Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả các thư viện trong quân đội

10:31, 20/04/2021

Thư viện Quân đội nói riêng và hệ thống thư viện toàn quân nói chung đang triển khai thực hiện các nội dung trong “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các nội dung được quy định trong Thông tư số 138/2020/TT-BQP về bảo đảm chế độ, định mức, tiêu chuẩn sách điện tử cho bộ đội có hiệu lực từ tháng 1-2021.

Từ đó có chương trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số cho các thư viện trong quân đội.
Số hóa mạng lưới thư viện
Đón đầu chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, những năm qua, Bộ Quốc phòng (BQP) đã đầu tư và triển khai nhiều dự án về số hóa, hiện đại hóa, thông minh hóa, mạng hóa cho các cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều dự án liên quan đến ngành thông tin thư viện (TTTV) như: Dự án thư viện số dùng chung trong BQP, kết nối các thư viện thuộc các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu do Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự, BQP chủ trì thực hiện; dự án hiện đại hóa, xây dựng phòng máy chủ đạt chuẩn, số hóa tài liệu quân sự, trang bị phần mềm quản lý thư viện tích hợp, máy scan robot và các trang thiết bị hiện đại cho Thư viện Quân đội làm cơ sở, hạt nhân để tiến tới hình thành, phát triển mạng lưới thư viện toàn quân theo hướng mạng hóa, số hóa.
Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là lĩnh vực mới mẻ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Thư viện Quân đội và các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, thường xuyên rà soát, tham mưu đề xuất, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn, quy hoạch, kế hoạch, nội dung liên quan đến hoạt động chuyển đối số, tạo cơ sở pháp lý để quản lý, chỉ đạo hoạt động, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trong tình hình mới.

 Nhân viên Thư viện Quân đội số hóa tài liệu. Ảnh: QUẾ PHƯƠNG.

Điều 13 Luật Thư viện khẳng định: Thư viện LLVT nhân dân ngoài thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung của một thư viện còn phải xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành nội sinh; bổ sung và mua quyền truy cập tài nguyên thông tin chuyên ngành quốc phòng, an ninh; thực hiện liên thông giữa các thư viện trong cùng hệ thống, chia sẻ tài nguyên thông tin với thư viện trong nước và nước ngoài bảo đảm các yếu tố đặc thù của LLVT.

Theo quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số ngành thư viện, 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành thu thập và quản lý được số hóa; 100% thư viện có vai trò quan trọng hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm TTTV theo chức năng, nhiệm vụ...

Kiện toàn tổ chức, đầu tư kinh phí

Muốn thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số thư viện hiệu quả, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác chuyển đổi số. TTTV là ngành đặc thù, cần nguồn lực đầu tư mới mong đạt được hiệu quả mong muốn; đặc biệt với công tác chuyển đổi số không thể không đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phần mềm... Tuy nhiên đến nay, nhiều thư viện đơn vị chưa được nối mạng truyền số liệu quân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí dành cho hoạt động này còn khiêm tốn... chắc chắn sẽ gây khó khăn cho công tác chuyển đổi số. Một vấn đề khác cũng cần cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm đó là đào tạo, kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên CNTT...

Thư viện Quân đội xác định cần đẩy mạnh phát triển tài nguyên thông tin số, trong đó chú trọng phát triển tài liệu số nội sinh của BQP như các báo, tạp chí chuyên ngành quân sự, quốc phòng; kỷ yếu hội thảo khoa học chuyên ngành; các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tài liệu đào tạo, huấn luyện, giảng dạy, học liệu, luận án, luận văn của các học viện, nhà trường quân đội...; các xuất bản phẩm được xuất bản trong quân đội, tài liệu trong và ngoài nước viết về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chiến tranh cách mạng và các lĩnh vực liên quan... Trước mắt sử dụng có hiệu quả tài nguyên của các cơ quan, đơn vị đã tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác tài liệu số, lấy tài nguyên của Thư viện Quân đội, mạng MISTEN, hệ thống thư viện số dùng chung BQP làm hạt nhân. Bên cạnh đó, xây dựng, thúc đẩy, triển khai các dự án số hóa tài liệu, trang bị phần mềm quản lý thư viện số, xây dựng hệ thống thư viện số dùng chung, liên thông, liên kết, chia sẻ, khai thác tài nguyên số đã được xây dựng cũng như tạo mới, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến. Đồng thời hợp tác trong bổ sung tài liệu số, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số giữa các cơ quan thông tin, thư viện trong và ngoài hệ thống.

Việc triển khai áp dụng các chuẩn nghiệp vụ hiện đại thống nhất trên toàn hệ thống cũng rất quan trọng. Trước mắt, cần bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc trao đổi, liên thông và sử dụng chung tài nguyên thông tin trong BQP. Ngoài ra, cần nghiên cứu và dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của hoạt động TTTV trong kỷ nguyên số, từ loại hình tài liệu, phương thức phục vụ, vấn đề bản quyền, tính bảo mật cho đến tính riêng tư của người dùng, của dữ liệu, các chuẩn nghiệp vụ quốc tế mới...

Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực TTTV là một quá trình lâu dài, công phu, đòi hỏi nỗ lực lớn của cán bộ, nhân viên thư viện trong toàn quân. Với sự quan tâm, hỗ trợ của BQP và các cơ quan chức năng, công tác chuyển đổi số của các thư viện trong quân đội sẽ đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, trở thành hình mẫu hiệu quả trong thời gian tới.

Theo qdnd.vn