Chuyển đổi số: Kỷ nguyên mới của thương mại điện tử
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong thời kỳ toàn cầu hóa với sự lên ngôi của công nghệ. Hiện nay, thương mại điện tử Việt Nam đang bước sang kỷ nguyên mới tập trung vào tăng trưởng bền vững dựa trên chuyển đổi số, trở thành động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.
Ngày 21/03, tại Hà Nội, Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn” năm thứ hai do Báo Đầu tư tổ chức, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, 10 năm đầu tiên của ngành thương mại điện tử là quá trình đầu tư vào hạ tầng, dịch vụ, thương mại, công nghệ… Bước sang kỷ nguyên tiếp theo, thương mại điện tử phải đi vào chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng bền vững.
Ông Đặng Anh Dũng tại Diễn đàn.
Đối với người dùng, sau giai đoạn đại dịch, hành vi mua sắm đã thay đổi. Thương mại điện tử đi sâu vào đời sống, hơn 60% dân số Việt Nam mua sắm online trong năm 2022. Đặc biệt, có tới 96% người dùng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến, trở thành phân khúc được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam.
Xu hướng này sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới, khi 90% người dùng cho biết sẽ duy trì mức độ sử dụng như hiện nay và nhiều hơn nữa.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, theo báo cáo Hành vi tiêu dùng và các nghiên cứu của Lazada, trong năm 2022, khoảng 27% số lượng doanh nghiệp mới gia nhập sàn thương mại điện tử. Toàn bộ hệ sinh thái thương mại điện tử của Lazada có hơn 1 triệu nhà bán hàng, thương hiệu hiện đang kinh doanh. Trong quý IV/2022, 75% số nhà bán hàng có doanh số bán hàng tích cực trên Lazada.
Một số doanh nghiệp địa phương đã chuyển đổi số thành công và tăng trưởng vượt bậc trên sàn thương mại Lazada năm 2022 có thể kể tới như Foodmap – doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và Lép – thương hiệu thời trang.
Trong đó, thương hiệu Foodmap đã cùng Lazada thực hiện một số chương trình tiêu thụ nông sản, chẳng hạn việc tiêu thụ 3 tấn vải thiều trong 1 ngày, 20 tấn thanh long trong 1 tuần…
Thương hiệu Lép – doanh nghiệp ngành hàng thời trang rất “hot” trên thị trường, sau 2 năm bước vào kênh thương mại điện tử trên Lazada đã tăng trưởng gấp 10 lần, lọt Top doanh nghiệp có doanh thu cao nhất ngành hàng thời trang trên sàn này.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp có thể tận dụng thương mại điện tử tăng trưởng bền vững. Trong đó, phát triển kinh doanh bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững trên thương mại điện tử thông qua ứng dụng công nghệ để thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng trên nền tảng.
Phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững để nâng cao năng lực phục vụ cốt lõi của mình, cho phép mở rộng các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số; và Quản lý tài chính bền vững để quản lý, tối ưu hoá, bảo vệ tài sản, thu nhập, chi phí và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Anh Dũng: “Các doanh nghiệp cần nắm bắt gì để chuyển đổi số trên thương mại điện tử trong xu thế bền vững. Những yếu tố mà Lazada nhận thấy bao gồm phát triển kinh doanh bền vững; phát triển sở hạ tầng tiên tiến (hạ tầng công nghệ và hệ thống logictics); phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao (liên tục cập nhật kiến thức và đào tạo kỹ năng số cho nhân lực, tập trung với nhóm nhân lực có kỹ năng đặc thù ngành thương mại điện tử)”.
Thành Nam (T/h)