nói trên.

chuyen doi so chinh quyen phai dong vai tro ket noi

Người dân và doanh nghiệp sẽ được tham gia vào góp ý, theo dõi và sử dụng kết quả của Chương trình Chuyển đổi số

Trương Gia Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - nhận xét: Yếu tố nhận thức là đặc biệt quan trọng, và TP. Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương tiêu biểu, đạt được những thành tựu đáng kể trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả dịch vụ công nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo. Tổng số dịch vụ công trực tuyến được công bố của thành phố là gần 1.800 dịch vụ, trong đó gần 60% là mức độ 3 và 4.

Sở dĩ việc chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh được đánh giá cao, theo ông Dương Anh Đức, lãnh đạo thành phố đóng vai trò vừa tích cực thúc đẩy vừa hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển năng lực. “Chuyển đổi số là một quá trình nhiều bước, trong đó ngoài việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, thì xây dựng nền tảng dữ liệu cũng là một nhiệm vụ thiết yếu, bởi “dữ liệu là kho tài sản lớn của mọi quốc gia, được ví quý hơn dầu mỏ vì càng dùng thì càng tạo ra nhiều giá trị” - ông Dương Anh Đức chia sẻ thêm.

chuyen doi so chinh quyen phai dong vai tro ket noi

 

Ông Trương Gia Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - phát biểu tại hội thảo


Từ sự thành công của TP. Hồ Chí Minh, ông Trương Gia Bình khẳng định: Để phát triển chính phủ điện tử, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, đừng chạy theo số lượng mà hãy quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Phải truyền thông để người dân biết, xây dựng được cho người dân niềm tin về việc nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển chính phủ điện tử. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc phát triển chính phủ điện tử với mục tiêu coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm mà Việt Nam đang hướng tới.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử cho nhiều Bộ, ngành và tỉnh, thành tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, ông Trương Gia Bình cho biết: Các giải pháp, dịch vụ số được FPT kiến tạo xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn, đảm bảo giải quyết bài toán “nóng” của từng bộ ngành, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số chung với mục tiêu cao nhất là tiết kiệm thời gian, chi phí và mang lại lợi ích cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.”

Được biết, FPT đã hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập đoàn này cũng tập trung nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các nhóm giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, y tế, giáo dục, góp phần kiến tạo các đô thị thông minh ở nhiều địa phương: Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Mới nhất, FPT là một trong các đơn vị hỗ trợ, tư vấn cho thành phố về khung kiến trúc chính quyền điện tử cũng như xây dựng nền tảng chia sẻ, liên thông dữ liệu (LGSP HCM) vừa được ra mắt tháng 7/2020.

Theobaocongthuong.vn